23/01/2025

Mồng Hai Tết 2022: Hướng về cội nguồn tổ tiên 

Ngày mồng Hai Tết, Giáo hội Việt Nam luôn mời gọi chúng ta nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ để tìm về cội nguồn của mình. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, nhiều người cũng chưa ý thức được tổ tiên, ông bà, thậm chí cha mẹ mình là ai và chúng ta cần phải tỏ lòng thảo hiếu đối với các vị ấy như thế nào.

Mồng Hai Tết 2022

 Hướng về cội nguồn tổ tiên 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày mồng Hai Tết, Giáo hội Việt Nam luôn mời gọi chúng ta nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ để tìm về cội nguồn của mình. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, nhiều người cũng chưa ý thức được tổ tiên, ông bà, thậm chí cha mẹ mình là ai và chúng ta cần phải tỏ lòng thảo hiếu đối với các vị ấy như thế nào.

1. Những cách hiểu hẹp hòi về tổ tiên

Trong nền giáo dục nặng về thực dụng chỉ nhắm vào vật chất, chối bỏ thần linh, nhiều em học sinh Việt Nam hiện nay, qua các bộ sách giáo khoa, chỉ nhận biết có người cha người mẹ đang sống, chỉ biết tổ tiên của mình là vua Hùng dựng nước, chứ không biết đến nguồn cội của tất cả mọi hiện hữu là chính Thiên Chúa. Những người biên soạn các bộ sách đó đã loại bỏ tất cả các bài học về tôn giáo, về đời sống tinh thần của con người. Ý niệm tổ tiên được định nghĩa trong cuốn Từ điển Tiếng Việt: “Tổ tiên là tổng thể nói chung những người được coi là thuộc các thế hệ đầu tiên, qua đời đã lâu, của một dòng họ hay một dân tộc” (x. Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2013).

Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay (x. Mt 15,1-6 ) cũng nói cho các kinh sư và người Pharisêu hiểu rằng họ không được phép chỉ giữ truyền thống của tổ tiên mà quên mất nguồn cội là chính Thiên Chúa. Họ đã dạy cho người dân Do Thái rằng nếu ai đóng góp vào đền thờ một số tiền thì người ấy có thể nói với cha mẹ mình rằng: “Những gì chúng tôi có thể giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”.

2. Tổ tiên của người Việt là ai?

Thật sự ý niệm về tổ tiên như mời gọi chúng ta mở ra cho rất nhiều dân tộc, mở ra cho toàn thể nhân loại, bởi vì tổ tiên là những bậc sinh thành đã dưỡng dục chúng ta trong nhiều thế hệ: từ cha mẹ, ông bà, đến các cụ cố và nhiều thế hệ trước đó.

Nếu nhìn vào dân tộc Việt Nam chúng ta thấy không phải chỉ có vua Hùng dựng nước. Trước đó còn có những bộ tộc mà ta gọi là Bách Việt (100 bộ tộc người Việt) ở phía Nam sông Dương Tử của Trung Quốc, từ đó ta mới có tên nước là Việt Nam. Những bộ tộc đó đã di cư và tụ vào đồng bằng sông Hồng như cái nôi phát sinh dân tộc Việt. Sau đó, dân tộc ta mở mang bờ cõi dọc theo bờ biển miền Trung, vượt qua nước Chiêm Thành mà hiện nay còn để lại rất nhiều đền thờ ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, rồi tiến vào miền Nam, miền đất của nước Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp nay là đồng bằng sông Cửu Long.

