Chuyên gia Mỹ: Omicron có khả năng đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch COVID-19
Chuyên gia Mỹ: Omicron có khả năng đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch COVID-19
Một số nhà nghiên cứu Mỹ cho biết biến thể Omicron thực sự có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của virus SARS-CoV-2 sang một loại cúm thông thường, kết thúc đại dịch COVID-19.
Chỉ vài tuần trước, Mỹ đang trên đường chấm dứt đại dịch vào năm 2022. Sau đó, biến thể Omicron tấn công, nhanh chóng chiếm 73% ca nhiễm COVID-19 mới trong một thời gian rất ngắn, theo Đài truyền hình CNBC.
Theo các nhà nghiên cứu, tốc độ lây truyền cao của Omicron nguy hiểm cho những người chưa được tiêm chủng. Cùng lúc đó, số người nhập viện và tử vong có thể tăng đáng kể trong những tuần và tháng tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số dân cư miễn nhiễm còn lại có thể xuất hiện trạng thái “miễn dịch cộng đồng”.
Tiến sĩ David Ho, một nhà virus học nổi tiếng thế giới và là giáo sư Đại học Columbia (Mỹ), ví von: “Như tất cả những người làm trong lĩnh vực y tế công cộng đã nói, đôi khi ngọn lửa có thể bùng cháy rất nhanh nhưng sau đó lại tự dập tắt”.
Đáng chú ý, thời gian chờ khả năng miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên sẽ chậm hơn miễn dịch được vắc xin hỗ trợ. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 62% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi và 30% trong số những người này đã được tiêm mũi 3. Đây là chỉ số rất quan trọng để tăng cường khả năng bảo vệ người dân chống lại Omicron.
Tiến sĩ Bruce Farber, giám đốc các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện New Hyde Park (thuộc mạng lưới bệnh viện Northwell Health có trụ sở tại TP New York), cho biết “trường hợp tốt nhất” sẽ là một biến thể virus rất dễ lây lan mà không làm cho hầu hết mọi người bị bệnh nặng. Biến thể này sẽ giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng.
“Nó chắc chắn có thể giúp chấm dứt số lượng lớn người chết và nhập viện cao”, ông Farber nói.
Biến thể Omicron bước đầu có những tín hiệu tốt: Dù tốc độ lây nhiễm dịch rất nhanh nhưng nhiều quốc gia đã báo cáo tình trạng bệnh nhẹ và tử vong thấp. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn rất thận trọng, cho rằng cần thêm thời gian để xem thêm ảnh hưởng lâu dài của nó trong cộng đồng dân cư.
Tại Nam Phi, nơi mà biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11, số ca nhập viện và tử vong vẫn ở mức tương đối thấp mặc dù số ca nhiễm mới tăng mạnh.
“Tuy nhiên, nếu phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây lan và đột biến”, ông Farber nhấn mạnh. Điều đó có nghĩa là tương lai của đại dịch rất không chắc chắn, ngay cả khi các chuyên gia đồng ý rằng dịch COVID-19 cuối cùng sẽ trở thành một bệnh dịch đặc hữu và có khả năng xảy ra theo mùa.
Tiến sĩ Timothy Brewer, giáo sư y khoa chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California – Los Angeles (UCLA), đồng ý quan điểm với ông Farber.
“Virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Đúng hơn, mọi người sẽ phải học cách sống chung với nó. Tiêm chủng thường xuyên và điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ làm cho các đợt bùng phát dịch COVID-19 ít nghiêm trọng hơn đáng kể trong những năm tới”, ông Brewer dự đoán.