18/11/2024

Chúa Nhật – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, C 2022: Hoàn thành con đường Giêsu

Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa dưới sông Jordan, chính là ngày hoàn thành toàn bộ con đường Giêsu, để mời gọi chúng ta bước theo Người, đem lại bình an và ơn cứu độ cho thế giới. Vậy Chúa Giêsu đã hoàn hành con đường đó như thế nào và ta cùng cộng tác với Người ra sao để hoàn thành nó trong đời mình?

Chúa Nhật – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

Hoàn thành con đường Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa dưới sông Jordan, chính là ngày hoàn thành toàn bộ con đường Giêsu, để mời gọi chúng ta bước theo Người, đem lại bình an và ơn cứu độ cho thế giới. Vậy Chúa Giêsu đã hoàn hành con đường đó như thế nào và ta cùng cộng tác với Người ra sao để hoàn thành nó trong đời mình?

1. Chúa Giêsu hoàn thành toàn bộ con đường

Ngày lễ Chúa giáng sinh vừa qua chúng ta đã tìm hiểu Đức Giêsu là con đường hai chiều: một chiều đi từ trời xuống đất và một chiều từ đất lên trời.

Bằng việc giáng sinh, Ngôi Lời Thiên Chúa từ trời cao thẳm, và là tinh thần tuyệt đối không bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, đã trở thành con người có xác và hồn, trở thành hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ ở Bêlem cách đây hơn 2000 năm. Người đã hoàn thành một nửa con đường đi từ trời xuống đất để đem những giá trị tinh thần là sự sống vĩnh hằng, tình yêu vô tận, quyền năng vô cùng và chân thiện mỹ vô biên, hoà nhập vào những con người yếu đuối và vũ trụ hữu hạn. Tất cả đã đánh mất những giá trị tinh thần ấy, khi những con người đầu tiên là Adam và Eva phạm tội, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa. Rồi cửa trời đã bị đóng lại từ đó.

Hôm nay, bằng việc tự nguyện hoà mình vào đám tội nhân và nhận phép rửa của ông Gioan dưới dòng nước, Đức Giêsu đã hoàn thành một nửa kia của con đường nối từ đất lên trời. Sau 30 năm sống ẩn dật, lao động như một người thợ mộc bình thường, Người chính thức xuất hiện như Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu, để hoàn thành kế hoạch cứu độ toàn diện của Chúa Cha.

C:\Users\tingu\Downloads\2021\chua-chiu-phep-rua-b2-800x420.jpg

Chính ông Gioan đã xác nhận rằng: Tôi không phải là Đấng Mêsia, “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16). Ông đã giới thiệu Đức Giêsu: “Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội và xoá bỏ tội trần gian” (x. Ga 1,29-34). Dấu hiệu rõ ràng nhất là trời mở ra. Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng Chúa Cha từ trời phán rằng: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Lc 3,21-22).

Như thế là con đường Giêsu hai chiều đã được hoàn thành. Tiên tri Isaia đã nói về người xây dựng con đường đó rằng: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn ghồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40,3-5).

Câu cuối cùng của lời tuyên báo này có vẻ hơi khó hiểu vì người Do Thái cũng như chúng ta làm sao thấy được miệng Đức Chúa đã tuyên phán! Người ta thường chỉ nghe được lời từ miệng một người nói ra, chứ không thấy được lời của người đó. Nhưng Đức Giêsu lại là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, nên từ nay chúng ta có thể thấy được Lời của Chúa.

Hơn nữa, “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta xuất hiện trong vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến thân mình qua phép rửa trong dòng nước và sau này qua cái chết trên thập giá. Đó là phép rửa của Người khi dạy các môn đệ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10, 38; x. Ga 12,.50). Người nhận phép rửa “để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính và thanh luyện chúng ta thành dân riêng của Người. Người cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. Đó là lời nhắn nhủ của thánh Phaolô qua lá thư gửi Titô hôm nay (Tt 2,11-14; 3,4-7).

