Bí ẩn lớn về nguồn gốc biến thể Omicron
Bí ẩn lớn về nguồn gốc biến thể Omicron
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích nguồn gốc của biến thể Omicron, nhưng tất cả các giả thuyết về nó đến nay đều gây quan ngại.
Nghiên cứu mẫu bệnh phẩm Covid-19 REUTERS |
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Omicron chỉ mất chưa đầy 1 tháng để trở thành biến thể chủ đạo gây dịch Covid-19 tại nước này. Số ca do biến thể Omicron chiếm 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần kết thúc vào ngày 18.12, tăng gấp 6 lần so với tuần trước đó.
Giới khoa học đã đạt được bước tiến đáng kể trong nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc và năng lực lây lan của SAR-CoV-2. Tuy nhiên, họ hoàn toàn bất ngờ trước biến thể Omicron vì nguồn gốc của nó vô cùng phức tạp, không giống các biến thể như Delta. Đây cũng là lý do khiến các chuyên gia gặp trở ngại trong việc tìm kiếm biện pháp điều trị hiệu quả.
Các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết nhằm giải thích nguồn gốc của Omicron, theo trang Vox:
Nguồn gốc khó đoán
Đầu tiên, trong lúc virus Corona bắt đầu có dấu hiệu thua cuộc sau thời gian chống chọi trước vắc xin, những virus “sống sót” có khuynh hướng đột biến nhằm đột phá hàng rào phòng vệ của hệ miễn dịch do vắc xin mang lại.
Kế đến, những kẻ sống sót truyền lại năng lực đột phá được kiện toàn hơn trong quá trình sao chép. Nhờ vào công nghệ di truyền học, các nhà nghiên cứu giờ đây đã có thể lập cây phả hệ của “gia đình” SARS-CoV-2. Từ đó, họ ghi nhận mối quan hệ giữa các biến thể với nhau và hy vọng thu thập được thông tin có thể giúp đánh bại virus.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ đã xảy ra trong quá trình truy ngược về nguồn gốc của Omicron.
Kết quả phân tích di truyền cho thấy nguồn gốc của Omicron bắt đầu cách đây hơn một năm, từ giữa năm 2020. Điều đó có nghĩa là các nhà khoa học không thể liên kết Omicron với các biến thể gần đây.
Theo một giả thuyết, Omicron phát triển từ một bệnh nhân Covid-19 và mắc hội chứng suy giảm miễn dịch. Trong khi vẫn chưa có chứng cứ trực tiếp về khả năng này, các nhà khoa học biết rằng virus trở nên mạnh hơn khi xâm nhập cơ thể bị yếu hệ miễn dịch, do chúng kéo dài được thời gian hoạt động so với trường hợp tấn công cơ thể có năng lực miễn dịch tốt.
Virus tồn tại nhiều tháng trong cơ thể của bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể phát triển những kỹ năng sinh tồn, cho phép chúng chống chọi hiệu quả trước các kháng thể ở người.
Ông Richard Lessells, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), đã tận mắt chứng kiến tình trạng này trong lúc quan sát mẫu bệnh phẩm Covid-19 ở người mắc HIV. Trong vòng 6 tháng, SARS-CoV-2 thích ứng và thay đổi trong cơ thể người bệnh, theo đài NPR.
Nhiều vườn thú trên thế giới thông tin về tình trạng động vật mắc Covid-19 REUTERS |
Lây chéo động vật-người và ngược lại
Viết cho Tạp chí Forbes, tiến sĩ William Haseltine, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổ chức Tiếp cận Y tế Thế giới (mở văn phòng đầu tiên tại Ấn Độ), cho hay ông cũng quan sát được một số trường hợp đặc biệt. Theo đó, các biến thể đột biến ủ bệnh trong cơ thể người mắc HIV tại Ý, Anh và Mỹ.
Tiến sĩ Haseltine cũng đề cập một giả thuyết khác, gọi là quy trình zoonosis đảo ngược. Đây là tình huống virus bắt nguồn từ động vật và lây sang người, trước khi lây ngược cho động vật và con người tiếp tục bị nhiễm.
Dịch Covid-19 được cho là giai đoạn đầu của quá trình trên, theo đó virus Corona có nguồn gốc từ vật chủ (dơi, tê tê hoặc vật chủ khác) sang người, tức quy trình zoonosis. Và “zoonosis đảo ngược” chính là SARS-CoV-2 lây từ người sang động vật, và kế đến là lây ngược về cho người.
Ví dụ, Đài CBS News ngày 13.11 dẫn thông tin từ Sở thú thiếu nhi thành phố Lincoln (bang Nebraska, Mỹ) cho biết ba con báo tuyết của sở thú đã chết vì biến chứng sau thời gian mắc virus gây bệnh Covid-19. Không ít vườn thú ghi nhận các ca mắc Covid-19 ở động vật khác như tinh tinh.
Tất nhiên, trên đây chỉ là những giả thuyết chưa được xác nhận, nhưng chúng đều có cơ sở để gây quan ngại.
THUỴ MIÊN
TNO