Vắc xin COVID-19 Corbevax: Món quà cho thế giới
Vắc xin COVID-19 Corbevax: Món quà cho thế giới
Vắc xin COVID-19 Corbevax do các nhà nghiên cứu tại bang Texas, Mỹ phát triển mà không có bằng sáng chế. Vắc xin này có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho sự bất bình đẳng về vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.
Ngày 3-1, trang tin Advanced Science News dẫn tuyên bố của Trung tâm phát triển vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Texas cho biết họ đã sẵn sàng triển khai vắc xin COVID-19 mới với chi phí thấp là Corbevax.
Vắc xin Corbevax do Trung tâm phát triển vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Texas hợp tác phát triển cùng trường y nổi tiếng Baylor College of Medicine. Được mệnh danh là “Vắc xin COVID-19 của thế giới”, Corbevax sẽ được chuyển giao công nghệ miễn phí cho các nước khác để sản xuất và phân phối.
Corbevax vừa hoàn thành hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, với sự tham gia của hơn 3.000 người trong độ tuổi từ 18-80 tại 33 điểm nghiên cứu trên khắp Ấn Độ.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn III cho thấy Corbevax an toàn, dung nạp tốt và hiệu quả. Với chủng virus gốc, kết quả thử nghiệm cho thấy Corbevax có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng. Với biến chủng Delta, con số này là hơn 80%.
“Vắc xin công nghệ protein đã được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa nhiều bệnh khác, đã được chứng minh an toàn và có tính kinh tế với chi phí thấp trên toàn thế giới”, bà Maria Bottazzi, một trong những tác giả nghiên cứu, nói.
Corbevax sử dụng các mảnh protein gai của virus SARS-CoV-2, được bào chế từ tế bào nấm men bằng công nghệ 40 năm tuổi, tương tự công nghệ bào chế vắc xin viêm gan B.
Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin Corbevax. Nhóm nghiên cứu Corbevax tại Texas cho biết hiện họ đang làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để được phê duyệt vắc xin này.
“Nhu cầu về vắc xin an toàn, giá rẻ cho các nước có thu nhập từ trung bình đến thấp là trung tâm của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới”, nhóm nghiên cứu viết trong thông cáo báo chí.
“Nếu không tiêm chủng rộng rãi cho dân số ở nam bán cầu, các biến chủng mới của virus sẽ xuất hiện, cản trở tiến độ đã đạt được nhờ các loại vắc xin hiện có ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác”, nhóm nêu thêm.
Tính đến nay, đã có hơn 9,21 tỉ liều vắc xin được tiêm trên toàn cầu, trong đó 58% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều. Tuy nhiên, chỉ 8,5% dân số ở các nước thu nhập thấp được chủng ngừa.
“Sự thất bại toàn cầu trong việc chia sẻ bình đẳng vắc xin đang ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất và những người dễ tổn thương nhất trên thế giới”, WHO cho biết.
Gần đây, Công ty sinh học Biological E. của Ấn Độ đã được chuyển giao công nghệ sản xuất Corbevax. Hiện Biological E. đã sản xuất được 150 triệu liều Corbevax, và dự tính sẽ sản xuất thêm hơn 1 tỉ liều trong năm nay.
“Chúng tôi không có kế hoạch kiếm tiền từ Corbevax, nó là món quà cho thế giới”, ông Peter Hotez, một trong các tác giả nghiên cứu, chia sẻ trên Twitter.