18/11/2024

Lễ Chúa Giáng Sinh, năm C, 2021: Con đường Giêsu

Ngày Chúa Giáng Sinh là một ngày vui, một lễ hội lớn của loài người và vũ trụ. Đây là ngày Thiên Chúa chính thức mở đường từ đất tới trời để dẫn đưa muôn loài về với mình, cho họ được trẻ đẹp và sống mãi với Ngài. Con đường này mang tên Giêsu khi Thiên Chúa ban Con Một của Ngài là Ngôi Lời trở thành con người, trong thân phận của một hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7).

Lễ Chúa Giáng Sinh, năm C, 2021

Con đường Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày Chúa Giáng Sinh là một ngày vui, một lễ hội lớn của loài người và vũ trụ. Đây là ngày Thiên Chúa chính thức mở đường từ đất tới trời để dẫn đưa muôn loài về với mình, cho họ được trẻ đẹp và sống mãi với Ngài. Con đường này mang tên Giêsu khi Thiên Chúa ban Con Một của Ngài là Ngôi Lời trở thành con người, trong thân phận của một hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7).

C:\Users\tingu\Downloads\2021\Cau Nguyen voi PA\IMG_4067.JPG

Trong ít phút này, chúng ta muốn suy niệm đôi điều về con đường ấy vì đó cũng là con đường ta phải cùng đi với nhau, nếu ta thật sự muốn bình an, hạnh phúc và sống mãi mãi với Thiên Chúa như chủ đề “Hiệp hành” của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI giới thiệu với ta.

1. Con đường Giêsu

Kể từ khi con người hiện đại biết suy tư, thấy mình không phải là một mớ vật chất hỗn độn, vô tình và ngẫu nhiên thành hình, rồi tiến hoá dần dần thành con người hiện nay, nhưng là một tổng hợp vô cùng kỳ diệu gồm thể xác và tinh thần. Tinh thần này nhận thức được những giá trị nơi mình như tình yêu, sự sống, sự thật, cái tốt, cái đẹp, hạnh phúc, tự do, hoà bình… phải bắt nguồn từ một Đấng nào đó là tinh thần siêu việt để mình tìm về thì mới thoả mãn được các ước vọng sâu thẳm của loài người.

Hàng ngàn tôn giáo đã cố gắng giới thiệu những con đường tâm linh, gọi là đạo, như đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa… Tất cả đều đáng cho ta trân trọng vì đó là những con đường mà con người bước đi để tìm về nguồn của mình và của muôn loài. Nhưng không ít các con đường này đã dẫn người ta vào ngõ cụt, trở thành những thứ mê tín, dị đoan vì chúng chỉ là thứ do con người tưởng tượng, sáng tạo ra, chứ không phải là con đường do Thiên Chúa xây dựng. Chúng không thể dẫn ta về tới trời, về được nguồn sống vĩnh hằng và hiện hữu vô biên.

Người Cha Tạo Hoá không muốn để các đứa con lạc loài ở mãi cõi vô thường, khốn khổ với sinh lão bệnh tử, nên đã tỏ mình ra trong lịch sử dân tộc Do Thái để họ biết mình là ai, đã yêu thương họ như thế nào vào muốn cứu độ họ ra sao. Sau khi con người cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa là nguồn mọi ân huệ để phải khốn khổ, ngu dốt, xấu xí, chết chóc, Thiên Chúa đã hứa ban Con Một của mình để cứu độ muôn loài, vì “không ai có thể lên trời được nếu không phải là Đấng từ trờ xuống chỉ cho” (x. Ga 3,13). “Không ai có thể đến với Thiên Chúa là Cha, nếu không qua Đức Giêsu”. Vì thế, Đức Giêsu mới xác định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6). Như thế, Đức Giêsu chính là con đường hai chiều: một chiều đi xuống từ Thiên Chúa đến với muôn loài và một chiều đi lên để dẫn con người và vạn vật trở về với Thiên Chúa. Con đường ấy chính thức được khai thông vào ngày Chúa Giáng Sinh.

Chúng ta nhận ra con đường này vì nhiều sự kiện như ngôi sao lạ dẫn đường cho các vị đạo sĩ phương Đông đến Belem để thờ lạy Hài Nhi Giêsu, sứ thần Chúa báo tin vui cho các người chăn chiên và mời gọi họ đến chiêm ngưỡng Giêsu, và cả đạo binh thiên quốc cất cao lời ca tụng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (x. Lc 2,1-14).

