26/12/2024

Hành trình đức tin của một huấn luyện viên karate ở Hong Kong

Hành trình đức tin của một huấn luyện viên karate ở Hong Kong

Eddie Lo, huấn luyện viên karate chuyên nghiệp sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Hoa không theo một tôn giáo nào và càng không bao giờ nghĩ đến việc thực hành tôn giáo, mặc dù đã từng theo học trường Công giáo. Nhưng đại dịch Covid-19 và cuộc đấu tranh dân chủ ở Hong Kong đã giúp ông thay đổi.

Huấn luyện viên karate 55 tuổi nói “hạt giống đức tin” ông nhận được tại Trường Tiểu học Thánh Anthony ở Hong Kong, do các tu sĩ Salêdiêng điều hành, đã trưởng thành sau 4 thập kỷ.

Trong thời gian này, ông Eddie Lo là một dự tòng đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy với tên Ignatius Lo vào đêm canh thức Phục Sinh sắp tới tại Giáo xứ Thánh Patrick ở Lok Fu thuộc Giáo phận Hong Kong. Ông là một trong số khoảng 1.550 người trưởng thành đang theo học giáo lý dành cho người lớn tại 52 giáo xứ và vùng lãnh thổ của Giáo phận, sẵn sàng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trong mùa Phục Sinh này. Mỗi năm có vài ngàn người lớn gia nhập Giáo phận Hong Kong. Trong Lễ Phục sinh năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, khoảng 2.800 người đã được rửa tội.

Ông Lo lớn lên trong một gia đình truyền thống có bố và mẹ theo triết lý Khổng Tử nhưng không theo tôn giáo nào. Ông cũng vậy, không theo tôn giáo nào cho đến một năm trước đây. Ông cho biết chính sự cô lập của các hạn chế đại dịch và sự hỗn loạn của chiến dịch ủng hộ dân chủ ở Hong Kong đã hướng dẫn ông đến với Giáo hội Công giáo.

Là một huấn luyện viên võ thuật, ông tập trung vào năng lượng thể chất và các kỹ thuật để kiểm soát tâm trí và cơ thể. Nhưng sự gián đoạn xã hội kể từ năm 2019 cũng như đại dịch đã khiến ông “suy nghĩ và cảm nhận khác, đặc biệt là với các học trò của ông”. Ông Lo nhớ lại: ông đã tỏ ra rất khắc nghiệt với các học trò để giúp họ giành chiến thắng trong các cuộc thi và được công nhận. “Nhưng sau những gì xảy ra ở Hong Kong, tôi bắt đầu đánh giá cao những người trẻ có tư duy độc lập, và từ đó thay đổi cách tôi dạy họ”, ông nói.

Các sinh viên trẻ đại học đã dẫn đầu phong trào ủng hộ dân chủ với hàng ngàn người xuống đường phản đối điều họ gọi là “quyền tự do bị hạn chế”. Cuộc phản đối tiếp tục cho đến khi chính phủ Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình bằng một luật an ninh mới vào tháng 6/2020.

Khi việc giãn cách và sự cô lập Covid-19 tiếp tục, ông Lo muốn có một sự thay đổi. Ông bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống và thậm chí còn thử những điều mới mẻ như làm bánh mì và luyện tập một môn võ thuật khác. Ông nói: “Đồng thời, tôi muốn có ai đó hướng dẫn mình trong tương lai. Tôi bắt đầu nghĩ mình cần thêm chỗ dựa tinh thần và một người để nương tựa.”

Sau đó, một vài người bạn karate giới thiệu ông đến với Nhà thờ Công giáo. Sau khi thảo luận về đức tin Công giáo với họ, ông đến gặp giáo lý viên Rebecca Yeung của Giáo xứ Thánh Patrick. Ông cũng muốn biết về những ảnh hưởng có thể có đối với đời sống xã hội của ông khi ông theo Công giáo. Giáo lý viên Yeung giải thích cần phải tham gia các lớp học giáo lý hàng tuần, bắt đầu vào mỗi cuối năm và tiếp tục cho đến mùa Phục Sinh tiếp theo. Cô Yeung cũng nói về sự cần thiết của các nghĩa vụ ngày Chúa nhật.

Những thay đổi bắt đầu xảy ra sau khi ông Lo tham gia lớp giáo lý và bắt đầu tham dự Thánh lễ. Ông nói: “Bây giờ tôi muốn nương tựa vào Chúa, trong khi trước đó có những người khác đã dựa vào tôi. Từ một người hay đưa ra câu trả lời, giờ tôi đã trở thành người biết lắng nghe trước. Điều này cũng giúp tôi giải thoát những cảm xúc tiêu cực của chính mình. Tôi cảm thấy thư thái hơn. Trong tôi đã có những bước tiến tích cực trong tương quan với Chúa. Tôi cầu nguyện như thể đang nói chuyện với Người.”

Em gái của ông cho biết, cô thấy có những thay đổi trong anh. Cô làm chứng: “Trong một số trường hợp, nếu trước đây ông sẽ nổi nóng, nhưng giờ đây ông không có thái độ đó nữa. Eddie biết đó là do đức tin biến đổi anh ấy.”

Ông Lo cảm thấy tham dự Thánh lễ dễ dàng hơn sau khi các lớp giáo lý giải thích cho ông về ý nghĩa của Thánh lễ.

Người bạn Karate, Dominic Chan trở thành cha đỡ đầu của ông một cách tình cờ. Ông Dominic Chan nhìn thấy một lời cầu nguyện nhỏ được đăng trên “góc cầu nguyện” trên trang mạng xã hội của ông Lo và hỏi ông có phải là người tin Chúa không. Cuộc trò chuyện đó đã khiến ông Lo chia sẻ câu chuyện đức tin của mình với người bạn và mời ông làm người đỡ đầu. Ông Chan chia sẻ: “Chúng tôi không phải là bạn thân. Chúng tôi quen nhau qua bàn luận về võ thuật trên mạng. Theo ý muốn của Chúa và hành trình đức tin, chúng tôi đã đến với nhau.” Ông cũng nhận xét rằng trong một xã hội thực dụng như Hong Kong, có bạn đồng hành là điều cần thiết để hỗ trợ nhau vượt qua những thử thách trong đời sống. Nhịp sống ở Hong Kong quá nhanh, vì thế bổn phận Chúa Nhật của người Công giáo có thể xung đột với nghề nghiệp hoặc đời sống xã hội. Đó là một thách đố. Trong một tình hình xã hội thương mại hoá cao, lối sống của Kitô hữu đích thực đôi khi có thể khiến người khác khó chịu.

Ông Lo chia sẻ, trong tương lai, ông muốn “trở thành một người tốt hơn, yêu thương và đối xử với người khác tốt hơn bằng cách nhìn mọi thứ từ đôi giày, từ thực tế của họ”. Ông muốn “truyền sứ điệp Tin Mừng cho người khác qua các cuộc trò chuyện, đặc biệt với các thành viên trong gia đình”. Những người bạn của ông đang rất mong đợi đến Lễ Phục Sinh để được nhìn thấy ông lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-03/hanh-trinh-duc-tin-huan-luyen-vien-hong-kong.html