23/11/2024

Cầu nguyện với Phúc Âm – Tuần 7 TN C: 20-26/2/2022

Ðức Giêsu đã dạy chúng ta về lòng yêu thương vô vị lợi, tha thứ vô điều kiện và không xét đoán người khác. Trên thập giá, Chúa Giêsu xin Ðức Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Ðó là những việc thường trái với tính tự nhiên của con người. Nhưng Ðức Giêsu đã vượt thắng và muốn chúng ta đi trên con đường của Ngài là thương, và yêu thương tới cùng.

CẦU NGUYỆN VỚI PHÚC ÂM – TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN C: 20-26/2

Đức TGM Giuse biên soạn

20/2 – CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN năm C Lc 6,27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót” (Lc 6,36)

Suy niệm: Ðức Giêsu đã dạy chúng ta về lòng yêu thương vô vị lợi, tha thứ vô điều kiện và không xét đoán người khác. Trên thập giá, Chúa Giêsu xin Ðức Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Ðó là những việc thường trái với tính tự nhiên của con người. Nhưng Ðức Giêsu đã vượt thắng và muốn chúng ta đi trên con đường của Ngài là thương, và yêu thương tới cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, với con người đầy ích kỷ và hẹp hòi của chúng con, chúng con cảm thấy mình như kẻ khờ khạo đối với người đời. Xin cho chúng con biết nhìn vào mẫu gương khôn ngoan đích thực của chính Chúa. Chúa đã trở nên như đồ chúc dữ chỉ vì yêu thương. Nhìn gương Chúa và nghe lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết chọn phần khôn ngoan đích thực là sống như Chúa và làm theo Chúa. Trở nên giống Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.

21/2 – THỨ HAI TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN Mc 9,14-29

“Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi” (Mc 9,24)

Sứ điệp: Chúa là Đấng Toàn Năng. Con người chúng ta là nạn nhân của ma quỷ ác độc. Để cho tình thương đầy uy quyền của Chúa ảnh hưởng đến cuộc sống của ta và lôi ta ra khỏi mưu thâm ác độc của ma quỷ, ta phải tin vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đoàn dân đang vây quanh các môn đệ của Chúa. Họ ngạc nhiên vì các môn đệ của Chúa đã bất lực trong việc cứu chữa người bị quỷ ám.

Chúa đã thốt lên: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin và tà vạy”. Con thấy lời này trước tiên nhắm tới các môn đệ đã ăn chay cầu nguyện không đủ, lại còn tự tin vào tài hèn sức mọn của mình. Chúa cũng nhắm tới đoàn dân đang háo hức muốn xem cho no mắt, chứ không muốn hiểu chiều sâu của ơn cứu độ. Chúa còn nhắm tới thái độ của những biệt phái và luật sĩ chỉ tìm bắt bẻ chỉ trích, chứ không khách quan và chân tình tìm hiểu sự thật và chẳng thống hối gì. Và Chúa cũng nhắm nói tới người cha của cậu con trai: ông chỉ lo một vấn đề sinh tử phần xác của đứa con.

Lạy Chúa, cả con nữa, con muốn suy nghĩ lại cuộc sống làm con Thiên Chúa của con. Con thường hay cậy vào sức riêng và lòng đạo đức của chính mình như các môn đệ của Chúa xưa kia. Trong cuộc sống thường ngày, con dễ dàng đi vào lối sống của đoàn dân khi con thờ ơ nông cạn và chỉ tò mò. Chúa ở với con trong bí tích Thánh Thể có khi không hấp dẫn con bằng những người chết thiêng chết thánh. Con lại sa vào tình trạng của người luật sĩ khư khư với cách sống đạo cổ truyền. Người cha trong bài Tin mừng hôm nay là hiện thân của chính con, chỉ lo lắng về vật chất và rất yếu lòng tin.

Con chỉ biết thưa cùng Chúa: Ôi lạy Chúa, xin cứu chữa con. Con tin vào Chúa. Xin tăng thêm đức tin cho con. Amen.

22/2 – Thứ hai tuần 1 Mùa Chay: Lập Tông toà thánh Phêrô (Mt 16,13-19) (Lc 9,18-22)

1. Trong dân chúng có ba dư luận về Đức Giêsu: Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại, là Êlia xuất hiện, hay một tiên trì thời xưa sống lại. Đại khái họ coi Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng đặc biệt là người thuộc hàng tiên tri: giảng dạy và có khả năng làm phép lạ. Riêng ông Phêrô được ơn trên soi sáng đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy thế, ông vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng Cứu Thế oai phong hiển hách. Bởi đó Đức Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn chịu chết và phục sinh.

