25/12/2024

ĐTC tiếp đoàn thẩm phán của Toà Thượng thẩm Rota

ĐTC tiếp đoàn thẩm phán của Toà Thượng thẩm Rota

Sáng 27/1/2022, Đức Thánh Cha đã tiếp đoàn thẩm phán của Toà Thượng thẩm Rota ở Roma. Ngài khuyến khích họ thực thi sứ vụ theo các đặc tính của sự hiệp hành: cùng nhau bước đi, cùng tìm kiếm sự thật, lắng nghe, phân định, để phục vụ công lý, điều không thể tách rời sự thật và nhất là tách rời ơn cứu độ của các linh hồn.

Toà Thượng thẩm Rota có nhiệm vụ xét xử các vụ án từ cấp hai trở lên, được đệ trình về Toà Thánh cũng như xử những vụ do giáo luật và Đức Thánh cha uỷ nhiệm. Hiện nay, đoàn thẩm phán của tòa này gồm hơn 20 vị thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, dưới sự hướng dẫn của vị niên trưởng là Đức ông Alẹandro Adrellano Cedillo, 60 tuổi, người Tây Ban Nha.

Trong tinh thần của Thượng Hội đồng về Hiệp hành đang diễn ra trong Giáo hội và trong bầu khí của Năm gia đình, Đức Thánh Cha suy tư về tính hiệp hành trong các tiến trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Ngài giải thích việc điều hành công lý cần tinh thần hiệp hành thế nào.

Bước đi cùng nhau

Trước hết, tính hiệp hành ám chỉ việc bước đi cùng nhau. Đức Thánh Cha nói rằng trong các tiến trình pháp lý, cần khám phá rằng “tất cả những người tham gia vào tiến trình được mời gọi tham gia vào cùng một mục đích, là làm rõ sự thật về sự kết hợp cụ thể giữa một người nam và một người nữ, và đi đến kết luận về việc có hay không một cuộc hôn nhân thực sự giữa họ”.

Thúc đẩy sự tha thứ và hoà giải 

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng luôn phải có nỗ lực khám phá sự thật về sự kết hợp của các đôi hôn nhân, điều kiện tiên quyết không thể thiếu để có thể chữa lành vết thương của họ. Cần hiểu tầm quan trọng của sự dấn thân thúc đẩy sự tha thứ và hoà giải giữa vợ hoặc chồng, ngay cả khi cuối cùng để chứng thực hôn nhân vô hiệu.

Đồng hành mục vụ

Từ đó, Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Chúng ta cũng hiểu rằng việc tuyên bố vô hiệu không nên được trình bày như thể đó là mục tiêu duy nhất cần đạt được khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng hôn nhân, hoặc như thể điều này cấu thành một quyền bất kể sự thật ra sao. Khi xem xét khả năng vô hiệu, cần phải làm cho các tín hữu suy nghĩ về những lý do dẫn đến việc họ yêu cầu tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân đồng thuận, và như thế họ có thái độ chấp nhận bản án được quyết định, ngay cả khi nó không đúng với xác tín của họ. Chỉ bằng cách này, các tiến trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu mới là biểu hiện của một sự đồng hành mục vụ hữu hiệu với các tín hữu trong các cuộc khủng hoảng hôn nhân của họ, nghĩa là lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng nói trong lịch sử cụ thể của con người.”

Cùng tìm kiếm chân lý

Cùng tìm kiếm chân lý là đặc tính thứ hai của mỗi giai đoạn của tiến trình pháp lý. Do đó, Đức Thánh Cha nói rằng “bất kỳ sự thay đổi hoặc thao túng sự kiện nào một cách cố ý, nhằm đạt được một kết quả thực tế mong muốn, đều không được chấp nhận”.

Lắng nghe

Đức Thánh Cha còn giải thích hiệp hành trong các tiến trình pháp lý còn có nghĩa là không ngừng lắng nghe, chứ không chỉ nghe, nghĩa là cần hiểu quan điểm và lý do của người khác.

Phân định

Một khía cạnh khác của tính hiệp hành trong tiến trình pháp lý là phân định. Đây là sự phân định dựa trên nền tảng của việc cùng nhau bước đi và lắng nghe, và cho phép đọc các tình huống cụ thể dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Kết quả của tiến trình là phán quyết, kết quả của sự phân định cẩn thận đưa đến quyết định có thẩm quyền về sự thật về kinh nghiệm cá nhân và làm nổi bật những con đường có thể được mở ra từ đó.

(CSR_296_2022)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-01/dtc-phanxico-doan-tham-phan-toa-thuong-tham-rota.html