24/11/2024

Đại kết trong thời đại dịch: Từ khủng hoảng đến cơ hội

Đại kết trong thời đại dịch: Từ khủng hoảng đến cơ hội

Hôm thứ Năm 20/01, tại buổi gặp gỡ trực tuyến được tổ chức ở Viện Nghiên cứu Đại kết Angelicum ở Roma, Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu đã công bố tài liệu “Đại kết trong thời đại dịch. Từ khủng hoảng đến cơ hội”, nội dung trình bày về những mặt tích cực mà các Giáo hội Kitô đã đạt được về đại kết trong thời đại dịch, cũng như những bước cần phải thực hiện tiếp theo.

Tài liệu “Đại kết trong thời đại dịch. Từ khủng hoảng đến cơ hội” là kết quả của cuộc khảo sát gồm 142 câu hỏi mà Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu đã gửi đến các Giáo hội Công giáo Đông phương từ tháng 01/2021.

Chủ đề của hoạt động này dựa trên lời của Đức Thánh Cha, “tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền”. Đối với cha Hyacinthe Destivelle, phụ trách khu vực phía đông của Hội đồng Toà Thánh, “đây là kết quả đại kết đầu tiên trong đại dịch này, ý thức về việc là một gia đình Kitô giáo và một nhận thức bắt nguồn từ kinh nghiệm về một số phận chung. Tất cả chúng ta đang trên con đường hướng tới một số phận chung, đó là sự phục sinh”.

Trong suốt hai năm đại dịch, một liên kết mới đã được tái khám phá, một tình liên đới mới. Và nếu đó là một giai đoạn rất khó khăn, thì trong nhiều trường hợp, những hạn chế đã biến thành cơ hội. Các Giáo hội đã có những buổi cầu nguyện chung và cầu nguyện trực tuyến. Một số Giám mục cho biết chưa bao giờ Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô hữu lại được nhiều người biết đến như năm ngoái.

Cha Destivelle nói: “Đã có nhiều sáng kiến, tuyên bố, hành động chung với các chính phủ, các chương trình đại kết để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Các sáng kiến như chương trình đại kết cho người già đã phát triển ở Ấn Độ, hoặc cho sinh viên ở Hà Lan, hai quốc gia mà người Công giáo chỉ là thiểu số. Tất cả những sáng kiến này đều ra đời trong thời đại dịch. Các Giáo hội Kitô nhận thức rằng cùng làm việc, họ trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy, họ đã cùng nhau thực hiện các chương trình trong lĩnh vực bác ái, đặc biệt là giúp đỡ những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Liên đới được tái khám phá và phát triển trong thời đại dịch, thực tế đã làm tăng cơ hội gặp gỡ và đối thoại giữa các vị lãnh đạo các Giáo hội. Đối với các sự kiện được phát trực tuyến, các tín hữu Tin lành có thể tham dự các thánh lễ Công giáo, và người Công giáo có thể tham dự các buổi cầu nguyện của Tin Lành. Điều này giúp các tín hữu hiểu biết nhau hơn.”

Về những điều cần phải nỗ lực hơn, Cha Destivelle cho biết thêm rằng, trong khi đại dịch đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các tương quan đại kết, thì sự hiệp nhất hoàn toàn vẫn chưa đạt được. Tài liệu nêu ra 3 vấn đề: Khác biệt về thần học và phụng vụ, đặc biệt về không gian thánh; Cách hiểu khác nhau về các bí tích, cần hiện diện trực tiếp để lãnh nhận các bí tích; Quan niệm có phần khác biệt về Giáo hội. Tuy nhiên, đây không phải là những điều mới.

Một điều khác cũng làm mọi người ngạc nhiên, đó là các Giáo hội có cách hiểu khác nhau về đại dịch. Một số Kitô hữu có cái nhìn quan phòng hơn, trong khi số khác có cái nhìn cánh chung, hoặc thời khải huyền về đại dịch. Điều này có thể đã tạo ra căng thẳng giữa các Kitô hữu.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-01/dai-ket-dai-dich-khung-hoang-co-hoi.html