2. Hôm nay, qua bài Tin mừng, các môn đệ lâm vào cảnh khó tin và rất bất ngờ. Bởi vì, sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hoá bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn tôn người làm vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Ngài tuyên bố những điều thật khó hiểu, làm mất hứng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Đức Giêsu là Đấng Messia như Phêrô đã đoán chính xác. Nhưng Ngài không là Đấng Messia vinh quang như dân chúng đã mong chờ. Ngài phải là Đấng Messia đau khổ. Ngài không thống trị, Ngài chỉ phục vụ. Đức Giêsu không quan tâm chiếu rọi loại hình ảnh mà dân chúng muốn. Ngài biết Ngài có một số phận mà Thiên Chúa đã định mà Ngài phải hoàn thành, không sai sót.

3. Tiếp theo đó, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi mọi người chứ không riêng gì các môn đệ, là hãy theo Ngài: “Ai muốn theo Ta”. Đức Giêsu muốn khơi động lòng muốn cho những ai theo Ngài. Điều đó chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người, theo hay không theo cũng được. Tiếng La tinh dùng chữ “Si quis” (nếu ai) càng rõ nghĩa hơn: chữ “nếu” nói lên sự tự do hoàn toàn.

Nếu câu hỏi của Đức Giêsu chỉ có bấy nhiêu chữ “Nếu ai muốn theo Ta”, thì tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh: “Con muốn… Con muốn theo Chúa” . Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời “Con muốn” sẽ giảm đi rất nhiều.

4. Có một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời cần được trả lời: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây không phải là bài thi trắc nghiệm để biết kết quả đúng sai, cũng chẳng nhằm xem bao nhiêu phần trăm ủng hộ hay chống đối, mà là một bước để tỏ bầy, để đi vào một tương quan mới. Từ câu hỏi thăm dò xa xa, chung chung “Đám đông nói Thầy là ai?” đến câu hỏi mang tương quan cá nhân, biệt vị “còn anh em”. Câu trả lời không có chỗ cho sự hời hợt, sự giả vờ, lấy lệ, hay xã giao. Câu trả lời của ta xuất phát từ con tim, kinh nghiệm, sự hiểu biết dựa trên nền tảng đức tin, cũng như từ sự kín đáo của ơn mạc khải: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (5 phút Lời Chúa).

Hôm nay Thầy Giêsu vẫn đặt câu hỏi ấy với bạn: “Đối với con, Thầy là ai?” Bạn sẽ trả lời thế nào? Phải chăng là những gì được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hay được “vay mượn” từ người khác? “Nếu muốn trả lời Người cách xa xa, ta sẽ khám phá ra một điều làm mình chắc chắn là sự sống lại, nghĩa là sự sống phát xuất từ mầu nhiệm sự đóng đinh và sự chết… “Đối với con, Thầy là ai? Con có liên kết số mệnh con với số mệnh của Thầy không? Con có nhận rằng Thầy cần sự đau khổ của con để Thánh giá của Thầy có đầy đủ kích thước không? Nếu có, con sẽ sống” (A. Degeest).

5. Cùng với thánh Phêrô, chúng ta hãy tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa. Tuyên xưng như thế cũng có nghĩa là tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá. Chúa Giêsu là Đức Kitô, bởi vì Ngài đã chấp nhận đi qua con đường Thập giá để cứu rỗi con người. Tuyên xưng mầu nhiệm ấy cũng chính là để mầu nhiệp Thập giá tỏ bày trong cuộc sống chúng ta. Chính trong mầu nhiệm Đức Kitô, con người có thể hiểu chính mình. Do đó, để thực hiện ơn gọi Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đi lại con đường Thập giá mà Chúa đã đi qua (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện vui: Vác thập giá minh

Vào chiều thứ sáu Tuần thánh, cha sở kêu gọi giáo dân: khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đàng Thánh giá để tưởng niệm sự chết và đau khổ của Chúa Giêsu, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu nào tượng trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc sống đang phải chịu. Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi, thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói: “Thưa cha, đây là thập giá của con”. Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng: “Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi”.

