23/01/2025

Siêu vi khuẩn ‘ăn’ nhựa đang phát triển trên toàn cầu

Siêu vi khuẩn ‘ăn’ nhựa đang phát triển trên toàn cầu

Theo một nghiên cứu lớn, các siêu vi khuẩn trong đại dương và đất trên toàn cầu đang phát triển để ăn nhựa. Khám phá đáng ngạc nhiên này tiết lộ các siêu enzyme có thể dùng để tái chế nhựa.

 

Siêu vi khuẩn ăn nhựa đang phát triển trên toàn cầu - Ảnh 1.

Mỗi năm, người dân toàn cầu thải ra môi trường 380 triệu tấn nhựa – Ảnh: DAILY ASIAN AGE

Giáo sư Aleksej Zelezniak, Đại học Công nghệ Chalmers ở Thụy Điển, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy tiềm năng phân hủy nhựa của hệ vi sinh vật toàn cầu. Chúng tương quan chặt chẽ với các phép đo về ô nhiễm nhựa trong môi trường”.

Nhà nghiên cứu Jan Zrimec cũng tại Đại học Chalmers cho biết: “Chúng tôi không ngờ có thể tìm thấy một số lượng lớn các enzyme như vậy trên rất nhiều loài vi khuẩn và ở môi trường sống khác nhau”.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Chalmers đã phân tích các mẫu DNA lấy từ môi trường và trên mặt đất của 236 địa điểm khác nhau trên thế giới. Kết quả tìm thấy 30.000 loại enzyme khác nhau có thể phân hủy 10 loại nhựa khác nhau.

Đây là đánh giá quy mô lớn đầu tiên trên toàn cầu về khả năng phân hủy nhựa của siêu vi khuẩn, theo tạp chí Guardian.

Khoảng 12.000 loại enzyme mới đã được tìm thấy trong các mẫu ở đại dương, được lấy ở 67 địa điểm và ở ba độ sâu khác nhau.

Các mẫu đất được lấy từ 169 địa điểm ở 38 quốc gia và 11 môi trường sống khác nhau và chứa 18.000 enzyme phân hủy nhựa.

Được biết đất có chứa nhiều nhựa với phụ gia phthalate hơn so với đại dương. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều enzyme tấn công các chất phụ gia này nhiều hơn trong các mẫu đất.

Các nhà khoa học cho biết, gần 60% các enzyme mới không phù hợp với bất kỳ lớp enzyme nào đã biết trước đây. Điều trên cho thấy các siêu vi khuẩn đã phân hủy nhựa theo những cách mà trước đây chưa được biết đến.

Siêu vi khuẩn ăn nhựa đầu tiên được phát hiện trong một bãi rác của Nhật Bản vào năm 2016. Các nhà khoa học sau đó đã chỉnh sửa nó vào năm 2018 để cố gắng tìm hiểu thêm về cách nó tiến hóa. Tuy nhiên, họ đã vô tình tạo ra một loại enzyme thậm chí còn tốt hơn trong việc phá vỡ chai nhựa. Những chỉnh sửa enzyme sâu hơn vào năm 2020 đã làm tăng tốc độ “ăn nhựa” lên gấp 6 lần.

Một loại enzyme đột biến khác được Công ty Carbios tạo ra vào năm 2020 có tác dụng phân hủy chai nhựa để tái chế trong vài giờ. Các nhà khoa học Đức cũng đã phát hiện một loại siêu vi khuẩn ăn nhựa polyurethane độc ​​hại, thường có ở các bãi rác.

Các nhà nghiên cứu cho biết sự bùng nổ sản xuất nhựa trong 70 năm qua, từ 2 triệu tấn lên 380 triệu tấn mỗi năm, đã cho siêu vi khuẩn có thời gian phát triển để xử lý nhựa.

GIA MINH
TTO