Tin vui ngày cuối năm: Lỗ hổng khổng lồ trong tầng ozone phía trên Nam cực đã khép lại
Tin vui ngày cuối năm: Lỗ hổng khổng lồ trong tầng ozone phía trên Nam cực đã khép lại
Các nhà khoa học vừa công bố thông tin đáng mừng vào thời điểm cuối năm 2021 là lỗ hổng tầng ozone từng lớn hơn châu Nam cực đã “liền da”.
Các nhà khoa học thuộc Dịch vụ theo dõi khí quyển Copernicus (CAMS) thông báo rằng lỗ hổng lớn trên tầng ozone từng mở rộng đến mức lớn hơn châu Nam cực và đạt mức cực đại vào hôm 7.10.
Tầng ozone hoạt động như một lá chắn, hấp thu tia UV từ mặt trời. Việc hình thành lỗ hổng trên tầng ozone tạo điều kiện cho những tia phóng xạ năng lượng cao nói trên chiếu xuống trái đất và gây hại đến thực thể sống.
Lỗ hổng ở tầng ozone phía trên châu Nam cực đạt mức cực đại vào ngày 7.10.2021 NASA OZONE WATCH |
Theo Daily Mail, tầng ozone bị mỏng đi do những phản ứng hóa học liên quan đến hóa chất do hoạt động con người thải ra khí quyển. Lỗ hổng trên tầng ozone được hình thành vào mỗi mùa hè ở nam bán cầu và kích thước của nó tùy thuộc vào điều kiện khí hậu.
Mặc dù có sự dao động nhưng các chuyên gia dự báo lỗ hổng sẽ khép lại vĩnh viễn vào năm 2050, nhờ những giới hạn hóa chất gây ảnh hưởng tầng ozone được quy định trong Nghị định thư Montreal năm 1987.
Theo The Weather Network, Nghị định thư Montreal là một trong những sáng kiến chính trị thành công nhất nhằm bảo vệ môi trường. Nghị định được ký bởi 197 nước, quy định việc sản xuất và sử dụng các loại hóa chất do con người tạo ra có thể gây mỏng tầng ozone.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng Nghị định thư Montreal đã ngăn ngừa hàng triệu ca mắc khối u ác tính, ung thư và đục nhân mắt. Các nhà khoa học dự báo tầng ozone có thể phục hồi vào năm 2050 nhưng còn nhiều khu vực tầng ozone còn mỏng và lỗ hổng chưa thể khép lại.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết dù lỗ hổng tầng ozone năm 2021 lớn hơn bình thường nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với ghi nhận vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000.
VI TRÂN
TNO