Đây là câu chuyện vui cười! Nhưng Thập giá Đức Giêsu đề cập đến không phải chỉ là bà vợ hay ông chồng. Nó không đơn thuần chỉ là một đám cưới không hạnh phúc, hay những trở ngại khó khăn đến với chúng ta ngoài ý muốn, cũng không chỉ là những điều xui xẻo, không may xẩy đến như thi rớt, bệnh tật, mất việc. Thập giá Đức Giêsu đề cập chính là sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6,13; 12,1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ và lòng ham hố danh lợi (Pl 2,21). Đó là tự làm rỗng mình đi cho Thần khí của Thiên Chúa ngự trị, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Đó là với Đức Tin Cậy Mến chúng ta biến đổi Thập giá thành Thánh giá, đau khổ trở nên giá cứu chuộc linh hồn cho mình và cho nhân loại.

 

1. Khi đi đến làng Xêsarê Philipphê, Đức Giêsu hỏi các tông đồ xem dân chúng cho Ngài là ai. Các ông thưa dễ dàng: người ta cho Ngài là Gioan Tẩy giả, là Êlia hay một tiên tri nào đó. Nhưng khi Ngài hỏi chính các ông cho Ngài là ai, thì Phêrô đã nhanh nhảu tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô, lời tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính của Ngài. Họ hiểu sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu theo nghĩa chính trị: giải phóng đất nước, dành lại tự do cho dân tộc. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên tín, Ngài liền báo cho họ con đường Thương khó và Phục sinh của Ngài.

2. Đức Giêsu là ai? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta. Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.

Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi: Giêsu Kitô, ông là ai? Trên bàn viết của Lênin, thuỷ tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách… nói về Chúa Giêsu.

3. Theo dư luận quần chúng

Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp liền: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28).

Ngày xưa, nhiều người Do thái cho rằng: Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết các tiên tri: họ lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan Tẩy giả… Đức Giêsu đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.

4. Theo ý kiến các môn đệ

Đức Giêsu lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bỏ Thầy là ai?” Ông Phêrô đã nhanh nhảu trả lời ngay: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8,29).

Tước vị “Christos”, “Messiah” trong tiếng Hêbrơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho con người một ý nghĩa.

Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm như người Do thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn thời Salômôn.

5. Theo tiết lộ của Đức Giêsu

Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật: “Thầy là Đức Kitô”, thì Đức Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan niệm của Thiên Chúa. Đức Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Đấng Kitô theo hình ảnh của người tôi tớ Giavê như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Đấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Giavê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra  phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ.

Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện: Tôn giáo của ông Lavallière Lepaux

Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.

Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras:

– Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông?

Ông Barras trả lời:

– Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình, thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ sáu, rồi sáng ngày Chúa nhật, đồng chí cố sống lại đi.

22/2 – LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ, lễ kính Mt 16,13-19

“Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời” (Mt 16,18-19)

Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội thánh trên nền tảng đức tin của thánh Phêrô. Ngài được Chúa đặt làm thủ lãnh của Hội thánh. Hiệp thông cùng Hội thánh có nghĩa là phải hiệp thông với thánh Phêrô và người kế vị là Đức Thánh Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cùng với thánh Phêrô, con tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế, là Con Chúa Cha hằng sống. Con thấy mình thật có phúc vì được biết Chúa, tin Chúa và đi theo Chúa, thật có phúc vì được sống trong Hội thánh của Chúa. Con cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa, trải qua hai ngàn năm, Hội thánh Chúa bước đi giữa muôn ngàn bách hại, cám dỗ, thử thách và đau thương. Có những lúc Hội thánh tưởng chừng như tiêu tan, hoặc sa lầy hay quỵ ngã. Nhưng cho tới hôm nay, Hội thánh của Chúa vẫn còn đó giữa lòng thế giới để trở nên dấu chỉ tình thương cứu độ của Chúa. Con tin Chúa vẫn hiện diện và nâng đỡ Hội thánh như lời Chúa đã hứa. Xin Chúa làm cho Hội thánh luôn vững tin vào sức mạnh của Chúa.

Con xác tín rằng Chúa là Con Thiên Chúa hằng sống. Chỉ mình Chúa có đủ quyền năng cứu độ thế giới, chỉ có Phúc Âm Chúa là ánh sáng dẫn dắt nhân loại tới hạnh phúc đích thực. Vì thế, xin Chúa giúp con trung thành với Chúa, với Hội thánh, bằng cách tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha là người thay mặt Chúa trên trần gian. Con đường của Chúa và Hội thánh thật khác với lối đi của trần gian, nhưng con tín nhiệm vào Chúa và vào giáo huấn của Hội thánh. Con cầu nguyện xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha niềm tin sắt đá, lòng cậy trông vững vàng. Amen.

