25/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, quan thầy Giáo Hội

Anh chị em thân mến, tôi khuyến khích anh chị em cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse ngay vào chính các thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống và cộng đồng của anh chị em.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 9 tháng 2 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý về Thánh Giuse:
Bài 12. Thánh Giuse, quan thầy Giáo Hội

Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!
Hôm nay chúng ta kết thúc chu kỳ các bài giáo lý về nhân vật Thánh Giuse. Các bài giáo lý này bổ sung cho Tông thư Patris corde, được viết nhân dịp kỷ niệm 150 năm việc Chân phước Piô IX công bố Thánh Giuse là Quan thầy Giáo Hội Công Giáo. Nhưng tước hiệu này có nghĩa gì? Thánh Giuse là “quan thầy của Giáo hội” có nghĩa gì? Hôm nay, tôi muốn suy gẫm về điều này với anh chị em.

Cả trong trường hợp này, các sách Tin Mừng cũng cung cấp cho chúng ta chìa khóa chính xác nhất để giải thích. Thật vậy, ở phần cuối của mỗi câu chuyện mà Thánh Giuse là nhân vật chính, Tin Mừng ghi nhận việc ngài mang Hài Nhi và mẹ Người đi theo và thực hiện những gì Thiên Chúa đã ra lệnh cho ngài (x. Mt 1:24; 2:14, 21). Như thế, sự kiện nhiệm vụ của Thánh Giuse là bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria rất nổi bật. Ngài là người bảo vệ chính của các Đấng: “Thật vậy, Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ của Người, là kho tàng đức tin quý giá nhất của chúng ta”[1] [mfn]Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự Quemadmodum Deus (8 tháng 12 năm 1870): ASS 6 (1870-71), 193; Xem Đức Piô IX, Tông thư Inclytum Patriarcham (ngày 7 tháng 7 năm 1871): lo. cit., 324-327.[/mfn] (Tông thư Patris corde, 5). Và kho báu này được Thánh Giuse bảo vệ.

Trong kế hoạch cứu độ, Con không thể tách rời khỏi Mẹ, khỏi Đấng “tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và trung thành gìn giữ sự kết hợp với Con của mình tới tận Thập giá” (Lumen Gentium, 58), như Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta.

Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là hạt nhân nguyên thủy của Giáo hội. Chúa Giêsu là người và là Thiên Chúa; Đức Maria, người môn đệ đầu tiên và là Mẹ; và Thánh Giuse, người giám hộ. Và chúng ta cũng vậy “Chúng ta nên luôn xem xét liệu chính bản thân chúng ta, chúng ta có đang bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria hay không, vì các Đấng cũng được giao phó một cách mầu nhiệm cho trách nhiệm, sự chăm sóc và gìn giữ an toàn của chính chúng ta” (Patris corde, 5). Và ở đây, có một dấu vết rất đẹp cho thấy ơn gọi của Kitô hữu: bảo vệ. Bảo vệ sự sống, bảo vệ sự phát triển của con người, bảo vệ trí óc con người, bảo vệ trái tim con người, bảo vệ việc làm của con người. Chúng ta có thể nói, Người Kitô hữu giống như Thánh Giuse: họ phải bảo vệ. Làm một Kitô hữu không phải chỉ là tiếp nhận đức tin, tuyên xưng đức tin, mà còn bảo vệ sự sống, sự sống của chính mình, sự sống của người khác, sự sống của Giáo hội. Con Đấng Tối Cao đã đến thế gian trong một tình trạng hết sức yếu đuối: Chúa Giêsu sinh ra như thế đấy, yếu đuối, yếu đuối. Người muốn được che chở, bảo vệ, chăm sóc. Thiên Chúa đã tin cậy Thánh Giuse cũng như Đức Maria, đấng đã tìm thấy nơi ngài một chàng rể yêu thương và kính trọng mình và luôn chăm sóc mình và Hài Nhi. “Theo nghĩa này, Thánh Giuse không thể nào khác hơn là Người Bảo vệ Giáo hội, vì Giáo hội là sự tiếp nối của Thân thể Chúa Kitô trong lịch sử, ngay cả khi tình mẫu tử của Đức Maria được phản ảnh trong tình mẫu tử của Giáo hội. Trong việc ngài tiếp tục bảo vệ Giáo hội, thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Hài nhi và Mẹ của Người, và cả chúng ta nữa, bằng tình yêu của chúng ta đối với Giáo hội, chúng ta tiếp tục yêu mến Chúa Hài đồng và mẹ của Người” (sđd).

