24/11/2024

Ngoại trưởng Toà Thánh: Ngoại giao về các giá trị để thúc đẩy cuộc gặp gỡ các dân tộc

Ngoại trưởng Toà Thánh: Ngoại giao về các giá trị để thúc đẩy cuộc gặp gỡ các dân tộc

Trong bài tham luận tại cuộc gặp gỡ “Ngoại giao về các giá trị và pháp triển”, do Hiệp hội “Bác ái Chính trị” tổ chức ngày 20/01, Đức Tổng Giám mục Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh: “trước những thách đố chung, cần phải có các giải pháp chung”, và “ngoại giao về các giá trị nhằm thúc đẩy điều tốt đẹp cho gia đình nhân loại”.

Trước hết, đề cập đến tình hình các quan hệ quốc tế hiện nay, Đức Tổng Giám mục Gallagher cho rằng: “Trong các quan hệ giữa các quốc gia, để giải quyết các thách đố toàn cầu, chúng ta cần phải vượt ra khỏi sự bình thường hoặc sự lặp lại đơn giản của những khuôn sáo và công thức có sẵn. Tình hình quốc tế phức tạp hiện nay đòi hỏi những công cụ và mô hình mới.”

Ngoại trưởng Toà Thánh khẳng định: “Ngoại giao các giá trị thực sự có thể truyền cảm hứng cho các chính phủ. Thực tế, trước những thách đố chung, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải tìm ra những giải pháp chung. Ngoài những ích lợi cụ thể, ngoại giao về các giá trị thúc đẩy điều tốt đẹp cho gia đình nhân loại, đặc biệt thích hợp để thúc đẩy hình thức đa phương, vốn là đặc điểm của các quan hệ quốc tế từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và ngày nay là nền tảng.”

Đức Tổng Giám mục nhắc lại sứ mạng ngoại giao của Toà Thánh là tìm cách “đặt lại các tình huống cụ thể trong quan điểm thực tế của công ích và chủ nghĩa nhân văn”. Do đó, mục tiêu hoạt động của Toà Thánh là hướng tới các giá trị đặc biệt, ủng hộ sự phát triển con người toàn diện.

Theo Ngoại trưởng Toà Thánh, thực tế “cám dỗ hiện đại và hậu hiện đại” là xem xét nhân quyền bằng cách “phủ nhận mối liên hệ của nhân quyền với con người, vốn từ đó nhân quyền được hình thành, và đặt nhân quyền trong một quan điểm chủ quan”. Và rồi, cuối cùng, nhân quyền trở thành một biểu hiện đơn giản của các nhóm với lợi ích đặc thù.

Đây chính là khuynh hướng làm nền tảng cho “thực dân hoá tư tưởng”, điều đã được Đức Thánh Cha nói đến. Đối lại với điều này, trong Fratelli tutti, Đức Thánh Cha nhấn mạnh về một “xã hội, trong đó giá trị con người phải là giá trị quan trọng nhất”. Đây chính là ý nghĩa của chiều kích xã hội và tương quan của con người. Và gia đình là “nơi đầu tiên con người học khám phá và sống chiều kích xã hội”.

Đức Tổng Giám mục tiếp tục khẳng định rằng ngoại giao các giá trị còn đóng góp vào việc “thúc đẩy một hành động rộng lớn và hiệu quả cho cuộc gặp gỡ các dân tộc, cho sự hợp tác theo những nhạy cảm và tự do đích thực của quốc gia. Bởi vì như Đức Thánh Cha nói: “Công lý đòi hỏi sự công nhận và tôn trọng không chỉ các quyền cá nhân mà còn cả các quyền xã hội và quyền của các dân tộc.” Và ngoại giao được hình thành theo cách này có thể đóng góp cho thế giới hiện đại một phương thức tìm kiếm sự hoà hợp, một tổng hợp các giá trị cho phép hoà nhập hoặc hoà giải những khác biệt văn hoá, tôn giáo, vì ích lợi cho toàn thể nhân loại.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-01/ngoai-truong-toa-thanh-ngoai-giao-gia-tri-gap-go-dan-toc.html