25/12/2024

Hơn 19% ca mắc Covid-19 dưới 18 tuổi

Hơn 19% ca mắc Covid-19 dưới 18 tuổi

Trẻ mắc Covid-19 nặng và tử vong chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, quá trình điều trị tại nhà, gia đình vẫn cần lưu ý một số triệu chứng bất thường ở bệnh nhi để thông báo kịp thời đến nhân viên y tế.

 

 

Trẻ em chiếm 0,42% ca tử vong do Covid-19

Hội nghị trực tuyến tập huấn về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 được Bộ Y tế tổ chức sáng 16.2 đến các điểm cầu trên cả nước.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của trẻ em dưới 18 tuổi là 19,2%; tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42%. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp nhưng có ghi nhận ca tử vong. Hiện nay, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng cấp tính của Covid-19. Thậm chí có trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm các cơ quan, không chỉ ở đường hô hấp. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm xảy ra nhiều hơn ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng.

Hơn 19% ca mắc Covid-19 dưới 18 tuổi - ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện trẻ em từ 6 – 17 tuổi thuộc phân loại nguy cơ thấp, do đó tăng cường quản lý, điều trị tại nhà. Bộ Y tế cũng tăng cường công tác hội chẩn, hỗ trợ từ xa cho các tuyến; phối hợp với các bệnh viện đánh giá mức độ bệnh, đáp ứng điều trị và phân tích một số yếu tố liên quan đến tử vong do Covid-19 ở trẻ em.

Đảm bảo dinh dưỡng và lưu ý triệu chứng bất thường

Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã thông tin về điều trị, chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà.

Theo PGS Hiếu, việc điều trị tại nhà với các triệu chứng thông thường vẫn cần đảm bảo phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng và tránh lây nhiễm chéo trong gia đình. Trẻ được điều trị tại nhà có lợi ích: trẻ được chăm sóc trong vòng tay người thân; không bị thay đổi môi trường sống, ít ảnh hưởng tới tâm lý; hạn chế quá tải y tế không cần thiết. Quá trình chăm sóc trẻ, gia đình cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng thức ăn, chế biến dễ ăn; trẻ cần tiếp tục bú mẹ kể cả khi mẹ là F0; đảm bảo đủ nước, nhất là khi bệnh nhi sốt.

Các triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế là: sốt trên 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; mệt mỏi không chịu chơi; đau ngực; chỉ số SpO2 dưới 96%; khó thở; ăn, bú kém.

Các yếu tố có thể khiến Covid-19 tăng nặng là: đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gien, béo phì; bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); bệnh thận mạn; ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

Lưu ý khi chăm sóc, điều trị tại nhà:

Đeo khẩu trang với trẻ trên 2 tuổi

Vệ sinh tay

Dùng khăn giấy che khi ho, hắt hơi, xong bỏ khăn giấy

Tập thể dục nhẹ nhàng đối với trẻ lớn

Đo SpO2, nhiệt độ 2 lần/ngày.

Nhận biết dấu hiệu trẻ chuyển nặng:

Thở nhanh

Khó thở

Cánh mũi phập phồng

Rút lõm lồng ngực

Li bì, lờ đờ, bỏ bú

Tím môi, đầu chi

Chi lạnh tái, nổi vân tím

Nghi mắc hội chứng viêm đa cơ quan liên quan đến Covid-19 ở trẻ nhỏ:

Sốt trên 38 độ C và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu: ban đỏ trên da; phù mu bàn tay; phù mu bàn chân; viêm kết mạc (mắt đỏ); môi đỏ, khô; rối loạn tiêu hóa; bất thường thần kinh (lú lẫn).

 

LIÊN CHÂU

TNO