Hài nhi này là Đấng sẽ nói: “Bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những người anh em nhỏ mọn nhất của Ta, anh em đã làm cho Ta” (Mt 25:40). Vì vậy, mọi người đói và khát, mọi người xa lạ, mọi người di cư, mọi người không quần áo, mọi người bệnh, mọi tù nhân đều là “Hài Nhi” được Thánh Giuse chăm sóc. Và chúng ta được mời gọi bảo vệ những người này, những anh chị em của chúng ta, như Thánh Giuse đã làm. Đó là lý do tại sao ngài được kêu cầu như người bảo vệ mọi người túng thiếu, bị lưu đày, chịu đau khổ và thậm chí cả những người sắp chết – chúng ta đã nói về điều này thứ Tư tuần trước. Và chúng ta cũng phải học nơi Thánh Giuse việc “bảo vệ” các điều tốt lành này: yêu Chúa Hài Đồng và mẹ của Người; yêu mến các bí tích và dân Chúa; yêu thương người nghèo và giáo xứ của chúng ta. Mỗi thực tại này luôn là Hài nhi và mẹ của Người (xem Patris corde, 5). Chúng ta phải bảo vệ, vì với điều này, chúng ta bảo vệ Chúa Giêsu, như Thánh Giuse đã làm.

Ngày nay, chuyện thông thường, diễn ra hàng ngày, là chỉ trích Giáo hội, chỉ ra những điểm mâu thuẫn của Giáo Hội – nhiều lắm- là chỉ ra các tội lỗi của Giáo Hội, những tội lỗi trên thực tế là các bất nhất của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, vì Giáo hội luôn là một dân tộc gồm những người tội lỗi gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem trong thâm tâm, chúng ta có yêu mến Giáo Hội như hiện Giáo Hội là hay không, tức là Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành còn nhiều hạn chế, nhưng với một ước muốn lớn lao là phục vụ và yêu mến Thiên Chúa. Thực vậy, chỉ có tình yêu thương mới làm chúng ta có khả năng nói sự thật một cách trọn vẹn, một cách không phe phái; có khả năng nói điều sai, nhưng cũng biết nhận ra tất cả sự tốt lành và thánh thiện đang hiện diện trong Giáo hội, bắt đầu chính từ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Yêu mến Giáo hội, bảo vệ Giáo hội và đồng hành cùng Giáo hội. Nhưng Giáo hội không phải là một nhóm nhỏ gần gũi với linh mục và chỉ huy mọi người, không. Giáo hội là tất cả mọi người, tất cả mọi người. Đang lữ hành. Bảo vệ lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau. Đây là một câu hỏi hay: khi tôi gặp vấn đề với ai đó, tôi có cố gắng chăm sóc họ không, hay ngay lập tức lên án họ, phỉ báng họ, tiêu diệt họ? Chúng ta phải bảo vệ, luôn luôn bảo vệ!

Anh chị em thân mến, tôi khuyến khích anh chị em cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse ngay vào chính các thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống và cộng đồng của anh chị em. Khi lỗi lầm của chúng ta trở thành một tai tiếng, chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse cho chúng ta can đảm để nói lên sự thật, xin sự tha thứ và khiêm tốn bắt đầu lại. Ở những nơi mà sự bách hại ngăn cản việc loan báo Tin Mừng, chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse sức mạnh và sự kiên nhẫn để chịu đựng sự ngược đãi và đau khổ vì lợi ích của Tin Mừng. Ở những nơi khan hiếm tài nguyên vật chất và nhân lực và làm cho chúng ta trải nghiệm nghèo đói, nhất là khi chúng ta được kêu gọi phục vụ những người cuối hết, những người không có khả năng tự vệ, các trẻ mồ côi, người bệnh, bị xã hội ruồng bỏ, chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse làm Sự Quan Phòng cho chúng ta. Biết bao vị thánh đã hướng về ngài! Biết bao người trong lịch sử Giáo Hội đã tìm thấy nơi ngài một đấng quan thầy, một người bảo vệ, một người cha!

Chúng ta hãy noi gương các ngài, và vì lý do này, hôm nay, chúng ta cầu nguyện: Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Thánh Cả Giuse bằng lời cầu nguyện tôi đã đặt ở phần kết của Tông Thư Patris corde, phó thác cho ngài các ý chỉ của chúng ta và, một cách đặc biệt, Giáo hội đang đau khổ và đang bị thử thách. Và bây giờ, anh chị em có trong tay lời cầu nguyện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau – tôi nghĩ là bốn -; và tôi nghĩ nó cũng sẽ xuất hiện trên màn hình. Vì vậy, cùng nhau, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình, chúng ta hãy cầu nguyện với Thánh Giuse.

Kính chào, đấng giám hộ Chúa cứu thế, phu quân của Trinh nữ Maria.
Thiên Chúa đã giao phó Con Một của Người cho ngài;
nơi ngài, Đức Maria đã đặt niềm tin tưởng của ngài;
với ngài, Chúa Kitô đã trở thành người phàm.
Lạy Thánh Giuse diễm phúc, cả cho chúng con nữa,
xin ngài tỏ ra là một người cha,
và hướng dẫn chúng con trong con đường sống của chúng con.
Xin cầu bầu cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và đức can đảm,
và bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

___________________________________________________________________________________

Ghi chú:

[1] Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự Quemadmodum Deus (8 tháng 12 năm 1870): ASS 6 (1870-71), 193; Xem Đức Piô IX, Tông thư Inclytum Patriarcham (ngày 7 tháng 7 năm 1871): lo. cit., 324-327.

Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/