18/11/2024

2021 chứng kiến hàng loạt kỷ lục nhiệt độ, thiên tai kinh hoàng

2021 chứng kiến hàng loạt kỷ lục nhiệt độ, thiên tai kinh hoàng

Năm 2021, hơn 400 trạm thời tiết trên khắp thế giới ghi nhận nền nhiệt phá kỷ lục 30 năm. Biến đổi khí hậu đang tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết.

 

 

2021 chứng kiến hàng loạt kỷ lục nhiệt độ, thiên tai kinh hoàng - Ảnh 1.

Tháng 8-2021, nhiệt độ ở thủ đô Athens của Hy Lạp lên đến 42 độ C, lửa cháy rừng bùng lên khắp nơi – Ảnh: Guardian

Theo báo The Guardian, các nhà khí hậu học và khí tượng học tin rằng năm 2021 sẽ nằm trong top 5 hoặc 6 năm nóng nhất lịch sử, tiếp nối xu hướng ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu.

Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera thống kê được có 10 nước và vùng lãnh thổ ghi nhận nền nhiệt nóng tương đương/phá kỷ lục quốc gia (bao gồm Canada và Mỹ), 107 nước ghi nhận kỷ lục nhiệt độ nóng nhất theo tháng, và 5 nước phá kỷ lục nhiệt độ thấp nhất theo tháng.

Một vài kỷ lục cấp lục địa và hành tinh cũng được ghi nhận: Tháng 6 và 9 nóng nhất ở châu Phi; tháng 8 nóng 48,8 độ C ở Syracuse, Ý, và cũng là nhiệt độ cao nhất chưa từng thấy ở châu Âu; tháng 7 nóng 54,4 độ C ở Furnace Creek (thuộc Thung lũng chết, tiểu bang California, Mỹ) – đây là nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận trên Trái đất.

Trong vô vàn thiên tai xảy ra năm 2021, các nhà khoa học lưu ý một vài sự kiện đặc biệt:

– Hai mùa mưa khô hạn liên tiếp ở Kenya, chuyện chưa bao giờ xảy ra trong nhiều năm. Chính phủ nước này phải hỗ trợ khẩn cấp lương thực cho dân.

– Sóng nhiệt ở châu Âu vào mùa hè phá vỡ kỷ lục nhiệt độ ở nhiều nước, đi kèm là cháy rừng trên khắp vùng Địa Trung Hải. Tiếp nối là lũ lụt bất thường vào tháng 7.

– Trung Quốc trải qua năm nóng nhất lịch sử, nhưng trận mưa ở tỉnh miền trung Hà Nam là gây sốc nhất: lượng mưa trút xuống trong 3 ngày nhiều hơn lượng mưa trung bình trong cả năm. Hàng trăm người chết, hoa màu nhà cửa bị cuốn trôi.

– Sóng nhiệt ở Siberia vào mùa hè.

– Nhiệt độ lạnh cóng ở Texas, Mỹ vào tháng 2. Hàng chục người chết, hàng triệu người sống trong cảnh tối tăm do mất điện.

– Cuối cùng, sự kiện gây sốc nhất trong giới khí tượng học là đợt sóng nhiệt kinh hoàng đánh vào bờ tây của Mỹ vào tháng 6 và 7, kỷ lục nhiệt bị phá vỡ không chỉ một ít mà lên tới 5 độ ở một số nơi. Các nhà khoa học mô tả sự kiện này bằng những từ như “quá ngưỡng giới hạn trên”, “kinh ngạc và chấn động”, “siêu sóng nhiệt”…

“Tầm vóc của sự kiện này vượt qua tất cả những gì tôi chứng kiến sau khi dành cả đời nghiên cứu thiên tai trong lịch sử khí hậu thế giới hiện đại 2 thế kỷ qua” – chuyên gia Maximiliano thừa nhận.

Trong lúc này, năm 2022 chỉ mới bắt đầu nhưng vài kỷ lục nhiệt đã bị phá vỡ ở Anh và Mỹ chỉ trong vài ngày.

PHÚC LONG