23/01/2025

Chúa Nhật II TN C, 2022: Con đường tình ta đi

Sau khi hoàn thành toàn bộ con đường, Chúa Giêsu muốn đặt tên cho con đường đó và mời gọi mỗi người chúng ta hãy tham gia vào việc đặt tên này để định hướng cho cả cuộc đời trần thế của mình. Trong mấy tuần lễ đầu tiên của mùa Thường Niên, Giáo Hội cũng yêu cầu chúng ta định hướng đời mình theo những nguyên tắc căn bản. Vì thế, trong Chúa Nhật hôm nay, các bài Kinh Thánh giới thiệu cho ta một nguyên tắc căn bản, cũng được gọi là tên của con đường Giêsu. Vậy đó là nguyên tắc nào và tên của con đường là gì?

Chúa Nhật II TN C 2022

Con đường tình ta đi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sau khi hoàn thành toàn bộ con đường, Chúa Giêsu muốn đặt tên cho con đường đó và mời gọi mỗi người chúng ta hãy tham gia vào việc đặt tên này để định hướng cho cả cuộc đời trần thế của mình. Trong mấy tuần lễ đầu tiên của mùa Thường Niên, Giáo Hội cũng yêu cầu chúng ta định hướng đời mình theo những nguyên tắc căn bản. Vì thế, trong Chúa Nhật hôm nay, các bài Kinh Thánh giới thiệu cho ta một nguyên tắc căn bản, cũng được gọi là tên của con đường Giêsu. Vậy đó là nguyên tắc nào và tên của con đường là gì?

1. Tên của con đường

Nhạc sĩ Phạm Duy vào năm 1970 đã sáng tác bài hát khá hay với tựa đề: “Con đường tình ta đi” để nói về những con đường trong cuộc đời mỗi người.

Con đường nào ta đi với bàn chân nhỏ bé?

Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ.

Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ,

Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi.

Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa

Đi lạc vào những phía không đường về.

Phải, có rất nhiều người đã đi lạc trên đường trần, khi chiều theo những tham vọng, dục vọng, đến nỗi vào phút cuối đời họ thấy mình không tìm về được cội nguồn của tình yêu, hạnh phúc và sự sống vĩnh hằng.

Có những con đường vật chất được xây dựng, hoàn thành và đặt tên theo những biến cố của lịch sử như: Đường 30 tháng 4, Cách mạng Tháng 8; hay theo tên những anh hùng dân tộc như: Quang Trung, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng. Có những con đường được gọi tên để nhắc nhớ đến các giá trị tinh thần như: Hoà Bình, Độc Lập, Tự Do; hay những danh nhân, văn hào, người có công với đất nước như: Nguyễn Du, TGM Nguyễn Văn Bình. Trong dòng lịch sử, không ít lần người ta đổi tên những con đường để phù hợp với những hoàn cảnh đổi thay của đất nước. Nhiều người vẫn còn nhớ hai câu thơ đặt tên đường của Vũ Hoàng Chương (1916-1976): “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. Vì hai câu thơ này mà ông bị bắt giam và chết năm 1976.

Trong lĩnh vực đạo đức tinh thần, con đường mà Chúa Giêsu xây dựng cũng được đặt tên theo những khuynh hướng của mỗi thời kỳ trong lịch sử Giáo Hội hay theo cảm nhận của từng cá nhân khi họ đi trên những đoạn khác nhau của con đường ấy. Đối với thánh Đa Minh, con đường đó là Sự Thật, còn đối với thánh Phanxicô, nó được đặt tên là Nghèo Khó. Đối với thánh Gioan Thánh Giá, tên con đường đó là Hy Sinh; nhưng với thánh Gioan Bosco, lại được gọi là Niềm Vui. Đối với Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nó mang tên Hy Vọng; còn đối với thánh Vinh Sơn Phaolô, nó lại mang tên Bác Ái.

Đức Giêsu đã không đặt tên cho con đường của mình. Người chỉ nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) để mỗi người chúng ta được hoàn toàn tự do khám phá và đặt tên cho con đường của mình khi đi theo Đức Giêsu. Vậy mỗi người chúng ta hãy tự hỏi xem đoạn đường mình đang đi theo Đức Giêsu là gì? Và có thể gọi đúng tên nó hay không?

Thánh Đa Minh đã nhấn mạnh cho mình và các tu sĩ của mình đoạn đường Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, để cho mọi người biết sự thật và chiến đấu cho sự thật, nên gọi con đường Giêsu là Sự Thật. Còn thánh Phanxicô lại cảm nhận sâu sắc về sự nghèo khó của Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa cao sang, đã tự nguyện trở thành một hài nhi bé bỏng trong máng cỏ nghèo hèn ở hang đá Bêlem và gọi đó là con đường Nghèo Khó để sống như Người. Mỗi người chúng ta cũng có thể tìm ra những đoạn đường trong cuộc đời phong phú của Đức Giêsu để bắt chước và sống theo tinh thần của cảnh đời đó.

