Các Giáo hội Công giáo Thái Bình Dương phản đối bạo lực ở Papua, Indonesia
Các Giáo hội Công giáo Thái Bình Dương phản đối bạo lực ở Papua, Indonesia
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 21/12 vừa qua, tại Hội nghị của các Giáo hội Thái Bình Dương, Đức Tổng Giám mục Anton Bal của Tổng Giáo phận Madang, Papua New Guinea, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, viết: “Chúng tôi, các Giám mục Công giáo của Papua New Guinea và Quần đảo Solomon rất xúc động trước lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Kitô của Papua bênh vực tình nhân loại, công lý, sự thật và sự an toàn của người dân.”
Các Giáo hội kêu gọi chính phủ ngưng các hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp với các chiến binh đòi độc lập của Papua, trong đó có sự tham gia của các phần tử tham nhũng của các cơ quan thực thi pháp luật Indonesia.
Tuyên bố của các Giám mục là kết quả của lời kêu gọi của gần 200 linh mục ở tỉnh Papua vào tháng 11. Các linh mục đồng lòng kêu gọi cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc đóng một vai trò tích cực hơn trong việc mang lại hòa bình cho khu vực cực đông đang bị bạo lực bao vây. Các linh mục cũng kêu gọi chính phủ Jakarta thực hiện một lệnh ngừng bắn và ưu tiên đối thoại nhằm ngăn chặn bạo lực chống dân thường.
Cha John Bunay, phát ngôn viên của các linh mục cho biết, các linh mục rất buồn vì tình trạng bạo lực tiếp diễn. Khắp nơi đều có những vụ xả súng vào dân thường. Không có tố tụng pháp lý minh bạch để giải quyết những vi phạm nhân quyền. Hậu quả là trăm người phải chạy trốn sang nước láng giềng Papua New Guinea. Các linh mục đã cố gắng gần gũi với người dân. Mọi người đều mong muốn được sống trong một vùng đất bình yên. Vì vậy, các linh mục giúp những người đang đau khổ cảm nhận được sự hiện diện của Giáo hội.
Nửa phía tây của đảo New Guinea, với dân số chủ yếu là Kitô hữu đã bị Indonesia sáp nhập vào năm 1969 qua một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Người dân đã bị lôi kéo vào một cuộc xung đột ly khai leo thang gần đây. Lo sợ bị quân đội Indonesia trả đũa, hàng ngàn dân thường đã bỏ chạy khỏi làng, nơi bị nghi ngờ là căn cứ của Quân đội Giải phóng Quốc gia Tây Papua.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2021-12/giao-hoi-cong-giao-thai-binh-duong-phan-doi-bao-luc-papua.html