23/2 – THỨ TƯ TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN: Thánh Polycarpô, giám mục, tử đạo, lễ nhớ Mc 9,38-40

“Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con” (Mc 9,40)

Sứ điệp: Tin mừng phải được rao giảng. Rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa không phải là đặc quyền của riêng ai, nhưng là sứ mạng của tất cả mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay đã xác định rõ thái độ con phải có đối với việc loan báo Tin mừng. Đang khi các tông đồ tỏ ra không bằng lòng về một người lạ mặt lấy Danh Chúa mà trừ quỷ, thì chính Chúa đã bênh vực người đó. Thông truyền cứu độ, đó là sứ mạng Chúa trao cho tất cả mọi người, không trừ ai. Và tiêu chuẩn để xác định một người thuộc về Chúa, đó là người ấy có hành động nhân danh Chúa hay không.

Lạy Chúa, mỗi khi nhận được tin vui về người thân, con chỉ muốn đến ngay với họ. Và nếu như họ chưa biết tin vui ấy, thì con muốn rằng chính con sẽ là kẻ báo tin vui cho họ. Tin vui càng lớn bao nhiêu, con càng muốn báo cho họ sớm bấy nhiêu. Nhưng tất cả các tin vui mà con vừa thưa với Chúa thật là tầm thường so với Tin mừng mà Chúa đã đem đến cho loài người. Đây là tin trọng đại làm thay đổi số phận cả loài người. Tin trọng đại ấy khơi dậy trong tâm hồn con ước muốn được ra đi loan báo cho anh chị em con. Con muốn ra đi, thoát ly tất cả những cũ kỹ hư nát của nếp sống, muốn gội sạch lớp mốc đã phủ dầy theo ngày tháng, muốn trở thành một con người mới nhân danh Chúa. Ước mơ ấy bừng sáng trong con, hoàn toàn mới mẻ, cao thượng và mạnh mẽ.

Ước gì đó cũng là ước mơ của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Thay vì bỏ nhà đi hoang, sẽ lên đường rao giảng Nước Chúa. Con dâng lên Chúa ước nguyện đó, xin Chúa chúc phúc cho con. Amen.

24/2 – THỨ NĂM TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN Mc 9,41-50

“Thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục” (Mc 9,43)

Sứ điệp: Chúa muốn ta sống thánh thiện. Ta phải can đảm hy sinh cắt đứt những dịp tội và không được lôi kéo kẻ khác vào tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chỉ có Chúa mới thấy tội lỗi gây ra cho con sự đau khổ trầm luân biết bao. Thế nên Chúa đã hy sinh xuống thế làm người và chịu chết trên thánh giá để cứu con khỏi tội lỗi. Công ơn cứu chuộc của Chúa, con xin trọn đời ghi khắc trong tim.

Lạy Chúa, Chúa nhìn thấy con thiển cận và dại dột dường nào. Rất nhiều lúc, chỉ vì thú vui lợi lộc mau qua mà con đã liều mình lao vào tội lỗi. Những dịp tội ở gần bên cạnh con, ở ngay trong chính bản thân con. Dịp tội mang dáng vẻ quyến rũ, ngọt ngào, dễ thương, nhưng bên trong chất chứa đầy nọc độc giết người. Xin Chúa giúp con biết cảnh giác đề phòng những cạm bẫy của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Xin Chúa ban cho con sức mạnh để con chống trả những cơn cám dỗ. Và xin Chúa ban cho con lòng can đảm để con biết hy sinh khước từ những gì lôi kéo con xa Chúa. Nếu cần, xin Chúa dạy con hy sinh ngay cả sự sống của thân xác con.

Lạy Chúa, con xin cho mọi người Kitô hữu biết sống thánh thiện để lôi kéo nhân loại đi lên. Thế giới hôm nay đầy những gương xấu, người ta đua nhau phô bày tội lỗi để lôi kéo nhau vào tội lỗi và xô đẩy nhau xuống vực thẳm. Đời sống tội lỗi của con cũng đã góp phần làm ô nhiễm thế giới. Xin Chúa thương xót và tha thứ cho con. Xin giúp con biết thận trọng trong lời nói, việc làm, cách sống, để đừng tạo nên ảnh hưởng xấu nơi người khác, nhất là nơi giới trẻ. Xin Chúa giúp con biết làm gương sáng cho người khác và góp phần thánh hoá thế gian. Amen.