Tuy nhiên, chúng ta muốn tìm hiểu hôm nay nguyên lý căn bản nào định hướng cho toàn bộ con đường của Chúa Giêsu để ta có thể sống và hành động như Người trong suốt cuộc đời trần thế của mình.

2. Con đường tình yêu

Có thể nói rằng, nguyên lý căn bản đó là tình yêu. Tình yêu phải là khởi đầu, là động lực và là kết quả cho mọi hoạt động của Chúa Giêsu cũng như của chúng ta. Các bài Thánh Kinh hôm nay như gợi ý cho chúng ta điều đó.

Qua Bài đọc I (x. Is 62,1-5), tiên tri Isaia nói đến cuộc hôn nhân mầu nhiệm giữa Thiên Chúa với dân tộc Israel và với Hội Thánh sau này. Đó là giao ước tình yêu: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.

Qua Bài đọc II (x. 1Cr 12,4-11), thánh Phaolô nói đến Thần Khí tình yêu duy nhất là Chúa Thánh Thần, đang tác động mạnh mẽ trong toàn thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu, để thúc đẩy từng người chúng ta hành động tuỳ theo ơn ban của Ngài: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ơn hiểu biết để trình bày, kẻ được ơn để chữa lành, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí, nói các thứ tiếng mới lạ”. Như thế, tình yêu phải là động lực thúc đẩy mọi người trong Giáo Hội hành động.

Bài Tin Mừng (x. Ga 2,1-11) còn nói rõ hơn: Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, qua Bài đọc I, đã có mặt trong tiệc cưới tại Cana. Trong cuộc sống ở trần thế này, Người luôn có mặt trong tiệc cưới của con người khi họ yêu thương và kết hợp với nhau. Chính Người sẽ can thiệp để làm cho tình yêu của họ với nhau được đậm đà hơn, phong phú hơn như Người đã làm cho nước lã biến thành rượu ngon và rất dồi dào trong các chum lòng của con người.

Khi đến “giờ” của Người, qua cuộc hiến thân trên thập giá vì “yêu họ đến cùng”, Người sẽ dẫn đưa tất cả vào cuộc hôn nhân mầu nhiệm giữa con người với mình thông qua vũ trụ vật chất là nước, để biến đổi thành máu nuôi sống họ, nối kết tất cả thành thân thể nhiệm mầu của Người, thành Hiền Thê của mình.

“Thiên Chúa là tình yêu” nên khi tạo dựng nên vạn vật và con người, Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong bản chất của muôn loài để giúp cho chúng luôn gắn bó với Ngài và với nhau. Tình yêu đó hết sức trong sáng, quảng đại và vững bền vì bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Nhưng khi con người chiều theo tham vọng và dục vọng của mình, khởi đầu là nguyên tổ Adam-Eva, để cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa, thì tình yêu ấy bị biến chất, vẩn đục, hẹp hòi và gây nên những hậu quả tai hại. Con người chỉ yêu theo nhịp tim của mình. Nhưng trái tim ấy lại có lúc mạnh lúc yếu, lúc nhanh lúc chậm, có cả những lúc ngưng đập khiến cho những “cuộc tình chia xa” và trái tim của con người không tìm được đường về như nhạc sĩ Phạm Duy ghi nhận. Cuộc hôn nhân giữa con người với con người và với Thiên Chúa đã dẫn đến những thất bại, chua xót, tủi nhục như tình trạng thiếu rượu ở tiệc cưới Cana.

Chỉ Chúa Giêsu mới có thể chữa lành trái tim của con người vào “giờ” mà người lính đâm thủng trái tim Người bằng ngọn giáo, để chảy ra những giọt máu và giọt nước cuối cùng có sức cứu độ và thanh tẩy con người. Đó cũng là “giờ” trong bữa Tiệc Ly khi Chúa Giêsu biến đổi rượu nước thành máu thánh Người, qua bí tích Thánh Thể mà chúng ta đang được hạnh phúc tham dự lúc này.

Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đức Maria cũng không nhắc bảo ta làm điều gì lạ lùng nào ngoài lời khuyên muôn thuở: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”.

Lời kết

Như vậy, nguyên tắc nền tảng và tên của con đường Giêsu đã được xác định: đó là tình yêu. Đây cũng là “con đường tình ta đi” trong suốt cuộc đời.

HKK