26/12/2024

Thiên nhiên trong bụng

Nhà nghiên cứu Jeff Leach đã sống cùng bộ lạc Hadza ở châu Phi để nghiên cứu về mối quan hệ giữa chế độ ăn và sức khỏe. Kết quả nghiên cứu cho thấy cách nhanh nhất để có được những nguyên liệu đóng góp cho quá trình giúp ta có một cơ thể khỏe mạnh như người Hadza là hỏi xin họ một ít… phân.

 

 

Khi còn trong bụng mẹ, cơ thể của một em bé hoàn toàn vô trùng. Nhưng khi được đẻ ra, cơ thể bé trở thành một hành tinh nho nhỏ. Những sinh vật đầu tiên sống trên hành tinh đó đến từ âm đạo của mẹ khi bé chui ra chào đời. Dần dà, hành tinh ấy có thêm hàng ngàn tỉ sinh vật khác nhau (microbiome) cùng chung sống, chủ yếu tập trung trong đường ruột.

Nếu tính theo trọng lượng thì những cư dân này nặng tầm 1,5 kg. Khi bạn đứng trên bàn cân, hãy nhớ trừ đi một cân rưỡi phần không-phải-là-người trong cơ thể của mình. Nếu tính theo số lượng gien thì tổng lượng ADN của các sinh vật bé xíu này gấp gần 200 lần số gien của con người. Nếu cứ theo gien mà nói, mỗi chúng ta có lẽ là “con vi khuẩn” nhiều hơn là “con người”.

Thiên nhiên trong bụng - ảnh 1
Mỗi miếng ăn ngụm nước đều có thể tạo ra một ngày đẹp trời  SHUTTERSTOCK

Bộ phận cơ thể bị lãng quên

Ta vẫn thường được nhắc nhở ăn sạch uống sạch. Vi khuẩn hay ký sinh trùng vẫn thường bị coi là những sinh vật gây bệnh. Có lần, tôi được chị bạn gửi cho xem một cái ảnh quảng cáo zoom to vào lỗ chân lông trên mặt. Lúc nhúc trong lỗ chân lông là những con bọ da (face mite) bé xíu. Mỗi con có đủ tám chân và thuộc họ hàng nhà… nhện. Sản phẩm mà hãng mỹ phẩm kia quảng cáo là lọ sữa rửa mặt có thể tiêu diệt hoàn toàn cộng đồng nhện kinh dị này.

Tôi bèn nổi hứng trêu chọc bạn mình. Tôi bảo chị biết không, đám nhện đó ban ngày chúng cuộn tròn ấm áp trong lỗ chân lông, nhấm nháp chất nhờn do da mình tiết ra. Ban đêm khi chị đi ngủ, chúng bò ra khỏi ổ và… làm tình với nhau trên mặt chị khi chị vẫn đang ngáy khò khò. Chúng đẻ trứng trong lỗ chân lông, sống hai tuần và chết. Nhìn đôi mắt chị sửng sốt, tôi an ủi: “Nhưng chị ơi, tin vui là bọn nhện đó không có hệ tiêu hóa. Chúng nó chỉ tán tỉnh nhau chứ không hề… đi vệ sinh trên mặt mình”.

Con bọ da mới nghe có vẻ gớm ghiếc, nhưng sự thật là không có một sản phẩm hay phương pháp kỳ cọ nào có thể tiêu diệt sạch được chúng. Đám nhện tí hon này chỉ gây bệnh ngoài da khi chúng sinh sản quá nhiều. Sau khi làm tình trên da mặt thì chúng cũng trả ơn người bằng cách ăn một phần những tế bào chết của da.

85% những sinh vật sống trong cơ thể ta là những người bạn. Quần xã hàng tỉ người bạn này giúp ta chống lại cả thù trong lẫn giặc ngoài. Những sinh vật sống trên da, trong vòm miệng và mũi giúp ta chống lại những vi khuẩn có hại xâm lấn từ môi trường xung quanh. Những sinh vật sống trong bộ phận sinh dục đảm bảo cho môi trường vùng kín cân bằng a xít. Những sinh vật sống trong ruột giúp ta tiêu hóa những chất cơ thể người không thể tiêu hóa, điều tiết hệ miễn dịch và sản xuất vitamin cần thiết cho sự sinh tồn của cơ thể.

Quay trở lại với câu chuyện của nhà nghiên cứu Jeff Leach và cuộc thí nghiệm cấy phân của người bộ lạc Hadza vào ruột mình. Chất thải của người không chỉ gồm những tế bào chết mà thật ra là một tài nguyên, nhất là khi chủ nhân của nó là một người khỏe mạnh, ăn uống đa dạng. Phương pháp cấy phân là một bước đột phá trong khoa học. Thay vì dùng kháng sinh để đánh nhau với các vi khuẩn có hại rồi giết luôn cả vi khuẩn có lợi, vi khuẩn có lợi trong phân người được cấy vào ruột để chiến đấu trong một trận đánh thuận tự nhiên hơn. Những căn bệnh đang được nghiên cứu sử dụng phương pháp cấy phân ngày càng nhiều, bao gồm cả bệnh béo phì, tự kỷ, tiểu đường và ung thư.

