26/12/2024

Thứ Tư, 09.03.2022
Thay Đổi Hay Là Chết

Nhà thần học Lonergan SJ. nói đến sự hoán cải triệt để để qua ba phương diện: hoán cải trí tuệ, luân lý và tôn giáo.

Thứ Tư Tuần I – Mùa Chay

Thánh Phanxica Rôma, nữ tu – Lễ nhớ

Gn 3,1-10 • Tv 50,3-4.12-13.18-19 (Đ. c.19b) • Lc 11,29-32

MC01T4.jpg

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Lu-ca

29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Thay Đổi Hay Là Chết

Sứ điệp chính yếu của bài đọc I và bài Phúc Âm là lời mời gọi chúng ta hoán cải đời sống mình như dân thành Ninivê đã lắng nghe lời tiên tri Giona kêu gọi mà hoán cải, nhờ đó mà Thiên Chúa đã không giáng phạt và phá hủy thành. Hoán cải là lời mời gọi căn bản nhất của Phúc Âm. Từ hoán cải trong tiếng Hy Lạp là “metanoia”, có nghĩa là thay đổi. Thay đổi là quy luật của phát triển. Muốn phát triển phải thay đổi. Phải thay đổi liên tục, định kỳ và trường kỳ: Thay đổi hằng ngày là cải tiến. Thay đổi định kỳ là tái cấu trúc. Thay đổi trường kỳ là tái lập hay thay đổi tận căn, thay đổi căn tính. Nên không thể bằng lòng với việc thay đổi hời hợt bên ngoài, nơi ở, cách ăn mặc,… nhưng cần phải thay đổi từ bên trong theo giá trị chân thật.

Nhà thần học Lonergan SJ. nói đến sự hoán cải triệt để để qua ba phương diện: hoán cải trí tuệ, luân lý và tôn giáo. Hoán cải trí tuệ: Do những thành kiến, chủ quan, sai lạc, nên chúng ta thường cố chấp trong sai lầm, nên không nhận ra chân lý. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn, suy nghĩ, phán đoán và não trạng của mình để nhận thức chân lý một cách khách quan. Hoán cải luân lý là thay đổi nếp sống, biết từ bỏ thói hư tật xấu, từ bỏ con đường tội lỗi, mà sống theo những giá trị đạo đức và luân lý của Phúc Âm. Hoán cải tôn giáo là yêu mến Chúa trên hết mọi sự với tất cả con người của mình: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12, 30). Đó là sự thay đổi cần làm mỗi ngày, trong Mùa Chay và suốt đời. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương.

Sống Lời Chúa: Vượt qua ý muốn hoán cải để sống hoán cải với những thành quả.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Youcat mỗi ngày