24/12/2024

Giảng viên 9X chế tạo máy vớt rác từ đồ cũ

Giảng viên 9X chế tạo máy vớt rác từ đồ cũ

Chai nhựa, túi nilông, rác trôi nổi trên sông được thu gom nhanh chóng nhờ chiếc máy vớt rác làm từ… rác.

 

Giảng viên 9X chế tạo máy vớt rác từ đồ cũ - Ảnh 1.

Máy vớt rác WSCA2.0 ra đời là cả nỗ lực sáng tạo của chàng giảng viên trẻ – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần một năm qua, ngoài giờ lên giảng đường, thầy Huỳnh Ngọc Thái Anh (31 tuổi, Trường ĐH Cần Thơ) đã dồn hết thời gian cho việc mô phỏng mô hình 3D, tìm giải pháp vật liệu thay thế, đo lường hiệu quả chức năng của các bộ phận… để chế tạo máy vớt rác WSCA2.0.

Ý tưởng về chiếc máy vớt rác chạy bằng năng lượng mặt trời và điều khiển bằng điện thoại thông minh được thầy Thái Anh nảy ra từ 2 năm trước và lập tức gây chú ý từ vòng sơ tuyển của cuộc thi toàn quốc “Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không rác thải nhựa”, do UNESCO tổ chức năm 2020.

Vượt qua nhiều “đối thủ”, ý tưởng máy vớt rác WSCA2.0 đã xuất sắc đoạt giải nhất. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến nay chiếc máy mới được đưa vào thực tế sử dụng.

Thầy Thái Anh cho biết WSCA2.0 được thiết kế để thu dọn các loại rác nổi thuộc loại nhẹ trên bề mặt nước như các loại túi nilông, vỏ chai nhựa, hộp nhựa, giấy, rác hữu cơ trôi nổi… Máy được làm chủ yếu từ những vật liệu tái chế, tận dụng tối đa những vật liệu đã qua sử dụng để vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường.

Giảng viên 9X chế tạo máy vớt rác từ đồ cũ - Ảnh 3.

Rác thải được thu gom nằm gọn trong phần thùng chứa của máy – Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi đã nghiên cứu và thử nghiệm với nhiều loại vật liệu tái chế khác nhau, cách sử dụng điện năng lượng mặt trời và tính toán cả độ chìm nổi của máy khi vận hành trên sông, hồ. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng vận dụng những kiến thức mình có và nhờ sự tư vấn hỗ trợ nhiệt tình của nhiều chú bác, anh chị đi trước để có thể giúp điều khiển máy từ xa bằng điện thoại thông minh”, thầy Anh chia sẻ.

Sau khi lắp ráp và chạy thử nghiệm nhiều lần, máy WSCA2.0 được hoàn thiện với các bộ phận: phao và khung sườn, lưới cuộn, xích tải được cải tiến bằng inox và thép chống ăn mòn; động cơ lưới cuộn và chân vịt chạy bằng nguồn điện của bình ắcquy và có thể sạc lại trong ngày bằng tấm pin năng lượng mặt trời; hệ thống đèn báo và chiếu sáng cho thiết bị khi vận hành vào buổi tối.

Thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, người dùng “lái” máy đến nơi có rác thải, rác sẽ được cuộn vào phần lưới cuộn cho vào thùng chứa.

Giảng viên 9X chế tạo máy vớt rác từ đồ cũ - Ảnh 4.

Thầy Huỳnh Ngọc Thái Anh và máy vớt rác chạy bằng năng lượng mặt trời – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện máy vớt rác WSCA 2.0 đang được vận hành thực tế trên khu vực sông Hoài (Quảng Nam), bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực. Tác giả cho biết đang thực hiện những thủ tục cần thiết để đăng ký cấp bằng sáng chế cho WSCA2.0.

“Nếu có thêm kinh phí hoặc được tài trợ thì tôi sẽ tiếp tục làm ra thêm nhiều máy nữa để đưa đến những nơi cần thiết như khu du lịch có sông, hồ, góp phần làm sạch môi trường nước Việt Nam”, thầy Thái Anh chia sẻ.

“Tôi nỗ lực tạo ra WSCA2.0 đơn giản vì tôi muốn truyền đi thông điệp rằng tôi làm được thì các bạn trẻ khác cũng sẽ làm được, các bạn có thể tạo ra những thiết bị thân thiện với môi trường và tự hào về thiết bị “made in Việt Nam”. Ở nước ngoài họ sáng tạo được thì chúng ta cũng sáng tạo được, chỉ cần các bạn trẻ mạnh dạn, quyết tâm và dám bước về phía trước”, thầy Thái Anh nhấn mạnh.

Cô Trần Nguyễn Minh Thư, trưởng bộ môn khoa học máy tính Trường ĐH Cần Thơ, cho biết nhà trường đánh giá cao sự sáng tạo của thầy Thái Anh và luôn tạo điều kiện tốt nhất để thầy có thể tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, kỹ năng…

“Thầy Thái Anh là người nhiệt huyết với nghề, là thành viên năng nổ, hoạt bác của khoa, được nhiều sinh viên yêu mến. Đặc biệt thầy luôn quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình cho sinh viên khi các em thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học”, cô nói.

LAN NGỌC
TTO