17/11/2024

Chúa Nhật, 09.01.2022
Có Chúa Trên Nẻo Đường Con Đi

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh, khai mở “mùa” thường niên, đánh dấu giai đoạn Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ cứu thế và loan báo Tin Mừng.

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Lễ kính

Is 40,1-5.9-11 • Tv 103,1b-2a.2b-4.24-25.27-28.29-30 (Đ.x.c.1) • Tt 2,11-14 ; 3,4-7 • Lc 3,15-16.21-22

Lời Chúa

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Lu-ca

15 Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.”

21 Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Có Chúa Trên Nẻo Đường Con Đi

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh, khai mở “mùa” thường niên, đánh dấu giai đoạn Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ cứu thế và loan báo Tin Mừng. Cả bốn Phúc Âm đều thuật lại biến cố này, chứng tỏ tầm quan trọng của nó. Ta có thể rút nhiều bài học cho cuộc sống đạo của ta.

  1. Hiển linh. Ba sự kiện Chúa chịu phép rửa, các đạo sĩ triều bái Chúa và phép lạ nước hóa rượu tại Cana đều là những cuộc hiển linh, tức Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại nhận biết Người. Tại dòng sông Giođan, không chỉ mình Chúa Giêsu mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng tỏ mình: “…Đức Giêsu cùng chịu phép rửa, rồi đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Xin dâng lên lòng tin mến, thờ lạy và cảm tạ vì ơn được biết Chúa, và ơn xin sống xứng đáng là con Thiên Chúa (Mầu nhiệm I – Năm Sự Sáng).
  2. Bí tích. Phép rửa của Gioan không tha tội, chỉ kêu gọi sám hối và sửa đổi đời sống. Sau này Chúa Giêsu sẽ lập bí tích Thánh Tẩy để tha tội và ban ơn thánh hóa. Xin cảm tạ Chúa vì hồng ân bí tích Rửa tội ta đã nhận.
  3. Liên đới. Tuy là Đấng thánh thiện và vô tội, nhưng Chúa Giêsu đã đứng chung với mọi người tội lỗi để nhận phép rửa của Gioan, một người phàm. Tắm rửa để xóa vết bẩn, tẩy mùi hôi. Chúa Giêsu liên đới với nhân loại khi mang mọi tội của họ vào thân, đưa lên cây Thánh Giá và chết để “xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Xin ơn xúc động vì lòng thương xót nhân loại của Chúa.
  4. Khiêm nhường. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng tối cao, mà lại khiêm nhường thẳm sâu khi hạ mình xuống chỗ thấp nhất (x. Pl 2,6-11), cúi mình xin Gioan làm phép rửa cho. Gioan ngạc nhiên, từ chối, không dám, nhưng Chúa xin ông cứ làm. Thiên Chúa cao cả vĩ đại nhất khi khiêm nhường thẳm sâu. Gioan đã học theo gương Chúa (“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi”), vì thế ông được Chúa khen ngợi là người cao trọng nhất trong số con cái loài người. (x. Mt 11,11). Xin ơn khiêm nhường thẳm sâu của Chúa.
  5. Loan báo Tin Mừng. Bí tích Rửa tội gắn liền với sứ mạng loan báo Tin Mừng: “Được rửa tội và được sai đi”. Đây là mệnh lệnh Chúa trao cho mọi tín hữu, không ai được quyền thoái thác, thờ ơ. Xin ơn nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

+GM Anphong Nguyễn Hữu Long.

Youcat mỗi ngày