Do đó, phép rửa mà Chúa Giêsu tự nguyện đón nhận vừa diễn tả cái chết của Người, cũng như của chúng ta sau này, cho tội lỗi của thế gian, vừa diễn tả mọi hoạt động cứu độ sẽ thực hiện trong 3 năm sứ vụ công khai để xoá bỏ tội trần gian của Chúa Giêsu. Vì thế, khi chịu phép rửa xong thì trời mở ra, như kết quả của công trình cứu độ, là nhân loại và vũ trụ được Chúa Thánh Thần biến đổi, được bình an và được Chúa Cha đón nhận tất cả là con yêu dấu của mình. Như thế là Chúa Giêsu đã hoàn thành toàn bộ con đường cứu độ theo thánh ý Chúa Cha.

2. Chúng ta hoàn thành con đường đó trong đời mình như thế nào?

Mỗi người tín hữu chúng ta đều đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, khác với phép rửa bằng nước của ông Gioan để tỏ lòng sám hối tội lỗi. Chúng ta đã được Chúa Giêsu làm phép rửa cho chúng ta “bằng Thánh Thần và bằng lửa” như ông Gioan đã phân biệt.

Rất nhiều tín hữu hiện nay, khi nhớ đến phép rửa của mình, chỉ nghĩ đến việc mình được rửa sạch tội lỗi và thoát khỏi tình trạng tội lỗi do tội nguyên tổ gây ra. Họ không nghĩ đến sứ mệnh gánh lấy tội lỗi trần gian, và xoá bỏ tội lỗi trần gian như Chúa Giêsu, nhờ sức mạnh và ân huệ của Chúa Thánh Thần cũng như nhờ ngọn lửa tình yêu mà Chúa Giêsu đốt lên trong lòng những ai đi vào con đường sự thật và sự sống của Người.

Khi Đức Giêsu hoà mình với đám tội nhân bên bờ sông Jordan là Người hoà mình vào đời sống xã hội của con người thời đó với đủ thứ tội lỗi cần tẩy rửa. Con người trong xã hội hiện nay cũng đang đầy những loại tội lỗi như thế: tham lam, bất công, bất chính, chiều theo những tham vọng ích kỷ và dục vọng thấp hèn. Từ những tội lỗi đó, con người đã gây ra biết bao hậu quả tai hại và thảm cảnh đau thương cho mình, cho nhân loại đó là: nghèo khổ, bất hạnh, lạm dụng tình dục, phá thai, chết chóc, cũng như cho cả vũ trụ là bão tố, hạn hán, lụt lội, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…

Dù Đức Giêsu hoàn toàn tốt lành, trong sáng, liêm chính và không phạm bất cứ tội lỗi nào, nhưng Người không đứng trên bờ, khoanh tay và ngạo nghễ nhìn đám tội nhân khốn khổ hay chỉ xúc động thương hại họ. Người đã bước xuống dòng nước, hoà mình với đám người bất hạnh, chấp nhận bị hiểu lầm là tội nhân, bị ướt át, bị vấy bẩn. Người chia sẻ thân phận khốn cùng của con người. Hơn nữa, Người đã gánh lấy tất cả tội lỗi trần gian trên đôi vai gầy yếu của mình, khi vác cây thập giá. Người còn tẩy xoá tất cả tội lỗi đó qua dòng nước tượng trưng trong phép rửa và qua dòng máu và nước đổ ra trong cái chết của mình.

Đây cũng là sứ mệnh cứu độ của mỗi người tín hữu chúng ta, khi nhận phép rửa của Chúa Giêsu với rất nhiều ân huệ của Chúa Thánh Thần, để ta có thể loan báo Tin Mừng bằng Thần Khí của Người, có thể chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho những người chết trong tội lỗi được sống lại. Nhờ ngọn lửa tình yêu sự thật, sự sống của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đốt lên trong lòng, chúng ta sẽ dấn thân vào mọi môi trường bẩn thỉu để xoá bỏ tội lỗi và đem lại niềm vui, bình an, hạnh phúc cho xã hội thế trần.

Lời kết

Chính khi dám gánh tội và xoá bỏ tội lỗi như thế, chúng ta sẽ cảm thấy mình hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, trở thành người con yêu dấu của Chúa Cha và Cha hài lòng về chúng ta. Amen.

HKK