Đức Giêsu còn chứng minh Người là con đường dẫn đến sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng bằng cả cuộc sống của mình ở trần thế. Nhất là Người chứng minh bằng những lời giảng dạy đầy uy quyền, bằng những dấu lạ và phép lạ như cho bánh cá hoá nhiều, cho người bệnh được lành, người bị ma quỷ kiềm chế được giải thoát, người chết được sống lại. Cuối cùng, Người biến đổi trọn vẹn đời sống tạm bợ, bất hạnh, khốn khổ của con người qua cái chết nhục nhã trên thập giá thành đời sống vĩnh hằng, hạnh phúc qua cuộc sống lại vinh hiển của mình. Từ nay, từng sự kiện, từng hành động, từng giây phút sống của mỗi con người đều có thể mang lại ý nghĩa cao đẹp và giá trị vô cùng.

Như thế, Đức Giêsu đã trở thành một con đường cụ thể và rõ ràng của Thiên Chúa để bất cứ ai cũng có thể đi theo con đường này tìm về được cội nguồn của mình.

2. Con đường bị lãng quên

Tuy nhiên, dù con đường Giêsu đã được khánh thành cách đây hơn 2000 năm và hiện nay có khoảng 2,4 tỉ người tín hữu Kitô đang bước theo, cộng thêm 1,6 tỉ người Hồi giáo biết đến tiên tri Giêsu, khoảng hơn 1 tỉ người khác cũng biết đến tên Giêsu và đang mừng lễ hội Giáng Sinh trên khắp thế giới. Nhưng chúng ta thử hỏi mấy ai đang đi trên con đường Giêsu để cảm nghiệm được giá trị của Người. Trong mùa lễ hội này, người ta làm những hang đá với tượng Giêsu bất động nằm trên máng cỏ như một sa bàn, một mô hình, một bảng quảng cáo để giới thiệu con đường. Cả tỉ người xem, nhưng lại không đi. Đường mà không đi thì còn chi tác dụng? Vì thế, chúng ta mới nói Đức Giêsu là con đường bị lãng quên! Tại sao?

Trước hết, vì người ta thấy đó là một con đường hẹp, nhiều chỗ gập ghềnh, trong khi ngày nay người ta lại thích đi trên những con đường rộng rãi, thênh thang, bằng phẳng. Đức Giêsu đã báo trước điều này: “Đường thênh thang đưa đến diệt vong thì nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp, đường chật đưa đến sự sống thì ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13). Dù người ta thích thú với hình ảnh Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, giữa mấy con chiên bò, nhưng thử hỏi mấy ai bây giờ muốn nằm trên ổ rơm, chung quanh là những con chiên, con bò bẩn thỉu, hôi hám, giữa mùa đông lạnh buốt!?

Trong thế giới hiện đại đầy những phương tiện di chuyển nhanh chóng này, con đường Giêsu dẫn lên đỉnh núi cao để thở hít được bầu khí trong lành, để cảm nghiệm tình yêu vô bờ, hạnh phúc vô tận và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa là một lý tưởng đẹp. Nhưng đối với đa số, nhất là với các người trẻ, con đường đó chỉ là một giấc mơ hão huyền, thiếu thực tế và không cần phải tốn công đi tìm. Tội gì phải lên núi cao mới thở hít được không khí trong lành, trong khi người ta có thể mua được những bình khí oxy cá nhân rẻ tiền mà chẳng tốn công sức. Cần gì phải đi tìm những thứ tình yêu cao thượng hay hạnh phúc xa xôi nào đó, trong khi bên cạnh mình có bao thú vui hấp dẫn, trên cả tuyệt vời! Cần gì phải tìm thứ quyền năng linh thiêng nào, trong khi tiền bạc, chức vị có thể cung cấp cho ta nhiều thứ và thoả mãn những nhu cầu thực tế của con người… Thế là con đường Giêsu chẳng còn mấy ai đi!

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 với những biến thể Delta, Omicron đã làm hàng trăm triệu người tỉnh ngộ và mơ ước một sự sống siêu việt phi thường của Thiên Chúa. Những cuộc chiến tranh, xung đột, căng thẳng ở khắp nơi trên thế giới đã làm cho con người ao ước được hưởng niềm vui, bình an, hạnh phúc thật sự như thế nào. Một số người, thay vì chỉ xem chỉ dẫn, quảng cáo qua mô hình hang đá Giáng Sinh đã bắt đầu lên đường như các đạo sĩ phương Đông. Một ít người đã rủ nhau tìm về những hang đá bẩn thỉu, nơi gầm cầu, các khu ổ chuột của những người vô gia cư, nghèo khổ, bệnh tật, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ giống như những người chăn chiên thời xưa và họ đã gặp được Hài nhi Giêsu ở đó (x. Lc 2,18). Họ đã cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nên “họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe”. Họ hạnh phúc vì đã tìm được con đường Giêsu.

Lời kết

Cầu chúc tất cả anh chị em cũng gặp được Đức Giêsu và nhận được muôn ơn lành của Chúa Hài Đồng trong mùa Giáng Sinh này!