Như vậy, con người và hàng ngàn tỉ sinh vật này có mối quan hệ cộng sinh. Không có chúng thì ta không thể là một con người trọn vẹn. Chính vì thế, các nhà khoa học thường gọi quần thể những sinh vật này là một “bộ phận cơ thể bị lãng quên”.

Thiên nhiên trong bụng - ảnh 2
Mô phỏng hệ vi sinh vật trong cơ thể người  SHUTTERSTOCK

Danh tính sinh học của mỗi người

Hai anh em sinh đôi Hugo và Ross Turner được tạo ra từ cùng một trứng và tinh trùng. Chính vì vậy, bộ gien của họ hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, khi họ ăn theo hai chế độ khác nhau thì biểu đồ sức khỏe của họ lại cực kỳ khác biệt. Đó là vì tuy có bộ gien người giống nhau, hai anh em lại có một quần xã vi sinh vật trong bụng rất khác nhau. Hệ sinh thái ấy như dấu vân tay hay thẻ căn cước vậy. Hầu hết chúng ta đều có tới 2/3 hệ sinh thái khác hẳn thế giới còn lại.

Hệ sinh thái duy nhất này là một trong những lý do khiến hàng tỉ người thất bại trong việc chữa trị bệnh tật, bao gồm cả việc giảm cân. Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao mình ăn y hệt như đứa bạn mà mình béo vẫn hoàn béo, còn nó lại không hề phình ra tẹo nào.

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Eran Elinav đã chứng minh rằng những sinh vật trong cơ thể chúng ta khiến cho việc cùng ăn một thanh chocolate hay một quả cà chua lại khiến kẻ này tăng đường trong máu, nhưng với kẻ khác thì lại chẳng mấy hề hấn. Tức là, mỗi chúng ta cần có một chế độ ăn khác nhau để có những kết quả giống nhau. Đây chính là tương lai của khoa học dinh dưỡng và trị liệu sức khỏe.

5 cách để sống khoẻ mạnh hơn

Hệ sinh thái sinh vật của loài người vốn vô cùng phong phú. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đã tạo ra một cuộc diệt chủng tới gần 50% giống loài sinh vật trong cơ thể con người. Người phương Tây có ít hơn 15 – 30% loại vi sinh vật so với người từ các vùng khác trên thế giới. Bộ lạc Hadza ở châu Phi là một trong những tộc người vẫn còn mang trong mình hệ sinh thái tương đối đa dạng, và đó chính là một chìa khóa quan trọng giúp họ sống khỏe mạnh hơn.

Để nuôi dưỡng “vườn thú” nhỏ trong cơ thể mình, chúng ta có thể dựa vào những phương pháp sau đây.

1. Khi cân nhắc các điểm thiệt hơn của từng phương pháp sinh con, các bà mẹ có thể cân nhắc thêm các điểm ưu việt của sinh thường để em bé được thừa hưởng những vi sinh vật sống trong âm đạo của mẹ, vốn được thiên nhiên chuẩn bị để giúp bé đương đầu với cuộc sống mới.

2. Nếu có thể nên cho bé dùng sữa mẹ, không dùng kháng sinh bừa bãi, đừng ngại cho bé lấm lem một chút khi chơi, và cũng đừng ngại cho bé sống cùng thú cưng. Những người sinh ra ở trang trại và đồng quê thường có hệ miễn dịch tốt hơn vì cơ thể họ có một “vườn thú” phong phú đa dạng hơn.

3. Cung cấp thức ăn cho “vườn thú” bằng cách ăn tạp thật nhiều loại thực phẩm có chất xơ. Prebiotic là chất xơ cơ thể không tiêu hóa được nhưng lại là nguồn sống của vi sinh. Một cách đơn giản ta có thể làm là dán một tờ giấy lên tủ lạnh và đảm bảo trong vòng 1 tháng ăn 40 – 50 loại rau, hạt, củ, quả khác nhau, nhất là những loại giàu polyphenol như cocoa, trà xanh, dầu oliu và cà phê. Nghe thì có vẻ nhiều nhưng thực tế bữa ăn của người Việt rất dễ dàng đáp ứng nhu cầu này.

4. Cung cấp đội quân trợ lực cho “vườn thú” để thay thế những người bạn đã hy sinh (probiotic). Những sinh vật trợ lực này sống trong các đồ ăn lên men như sữa chua không tiệt trùng, dưa muối, phô mai xanh và tàu hũ thối.

5. Cuối cùng là một nguyên tắc chung: ăn ít thịt, nhiều cá, uống nhiều nước, tránh xa các loại đồ chế biến sẵn, tập thể thao và ngủ tròn giấc.

Ông tổ ngành y Hippocrates từng khuyên: “Thức ăn là thuốc chữa bệnh”. Phương Tây có câu: “You are what you eat” (Ta chính là thứ ta cho vào miệng). Tục ngữ Việt Nam thì nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Ta sống trong thiên nhiên và trong cơ thể mình, ta cũng có một hệ sinh thái thiên nhiên phong phú. Mỗi miếng ăn ngụm nước đều có thể tạo ra một ngày đẹp trời hoặc một cơn bão tố tiêu diệt hàng triệu sinh linh.

Nếu cơ thể chúng ta là một hành tinh, hãy để năm mới bắt đầu bằng việc thử tưởng tượng mình có trong tay một tí teo quyền năng của tạo hóa.

 

PGS-TS Nguyễn Phương Mai

(ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan)

TNO