Diện tích băng biển ở Nam Cực giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử
Diện tích băng biển ở Nam Cực giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử
‘Thật kinh hoàng khi nhìn thấy đại dương này tan chảy. Hậu quả của những thay đổi này lan tràn khắp hành tinh, ảnh hưởng đến mạng lưới sinh vật biển trên khắp thế giới’, Tổ chức bảo vệ môi trường Hoà Bình Xanh cảnh báo.
Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace) ngày 22-2 cho biết diện tích băng biển ở Nam Cực sẽ giảm xuống mức thấp nhất lịch sử trong năm nay, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống hiện tại của nhân loại.
Tổ chức Hòa Bình Xanh dẫn các kết quả đo đạc và tính toán sơ bộ của Trung tâm Dữ liệu băng biển quốc gia Chile cho thấy “diện tích băng biển xung quanh lục địa này đã giảm xuống mức thấp hơn cả kỷ lục tối thiểu được thiết lập trước đó hồi tháng 3-2017 là 2,1 triệu km2“, và “chỉ còn 1,98 triệu km2 hôm 20-2-2022″.
Thông điệp của tổ chức phi chính phủ này bày tỏ: “Thật kinh hoàng khi nhìn thấy đại dương này tan chảy. Hậu quả của những thay đổi này lan tràn khắp hành tinh, ảnh hưởng đến mạng lưới sinh vật biển trên khắp thế giới”.
Đề cập đến tình trạng diện tích băng biển ở Bắc Cực tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử vào năm 2020, Tổ chức Hòa Bình Xanh đã kêu gọi thiết lập một mạng lưới bảo tồn đại dương toàn cầu để ngăn chặn khủng hoảng khí hậu tại cả hai cực của Trái đất.
Giám đốc Tổ chức Hòa Bình Xanh Laura Meller nhấn mạnh: “Mỗi con người trên hành tinh đều phụ thuộc vào các đại dương trong lành để tồn tại. Đây là lời cảnh báo rõ ràng rằng chúng ta phải bảo vệ chúng mãi mãi”.
Trong hai thập kỷ qua, Nam Cực đã chứng kiến những biến đổi lớn về diện tích băng biển, hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tại một số khu vực của Nam Cực, tình trạng suy giảm diện tích băng biển diễn ra “nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh”.
Theo Tổ chức Hòa Bình Xanh, “bán đảo Tây Nam Cực là một trong những khu vực ấm lên nhanh nhất trên Trái đất, chỉ sau một vài vùng thuộc Vòng Bắc Cực. Tại một số điểm, nhiệt độ trung bình đạt hơn 3 độ C”.
Hồi tháng 2-2020, Nam Cực đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử là 18,3 độ C, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể chim cánh cụt sinh sống tại đây, khiến số cá thể của loài này giảm mạnh. Hiện tượng ấm lên toàn cầu cũng ảnh hưởng nặng nề đến những dòng sông băng nguyên sơ ở vùng Patagonia của Chile, một trong những tuyệt tác môi trường của Trái đất.
Dữ liệu của Tổ chức Hòa Bình Xanh chỉ ra rằng “các chỏm băng ở Nam Cực đang mất đi khối lượng nhanh gấp 3 lần so với những năm 1990 và đang góp phần khiến mực nước biển dâng cao trên toàn cầu”.
Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ như hiện tại, các thềm băng sẽ sụp đổ, sông băng sẽ tan chảy vào đại dương, góp phần khiến mực nước biển dâng cao, có nguy cơ lên tới hàng chục xentimet.