Những dân tộc đó, dù không tồn tại nữa, nhưng mồ hôi, công sức, xương máu của họ đổ ra để canh tác đất đai và bảo vệ quê hương, đã thấm vào lòng đất nước này, tạo nên cho chúng ta lúa gạo, cây trái, và cả những nền văn hoá. Rồi từ đó hình thành nên dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc khác nhau. Họ thật sự là tổ tiên của chúng ta vì đã hình thành và dưỡng dục ta nên ta phải biết ơn tất cả các bậc ấy.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những đóng góp về thể xác vật chất. Những người khác còn đóng góp cho chúng ta về mặt văn hoá và tinh thần nên ý niệm tổ tiên phải trải rộng ra cho toàn thể nhân loại. Chúng ta biết ơn những người Ả Rập dạy cho chúng ta những con số 1,2,3,4 để làm nên những phép tính đơn giản: 1 với 1 là 2, 2 với 2 là 4. Chúng ta biết ơn những người La Mã, Latinh đã khám phá ra những con chữ a, b, c, mà bây giờ ta mới có chữ Quốc ngữ. Chúng ta biết ơn những bậc tiền nhân đã đóng góp cho nhân loại, ngay từ đầu lịch sử con người cho đến ngày nay, những khám phá, phát minh về đủ mọi ngành khoa học tự nhiên cũng khoa học xã hội nhân văn mà bài đọc I đã nhắc nhở: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân cũng là cha ông chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng” (Hc 44,1.10).

Tất cả đều là những bậc tổ tiên đã sinh thành, dưỡng dục ta. Tất cả đang tụ họp ở đây, quanh bàn thờ Chúa này, như trong nhà Cha chung, để ta tỏ lòng kính nhớ, biết ơn. Vì một khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian, thì tất cả các vị đó đang tụ tập gần ta, bên bàn thờ này, cùng với cả triều thần thiên Quốc để hướng về nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa.

3. Nguồn cội duy nhất là Thiên Chúa

Nhớ về nguồn cội của mình là những bậc tổ tiên, chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để trở về nguồn cội duy nhất của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Đó là chính Thiên Chúa. Chúa là nguồn của mọi hiện hữu, nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên, để từ cội nguồn đó ta mới có tất cả như ngày nay.

Cho đến hôm nay, với những máy móc và kỹ thuật hiện đại nhất, các nhà bác học vẫn chưa tìm ra sự sống, tình yêu, tư tưởng, hạnh phúc ở đâu trong mỗi con người. Dù bị cụt chân cụt tay, con người vẫn sống. Mổ trái tim ra, chẳng thấy có tình yêu mà chỉ có các thớ thịt. Phân tích hoạt động của bộ não người ta chỉ thấy những xung động điện chạy trong các tế bào thần kinh chứ không thấy tư tưởng cao thấp nào. Vậy mà ta đang sống, đang yêu, đang nghĩ vì Chúa là nguồn của mọi giá trị đó đang ban chúng cho ta vì yêu thương ta.

Vì thế, chúng ta được mời gọi dâng lên Chúa tấm lòng thảo hiếu, để nhận ra mọi người, dù khác biệt màu da, tôn giáo, giai cấp xã hội, đều là anh chị em của nhau, con của cùng một Cha Trên Trời. Do đó, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta nguồn cội duy nhất ấy: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời” (Mt 23,9).

Hơn nữa, mối liên hệ ruột thịt bây giờ được xây dựng trên nền tảng lòng thảo hiếu đối với Cha Trên Trời. Khi có người nhắc nhở Chúa Giêsu: có mẹ và anh em đang đợi Người. Người nói rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi và là mẹ tôi” (Mt 12,47-50). Khi ta gắn bó với Chúa Giêsu, thi hành ý muốn của Chúa Cha như Chúa Giêsu, thì ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, và Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu và tất cả những ân huệ cao cả nhất trong sự sống của Thiên Chúa để ta được nối kết với nhau và trở thành một gia đình duy nhất.

Lời kết

Chính gia đình này sẽ giúp ta cảm nghiệm được rằng chúng ta không phải chỉ là anh chị em ruột thịt về phần xác mà còn được Cha Trên Trời cho hợp nhất với Ngài để trở thành Thiên Chúa như Người. Lúc đó, ta mới có thể giúp cho dân tộc mình bền vững, nhân loại được trường tồn, gia đình được hạnh phúc. Như thế ta mới thấy trong cuộc họp mặt của đại gia đình vào ngày Tết hôm nay, tất cả đều thật sự là anh chị em của nhau và cầu chúc cho nhau những ân phúc tốt đẹp của Thiên Chúa.