23/01/2025

Dự báo năm nay mưa bão trái quy luật, sớm và nhiều hơn

Dự báo năm nay mưa bão trái quy luật, sớm và nhiều hơn

Dự báo năm 2022, có khoảng 10 đến 12 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4-6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền nước ta.

 

 

Dự báo năm nay mưa bão trái quy luật, sớm và nhiều hơn - Ảnh 1.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh năm nay mưa bão cực đoan, trái quy luật – Ảnh: N. HÀ

Chiều 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ông Hoàng Đức Cường – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy văn (Bộ Tài nguyên và môi trường) – cho biết biến đổi khí hậu đang tác động đến tất cả các hình thái thiên tai.

“Đối với bão có xu hướng mạnh hơn và hoạt động lệch về phía Nam nên khu vực Trung Bộ vẫn là nơi hứng nhiều bão nhất cả nước. Về mưa, cường độ mưa tập trung trong thời gian ngắn lớn hơn nên dễ gây ngập lụt, ngập úng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, năm 2022, trạng thái Enso sẽ chuyển pha trung tính nên hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ở mức trung bình nhiều năm, khoảng 10 – 12 cơn, trong đó có 4 – 6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền nước ta và có khả năng bão xuất hiện sớm.

“Ở khu vực Bắc Trung Bộ trở vào có thể chịu tác động của bão/áp thấp nhiệt đới từ cuối tháng 7 kéo dài tới cuối tháng 11, số cơn bão tương đương nhiều năm, chưa có dấu hiệu xuất hiện dồn dập như năm 2020 và 2021.

Về mưa, năm nay sẽ xuất hiện mưa sớm hơn trung bình nhiều năm ở cả Tây Nguyên và Trung Bộ, tuy nhiên lượng mưa ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, do đó khả năng sẽ kết thúc mùa mưa sớm. Vì vậy, cuối năm phải tính đến phương án tích nước trong mùa khô”, ông Cường nói và nhận định năm nay ít có khả năng xuất hiện mưa lũ dồn dập như 2 năm qua.

“Về bão, số lượng có thể ít hơn nhưng thường là bão mạnh tác động đến đất liền và trái quy luật”, ông Cường lưu ý.

Ông Trần Quang Hoài – phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai – nhấn mạnh theo dự báo năm nay, mưa bão cực đoan, trái quy luật, trong khi khu vực miền Trung là nơi có hoạt động tàu thuyền rất lớn nên cần lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát, đăng kiểm cho các tàu để quản lý khi có thiên tai.

Bên cạnh đó, hoạt động nuôi biển, kinh tế ven biển các địa phương cần hết sức lưu ý, tránh để lặp lại thiệt hại như cơn bão Damrey năm 2017 làm chết 43 người.

Lưu ý về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, ông Hoài cho biết Ban Chỉ đạo đã có công văn, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đóng góp ý kiến để xây dựng quy chế, quy trình vận hành khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhằm giảm thiểu ngập lụt hạ du và đảm bảo an toàn hồ chứa.

Phát động sáng tác nghệ thuật bảo vệ tầng ozone

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường) đã phát động cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “Bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu trái đất” với ba thể loại là nhiếp ảnh, vẽ tranh và vẽ tranh công nghệ.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết mục đích của cuộc thi nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone và phòng chống dịch bệnh của cộng đồng xã hội.

Cuộc thi cũng hướng tới việc nêu bật mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ozone và biến đổi khí hậu, những hoạt động, thành tựu đạt được của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và các bản sửa đổi, bổ sung trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal nhiều năm qua.

Ngoài ra, cuộc thi nhằm huy động sự ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) và loại trừ dần các chất HFC (hydrofluorocarbon); tăng cường hợp tác với UNEP và cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.

CHÍ TUỆ
TTO