23/12/2024

Nhiều loài chim đẻ trứng sớm hơn, ‘thu nhỏ’ lại vì biến đổi khí hậu

Nhiều loài chim đẻ trứng sớm hơn, ‘thu nhỏ’ lại vì biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi nhịp điệu sinh sản của không ít loài chim trong nhiều năm qua.

 

 

Nhiều loài chim đẻ trứng sớm hơn, ‘thu nhỏ’ lại vì biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Trứng của nhiều loài chim Bắc Mỹ đẻ sớm hơn trong nghiên cứu – Ảnh: GETTY IMAGES

Nghiên cứu thực hiện trên 72 loài chim ở Chicago (Mỹ) cho thấy 1/3 tổng số loài chim có hiện tượng đẻ trứng sớm hơn so với thông lệ truyền thống của chúng.

Các nhà động vật học tại Bảo tàng Field, Chicago (Mỹ) đã phân tích dữ liệu từ các kỳ sinh sản của những loài chim đẻ trứng trong khu vực suốt 100 năm qua.

Kết quả cho thấy so với khoảng 1 thế kỷ trước, hơn 30% số chim đẻ trứng bước vào kỳ sinh đẻ mùa xuân sớm hơn từ 25-30 ngày. Một số loài bị ảnh hưởng nhiều nhất là chim cắt lùn, bồ câu, diều hâu,…

Ông John Bates – tác giả chính của nghiên cứu, hiện là nhà khoa học tại Bảo tàng Field – cho biết nhịp sinh sản của chim thay đổi với biên độ gần một tháng vô cùng bất ngờ và nghiêm trọng.

Điều này cho thấy những thói quen trong năm của chim đã bị đảo lộn, tác động ngược trở lại đến nhiều tập tính và thậm chí cả đặc điểm hình thái của chim.

Trứng chim có xu hướng dần nhỏ hơn. Từ đó, ngoại hình của nhiều loài chim khi trưởng thành cũng đã thu nhỏ lại.

Nghiên cứu được đăng trên chuyên san Animal Ecology. Theo ông John Bates, nguyên nhân chính của sự biến đổi này là hiện tượng biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Bắc Mỹ.

Mùa đông ấm hơn, mùa xuân đến sớm hơn làm thay đổi thói quen sinh sản của nhiều loài chim.

Xuân đến sớm đồng nghĩa cây cỏ đâm chồi nảy lộc sớm, côn trùng cũng sẽ sinh sôi sớm. Điều này buộc chim cũng phải đẻ sớm để theo kịp với sự vận động của hệ sinh thái xung quanh.

Nhiều loài chim đẻ trứng sớm hơn, ‘thu nhỏ’ lại vì biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Một số loài chim đẻ trứng ở Vương quốc Anh được ghi nhận đẻ trứng sớm hơn nửa tháng – Ảnh: GETTY IMAGES

Không ít loài đã không thích nghi được với sự biến đổi. Theo tạp chí khoa học Science, từ năm 1970 đến 2019, số lượng quần thể chim ở khu vực Bắc Mỹ đã giảm mạnh vì lịch sinh sản thay đổi bất ngờ.

1/3 số chim ở Canada và Mỹ, tức khoảng 3 tỉ con chim, đã mất đi vì lý do này.

Theo BBC, nhiều nghiên cứu tại Vương quốc Anh cũng ghi nhận vấn đề tương tự. Trong những thập kỷ gần đây, nhiều quần thể chim vào mùa đẻ trứng sớm một cách bất thường, kéo theo nhiều thay đổi trong hệ sinh thái.

Chẳng hạn, một nghiên cứu phân tích dữ liệu theo dõi 13.000 con chim ở Oxfordshire (Vương quốc Anh) trong 60 năm đã cho thấy thời gian sinh sản của chúng đã sớm hơn đến khoảng 15 ngày so với khi bắt đầu khảo sát.

HOÀNG THI
TTO