26/12/2024

Phát hiện lõi Trái đất không phải thể rắn thông thường

Phát hiện lõi Trái đất không phải thể rắn thông thường

Các nhà khoa học mới đây phát hiện lõi của Trái đất không phải thể rắn thông thường mà là dạng siêu ion, tức trạng thái giữa rắn và lỏng. Khám phá mới giúp hiểu hơn về lõi của Trái đất cũng như mở ra những nghiên cứu, giả thuyết mới.

 

Phát hiện lõi Trái đất không phải thể rắn thông thường - Ảnh 1.

Sâu dưới lòng đất vẫn còn nhiều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết – Ảnh: Tasnim News

Trong báo cáo đăng trên tạp chí Nature ngày 9-2, các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc nói rằng phần sâu nhất của Trái đất được tạo thành từ sắt rắn và các nguyên tố nhẹ như chất lỏng, còn gọi là trạng thái siêu ion.

Trạng thái siêu ion là trạng thái vật chất trung gian đặc biệt vừa có tính chất của chất rắn, vừa có tính chất của chất lỏng. Ví dụ, trong nước ở trạng thái siêu ion, các nguyên tử oxy tạo thành mạng tinh thể như trong trạng thái rắn, trong khi các ion hydro chuyển động xung quanh giống như trong trạng thái lỏng.

Phần lõi Trái đất được hình thành do sắt lỏng đông đặc lại ở phần rìa của lõi. Phần lõi này ít đặc hơn sắt nguyên chất và từ lâu các nhà khoa học đã cho rằng có một số nguyên tố nhẹ tồn tại trong đó. Các nguyên tố nhẹ đó có thể là hydro, carbon và oxy.

Báo China Daily dẫn nghiên cứu cho biết các nhà khoa học đã nghiên cứu các hợp kim giữa sắt với các nguyên tố nhẹ gồm hydro, carbon, oxy trong điều kiện áp suất và nhiệt độ cao tương tự như trong lõi Trái đất. Họ phát hiện rằng trong hợp kim với sắt và điều kiện như trên, các nguyên tố nhẹ chuyển sang trạng thái siêu ion, thể hiện qua việc có độ khuếch tán cao giống chất lỏng.

“Điều này cho thấy lõi trong cùng của Trái Đất có thể ở trong trạng thái siêu ion hơn là trạng thái rắn thông thường”, nhà khoa học He Yu thuộc nhóm nghiên cứu nói. Ông cho rằng kết quả này có thể cung cấp những manh mối mới cho nghiên cứu cấu trúc bên trong Trái đất, chuyển động địa chấn, từ trường và các vấn đề khác.

Trái đất vẫn tồn tại nhiều bí ẩn, chẳng hạn về nguồn gốc của từ trường Trái đất. “Chúng ta bay vào vũ trụ, lặn xuống những nơi sâu nhất của đại dương, nhưng nơi xa nhất chúng ta từng đi vào lòng đất là một lỗ khoan sâu 12km ở Nga. Vì vậy, lòng đất vẫn là một ranh giới chưa được khám phá và có ý nghĩa nghiên cứu, kinh tế và chiến lược to lớn”, ông He nói.

TRẦN PHƯƠNG
TTO