23/11/2024

Phát hiện hố đen ‘lang thang’ đầu tiên của Dải Ngân hà

Phát hiện hố đen ‘lang thang’ đầu tiên của Dải Ngân hà

Lần đầu tiên, một đội ngũ các nhà khoa học quốc tế đã tìm được hố đen đang “lang thang” cô độc ở cách trái đất gần 5.200 năm ánh sáng, theo báo cáo đăng trên cổng thông tin arXiv.

 

 

 

Phát hiện hố đen ‘lang thang’ đầu tiên của Dải Ngân hà - ảnh 1
Mô phỏng một hố đen đang “ngốn” vật chất  NASA

Đội ngũ thiên văn học do tiến sĩ Kailash Sahu của Viện Khoa học Kính thiên văn Không gian tại Baltimore (bang Maryland, Mỹ) phát hiện sự tồn tại của một hố đen cỡ nhỏ ở cách xa trung tâm của Dải Ngân hà.

Họ đặt tên cho hố đen là MOA-11-191/OGLE-11-0462.

Nhóm của tiến sĩ Sahu ước tính hố đen có khối lượng gấp 7,1 lần/mặt trời. Đối tượng đang di chuyển với tốc độ 45 km/giây, theo kết quả quan sát thông qua Kính thiên văn không gian Hubble.

Tất cả những manh mối trên cho thấy đây là một hố đen “lang thang” và là hố đen đầu tiên thuộc dạng này được phát hiện trong phạm vi Dải Ngân hà. Nhiều khả năng phần lõi đổ sụp và hóa thành hố đen đã bị tống vào không gian khi một ngôi sao nổ tung trong một vụ nổ siêu tân tinh.

Một báo cáo năm 2019 ước tính có hàng triệu hố đen bị đẩy vào tình trạng tương tự sau các vụ nổ siêu tân tinh.

Các chuyên gia tiếp tục theo dõi hoạt động của hố đen trên nhằm tìm ra những manh mối khác về sự tồn tại của các hố đen “lang thang” trong vũ trụ.

Cuối năm 2021, các nhà thiên văn học cũng tìm ra ít nhất 70 hành tinh “cô độc”, chỉ những đối tượng “lang thang” không chủ đích trong Dải Ngân hà mà không có sao trung tâm.

HẠO NHIÊN

TNO