24/12/2024

Tình nguyện viên Lòng Thương Xót – Ramona Guzzetti

Tình nguyện viên Lòng Thương Xót – Ramona Guzzetti

Ramono Guzzetti là tình nguyện viên Lòng Thương Xót Chúa, được biết đến không chỉ những hoạt động dấn thân cho người khác trong khi còn sống, mà còn trao ban tất cả những gì có thể sau khi đã qua đời qua việc hiến cơ phận.

Trong những ngày vừa qua, Huynh đoàn Lòng Thương Xót Chúa của Valledolmo ở Ý, cùng gia đình và bạn bè vô cùng xúc động và thương tiếc trước sự ra đi của Ramona Guzzetti.

Sau 22 năm làm tình nguyện viên Lòng Thương Xót Chúa, Ramona vừa mới qua đời ở tuổi 42 do bị xuất huyết não. Tính nhân văn tuyệt vời của cô đã vượt qua cả cái chết, bằng việc hiến tặng 11 cơ phận cho những ai cần đến.

Một người bạn của Ramona nói về tính cách của Ramona như sau: Ramona không nói nhiều, chỉ nói khi cần phải nói, nhưng một khi đã nói thì ở nơi Ramona có sự xác quyết rõ ràng, hiệu quả, thiết thực, không rườm rà.

Vô cùng vị tha, Romona làm tình nguyện viên vì đó là lẽ sống. Là một tín hữu, vì thế, không chỉ làm tình nguyện viên trong các hoạt động cứu trợ, cô còn thường xuyên đến nhà thờ tham dự Thánh lễ và để cầu nguyện cho những người đau khổ, các bệnh nhân.

Romona đã hy sinh và làm việc rất nhiều để có thể vừa hoàn thành công việc nuôi sống bản thân vừa tham gia các hoạt động tình nguyện. Cô phải phân chia thời gian cho nghề nghiệp – nhân viên kế toán, tham gia ca trực của đội cứu hộ, hoạt động bảo vệ dân sự, và chăm sóc mẹ già đau nặng.

Cô luôn có mặt trong các thảm trạng thiên tai, như trận động đất năm 2009 ở Aquila, và ở Amatrice và Cascia trong những năm gần đây. Ngoài ra, cô luôn sẵn sàng xả thân, đáp ứng kịp thời những yêu cầu lớn nhỏ trong các lễ hội của khu vực.

Những người làm việc với Ramona cho biết, ở những nơi Ramona xuất hiện, cô luôn mang đến những tia sáng. Không có các hoạt động công cộng nào mà cô không có mặt.

Chủ tịch Huynh đoàn Lòng Thương Xót nói về cô: Ramona đã thể hiện lòng quảng đại cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời. Thực vậy, mặc dù đã rất yếu, cô vẫn bận tâm đến những bệnh nhân khác, tìm cách thăm và trợ giúp họ. Chưa dừng lại đó, tinh thần bác ái Kitô của cô còn vượt qua cả cái chết. Ramona mong muốn sau khi chết vẫn còn có thể xoa dịu nỗi đau của người khác, vì thế cô quyết định hiến tặng 11 cơ phận. Cô tin rằng cô vẫn tiếp tục sống nơi những người khác một cách cụ thể. Đây là phần kết đặc biệt của một cuộc đời được đánh dấu hoàn toàn bằng lòng quảng đại và tình liên đới, một di sản được chiếu sáng của một phụ nữ có một cuộc sống đơn giản từ trong lối sống đến cách trang phục, một tính cách nhẹ nhàng nhưng đầy niềm vui và tự hào vì luôn khoác trên mình bộ trang phục có màu xanh và màu vàng của Lòng Thương Xót.

Trong những lời tiễn biệt Ramona, có một người viết: “Tôi đã cầu nguyện và xin mọi người cầu nguyện cho bạn để bạn có thể tiếp tục ở giữa chúng tôi. Nhưng không được, vì Vị Thủ Lãnh Tối Cao của chúng ta đã quyết định đưa bạn về với Người. Bởi vì Chúa biết đã đến lúc bạn cần phải được chăm sóc cho chính bạn trong một cuộc sống mới tuyệt vời. Bởi vì ở đây bạn thực sự không có nhiều thời gian cho chính mình. Là tình nguyện viên của Lòng Thương Xót, bạn đã cống hiến tất cả sự hiện hữu cho người khác, cho người bệnh, cho các nạn nhân của các trận động đất, lũ lụt. Bạn luôn là người đi đầu, không bao giờ rút lui trong những lần cứu trợ những người đang đau khổ. Chúng tôi không bao giờ quên bạn.”

Tinh thần bác ái của cô thực thi đúng lời giảng dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong buổi tiếp kiến Hiệp hội hiến tạng, mô và tế bào Ý, Đức Thánh Cha đã nói: Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy rằng: “Hiến tạng sau khi chết là một hành động cao cả, đáng khen và nên được khuyến khích như một biểu hiện của tình liên đới quảng đại” (số 2296). Nhờ vào chiều kích tương quan nội tại của con người, mỗi chúng ta nhận ra chính mình ngang qua việc góp phần nhận ra điều tốt đẹp của người khác.

Trong Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng về Sự sống), Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta rằng, giữa những cử chỉ góp phần nuôi dưỡng một nền văn hoá đích thực của sự sống thì “đặc biệt nên đánh giá cao việc hiến tặng các bộ phận thân thể, thực hiện dưới một hình thức luân lý có thể chấp nhận được; việc tự hiến tặng này cho phép nhiều bệnh nhân đôi khi tuyệt vọng, có được viễn tượng mới mẻ về sức khoẻ và ngay cả sự sống” (số 86). Vì thế, cần nhấn mạnh đến việc hiến tạng là hành động miễn phí. Bất kỳ hình thức buôn bán cơ phận nào đều trái với phẩm giá của con người.

Đối với người không có đức tin thì cử chỉ dành cho người anh em đang cần là một hành động dựa trên tình người vô vị lợi. Còn đối với các Kitô hữu, thì họ được mời gọi sống theo sự trao hiến của Chúa, trong việc đồng hoá mình với những người đau khổ vì bệnh tật hay tai nạn.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-02/tinh-nguyen-vien-long-thuong-xot-ramono-guzzetti.html