25/2 – THỨ SÁU TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN Mc 10,1-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ” (Mc 10,9)

Sứ điệp: Hôn nhân là một giao ước tình yêu. Đây không phải chỉ là một giao ước đơn thuần của con người, nhưng chính là sự kết hiệp bất khả phân ly do Thiên Chúa thiết lập.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hơn bao giờ hết, nền tảng gia đình đang lung lay đến tận gốc rễ. Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, con được biết có rất nhiều gia đình đang trong tình trạng tan vỡ: nào là vợ chồng ngoại tình không còn chung thuỷ với nhau, nào là con cái bỏ nhà ra đi, để rồi giờ này tâm hồn người cha đang đau khổ, trái tim nhiều người mẹ tan nát, và những đứa con không cửa không nhà, bơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời. Chúng trở thành những thiếu niên phạm pháp, làm tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng.

Lạy Chúa, tất cả chỉ vì thiếu bóng tình thương. Bởi không yêu thương nên vợ chồng mới hằn học, lạnh lùng với nhau, chửi rủa, đánh đập, xua đuổi nhau. Bởi không yêu thương nên con cái bất mãn và đi tìm tình thương nơi chốn giang hồ. Vậy xin tình yêu Chúa ngự trị trên tất cả mọi gia đình chúng con.

Xin Chúa giúp sức và nâng đỡ các vợ chồng biết trung thành với lời cam kết ban đầu, là yêu thương nhau trọn đời. Xin cho các bậc cha mẹ biết nêu gương sáng để giáo dục con cái. Xin cho sự hoà thuận luôn hiện diện trong mọi gia đình. Lạy Chúa, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào ơn gọi hôn nhân, xin cho họ biết ý thức, sáng suốt, để khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng gia đình, họ kiến tạo được một mái ấm tình thương.

Lạy Chúa, con là một thành viên trong gia đình, xin cho con luôn là sợi dây tình thương nối kết để cuộc sống gia đình luôn bình an và hạnh phúc. Amen.

26/2 – THỨ BẢY TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN Mc 10,13-16

“Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó” (Mc 10,15)

Sứ điệp: Chúa Giêsu thương mến các trẻ em cách đặc biệt, vì Nước trời thuộc về chúng. Muốn vào Nước trời, tâm hồn chúng ta cần phải trở nên như trẻ thơ: cậy trông, phó thác và đơn sơ.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha của con, một đứa con nhỏ trong gia đình thật yếu ớt. Hơn nữa, một em bé trong xã hội có là gì đáng cho người khác quan tâm! Nhưng cũng em bé đó lại có vai trò quan trọng trong Nước trời.

Chúa đã đề cao trẻ thơ như mẫu mực cho tất cả những ai muốn vào Nước trời. Bởi vì, lạy Cha, nếu em bé lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ và gia đình, thì con cũng hoàn toàn lệ thuộc vào Cha trong tâm tình phó thác đơn thành.

Xin Cha giúp con nhận ra con người thật của mình: tự sức con, với tất cả mọi nỗ lực, không xứng đáng với ơn lành Cha ban. Cả đời con lập công cũng chẳng đáng Cha ban Nước trời. Con biết mình yếu đuối như một trẻ thơ. Chính Chúa Giêsu cũng trở thành một trẻ thơ trước mặt Cha. Ngài sống với Cha trong tâm tình đơn sơ, cởi mở, phó thác, vâng phục hoàn toàn. Con nhìn thấy nơi trẻ thơ Giêsu một tấm lòng yêu mến đối với Cha. Xin Cha loại bỏ những gì làm con ảo tưởng mình là kẻ lớn: tự phụ, kiêu căng, ích kỷ… để chỉ giữ lại một điều duy nhất là: tin tưởng cậy trông nơi Cha.

Con biết Cha không thích những người mang thái độ của “kẻ cả”. Xin Cha thanh luyện con để tâm hồn con luôn trong sáng, để hình ảnh Cha không bị mờ đục nơi tâm hồn con. Xin Cha cúi xuống với con và dắt con đi trên đường về Nước trời. Amen.