23/01/2025

Nghịch lý điện mặt trời bị phản đối tại Mỹ

Nghịch lý điện mặt trời bị phản đối tại Mỹ

Là một trong những nguồn năng lượng tái tạo phổ biến nhất, thế nhưng các dự án điện mặt trời đang ngày càng vấp phải nhiều phản ứng tại Mỹ vì các vấn đề về… môi trường.

 

 

Cuộc tranh cãi không hồi kết

Theo CNBC, ở nhiều tiểu bang tại Mỹ, những người ủng hộ điện mặt trời và phe phản đối đang ngày càng tranh cãi gay gắt hơn về loại hình năng lượng tái tạo này. Theo những người ủng hộ, điện mặt trời là một giải pháp không thể tốt hơn để thay thế năng lượng hóa thạch – thứ tạo ra một lượng lớn khí thải carbon.

Bên phía phản đối, những nhà hoạt động môi trường và người dân sinh sống gần các dự án điện mặt trời lại cho rằng, chúng quá tốn diện tích đất so với những gì thực sự đem lại.

Nghịch lý điện mặt trời bị phản đối tại Mỹ - ảnh 1
Cánh đồng pin năng lượng mặt trời tại Mỹ

CNBC

Là một trong những người ủng hộ phát triển điện mặt trời, GS Michael Webber tới từ Đại học Texas gọi việc phản đối năng lượng tái tạo là “nực cười” và sợ thay đổi.

“Đáng ngạc nhiên là có những người phản đối việc phát triển điện gió và điện mặt trời, đây là 2 giải pháp có tính khả thi nhất để chống lại biến đối khí hậu toàn cầu. Thực tế mà nói, cũng không có gì ngạc nhiên khi điện mặt trời bị phản đối vì hiện công nghệ này đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, giá cả cũng trở nên cạnh tranh hơn. Đây cũng là những gì mà năng lượng hạt nhân hay dầu khí trải qua trước đó, càng trở nên phổ biến hơn thì càng bị phản đối”, GS Webber trả lời CNBC.

Phản bác lại phe ủng hộ, những nhà hoạt động môi trường cho biết, nếu thực sự muốn sử dụng điện mặt trời để thay thế hoàn toàn năng lượng hóa thạch trên quy mô lớn là một vấn đề gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới môi trường.

Diện tích đất cần thiết để lắp đặt các tấm pin mặt trời cho một nhà máy cỡ lớn không hề nhỏ, tức các tấm pin phải chen chúc nhau tại những địa điểm không ai mong muốn như kênh đào, mái của các bãi đỗ xe, đất ven cao tốc hay những khu vực tự nhiên ít người ở. Chính sự bất cập này đã khiến chính quyền các bang California, Indiana, Maine, New York và Virginia phải áp dụng quy chế bảo vệ môi trường đối với các trang trại điện mặt trời quy mô lớn bởi họ không thể làm ngơ trước những lời phàn nàn về phá hoại cảnh quan và môi trường sống của động vật hoang dã.

Theo CNBC, kể từ đầu năm 2021, có 51 thành phố, thị trấn trên khắp nước Mỹ ban hành dự thảo về hạn chế phát triển điện mặt trời quy mô lớn, ít nhất 40 trong số này đã thông qua các chính sách này. Gần đây nhất thì những cư dân một thị trấn ở Nevada đã thành công trong việc tạm hoãn thi công một nhà máy điện mặt trời có diện tích 9.300 km2 tại đây.

Nghịch lý điện mặt trời bị phản đối tại Mỹ - ảnh 2
Nông dân tại thị trấn Pahrump phản đối điện mặt trời  NBC NEWS

Câu chuyện điện mặt trời và người nông dân tại Mỹ

Theo NBC News, những người nông dân thuộc thị trấn Pahrump bang Nevada là trường hợp điển hình nhất cho những người không ưa thích năng lượng mặt trời. Cụ thể, những cư dân tại đây đang phản đối việc Candela Renewables xây dựng một nhà máy điện mặt trời với diện tích hơn 9000 km2.

Đại diện cư dân thị trấn Pahrump cho biết, các dự án năng lượng mặt trời thực tế không hề “thân thiện với môi trường” như những gì chúng ta nghĩ, nó thậm chí còn có thể hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp và môi trường tự nhiên. Các nhà bảo tồn cũng cho rằng, các dự án điện mặt trời quy mô lớn sẽ làm rối loạn không gian sống của các sinh vật bản địa, tạo ra những cơn bão cát không mong muốn hay làm sói mòn chất lượng đất.

Nạn nhân trực tiếp nhất từ những dự án điện mặt trời quy mô lớn có lẽ là các động vật bản địa. Vào năm 2021, một nhóm các nhà sinh vật học đã phải di chuyển 139 con rùa sa mạc Mojave (động vật có nguy cơ tuyệt chủng) tới một nơi khác do dự án điện mặt trời Yellow Pine đã phá hủy mô trường sống của chúng. Tại Calofornia, cánh đồng năng lượng mặt trời Ivanpah được cho là đã gián tiếp làm biến mất khoảng 6.000 con chim mỗi năm.

Nghịch lý điện mặt trời bị phản đối tại Mỹ - ảnh 3
Một công nhân đang sửa tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ CNBC

Nói với NBC News, ông Scott Cashen, một chuyên gia sinh học tại California, cho biết các dự án năng lượng mặt trời đang không đạt được tính kinh tế theo quy mô, hiện tại thì chỉ 3% hệ thống điện quốc gia Mỹ là do điện mặt trời cung cấp. Về cơ bản, năng lượng mặt trời mang lại công suất điện năng thấp hơn nhiều so với khí đốt tự nhiên, điện hạt nhân hoặc các nguồn điện thông thường khác.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 cho thấy, năng lượng mặt trời có mật độ công suất khoảng 5,7 W/m2; cùng khoảng diện tích, khí tự nhiên có mật độ công suất là 482,1 W/m2, cao gấp 85 lần. Năng lượng hạt nhân đạt mật độ công suất 240,8 W/m2, cao hơn 42 lần. Điện than đạt mật độ công suất 135,1 W/m2, cao gấp 24 lần so với điện mặt trời. Việc chuyển đối hoàn toàn sang điện mặt trời sẽ đòi hỏi một diện tích đất rộng lớn gấp từ 10 đến 1.000 lần cho việc phát điện từ nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa với sự suy thoái và phá hủy môi trường sống tự nhiên của rất nhiều loài sinh vật.

 

Việt Nam cắt giảm điện mặt trời

Theo Bộ Công thương, năm 2020 nguồn điện gió, điện mặt trời của Việt Nam đạt công suất 16.941 MW trong tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống là 69.342 MW, chiếm tỷ trọng 24%. Đến cuối năm 2021, các nguồn điện gió, điện mặt trời là 20.670 MW trong tổng công suất 76.620 MW, chiếm tỷ trọng tới 27%.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 55/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát nghiên cứu chuyển đổi năng lượng theo hướng sẽ giảm các nhà máy nhiệt điện, giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả.

Trước đó, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, công suất điện mặt trời đã tăng thêm khoảng 8.000 MW so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và đưa công suất của điện mặt trời đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 MW.

VIỆT DŨNG

TNO