01/01/2025

Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima

Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính vụ phun trào núi lửa ở Tonga có sức công phá lớn gấp 500 lần quả bom hạt nhân Mỹ thả xuống Hiroshima.

 

 

Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai ngày 15.1 bất ngờ phun trào cực mạnh, gây sóng thần lan ra khắp khu vực Thái Bình Dương.

Đài NPR ngày 18.1 dẫn lời ông James Garvin, khoa học gia trưởng tại Trung tâm Du hành không gian Goddard của NASA, cho biết vụ phun trào có sức mạnh tương đương 10 triệu tấn TNT (10 megaton TNT), gấp hơn 500 lần sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật vào cuối Thế chiến 2.

Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima - ảnh 1
Núi lửa phun trào cực mạnh vào hôm 15.1  REUTERS

Tiếng nổ ở núi lửa tại Tonga có thể được nghe thấy ở tận bang Alaska của Mỹ, cách xa khoảng 8.000 km. Nhà địa vật lý học Michael Poland thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho rằng đây là một trong những vụ nổ lớn nhất xảy ra trong hơn một thế kỷ qua, tính từ vụ phun trào núi lửa Krakatau ở Indonesia vào năm 1883.

Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima - ảnh 2Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima - ảnh 3

Đảo núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai chụp ngày 6.1 và 18.1  REUTERS

Ông Garvin của NASA dự báo rằng nếu lịch sử lặp lại, thế giới sẽ không phải chịu một đợt phun trào tương tự như tại Tonga trong một thời gian dài nữa.

Đảo núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai gần như bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ ngày 15.1. Sức công phá mạnh đến mức các đảo già hơn ở xung quanh cũng bị phá hủy hết nhiều phần.

Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima - ảnh 4Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima - ảnh 5

Núi lửa vào ngày 7.1 và 15 giờ 25 ngày 15.1, hai giờ trước khi phun trào REUTERS

“Đó không phải là tro bụi. Đó là đá tảng bị nổ tung thành từng chút nhỏ. Thật kinh ngạc khi thấy điều này xảy ra”, nhà khoa học Dan Slayback tại Trung tâm Goddard nói.

Ông Garvin nhận định có thể cấu tạo của đảo đã khiến nó bị phá hủy. Hòn đảo nhô lên từ dưới biển, bên dưới có một mạng lưới lò tràn ngập dung nham. Ông Garvin nghi ngờ vụ nổ xảy ra do phần đất bất ngờ sụp xuống, khiến nước biển tràn vào dung nham gây nổ.

Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima - ảnh 6Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima - ảnh 7

Thành phố Nuku’alofa của Tonga chụp ngày 29.12.2021 và ngày 18.1.2022 sau vụ phun trào núi lửa  REUTERS

Các nhà khoa học sẽ khảo sát khu vực trong thời gian tới để tìm hiểu nguyên nhân và nguy cơ xảy ra phun trào tiếp theo.

 

VI TRÂN

TNO