22/01/2025

Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 Tại Giáo xứ Thái Bình, hạt Xóm Mới, TGP Sài Gòn – Ngày III: Cùng loan báo Tin Mừng sự thật và sự sống

Ngày cuối của tuần tĩnh tâm Mùa Vọng này chúng ta tìm hiểu về đặc tính thứ 3 của Hội Thánh Hiệp Hành. Đó là sứ vụ. Sứ vụ của Hội Thánh cũng là sứ vụ của mỗi người chúng ta vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Vậy sứ vụ đó là gì và ta sẽ thực hiện sứ vụ ấy như thế nào cho tốt đẹp và hiệu quả?

Bài tĩnh tâm thứ 3, ngày 15/12/2021

Cùng loan báo Tin Mừng sự thật và sự sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày cuối của tuần tĩnh tâm Mùa Vọng này chúng ta tìm hiểu về đặc tính thứ 3 của Hội Thánh Hiệp Hành. Đó là sứ vụ. Sứ vụ của Hội Thánh cũng là sứ vụ của mỗi người chúng ta vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Vậy sứ vụ đó là gì và ta sẽ thực hiện sứ vụ ấy như thế nào cho tốt đẹp và hiệu quả?

1. Sứ vụ của Hội Thánh

Giải thích từ ngữ (x. Từ điển Công giáo của HĐGMVN, 2019, tr.769-770):

Sứ vụ (Ministerium – Ministry – Ministère): sứ là người phụng mệnh làm việc, vụ là việc được giao. Đây là thuật ngữ diễn tả những công việc hay những hình thức đa dạng của việc thực thi sứ mệnh. Sứ vụ này đa dạng vì tuỳ theo nhu cầu, hoàn cảnh của con người và môi trường sống của người thực hiện sứ vụ. Ví dụ: sứ vụ của Chúa Giêsu bao gồm việc rao giảng, chữa lành, trừ quỷ, tha tội… (x. Mc 1,38). Sứ vụ của các tông đồ là tiếp nối các sứ vụ của Chúa Giêsu (x. Mt 16,20). Sứ vụ liên quan trực tiếp đến sứ mệnh.

Sứ mệnh (Missio tiếng Latinh, Mission tiếng Anh – Pháp): sứ là người phụng mệnh làm việc, mệnh là lời truyền bảo hay chỉ thị của người trên (thường là của vua) đối với người dưới. Một ít người, ngay cả trong từ điển Công giáo của HĐGMVN 2019, dùng từ “sứ mạng” nhưng đây là phương ngữ. Sứ mệnh là thuật ngữ diễn tả lẽ sống hay hướng sống của một người hay một nhóm người được Thiên Chúa trao phó cách trực tiếp hoặc qua người có thẩm quyền (x. Is 55,11; Rm 15,19).

Sứ mệnh có thể thực hiện bằng các sứ vụ cụ thể khác nhau:

Ví dụ: sứ mệnh của Chúa Giêsu là cứu độ trần gian (x. Ga 3,17). Sứ mệnh của các tông đồ là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Giêsu (x. Mt 28,19). Sứ mệnh của Hội Thánh là tiếp tục sứ mệnh của các tông đồ, rao giảng Tin Mừng đến tận cùng thế giới (x. Cv 1,8; Hiến chế Lumen Gentium, số 17):

Như thế, sứ mệnh của mỗi người tín hữu chúng ta là rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng thế giới như Chúa Giêsu nói với các tông đồ và chúng ta trước khi Người lên trời: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Sứ mệnh đó được chúng ta thực hiện bằng một sứ vụ đa dạng tuỳ vào nhu cầu, hoàn cảnh mỗi người và môi trường ta sống. Ví dụ: trong cơn dịch bệnh Covid-19 này, người bệnh đang cần được chăm sóc, cần thuốc men, cần khí oxy, ta sẽ giúp họ bằng khả năng của mình, dù ta không phải là bác sĩ hay nhân viên y tế mà chỉ là một linh mục, một tu sĩ, một bà nội trợ, một người già yếu ở trong gia đình. Ta vẫn có thể đóng góp và tác động trên người bệnh, chữa lành cho họ nhờ quyền năng và tình yêu của Chúa Giêsu.

2. Vài điều cần xác định về sứ mệnh loan báo Tin Mừng

Trước hết chúng ta cần xác định Tin Mừng là gì?

Trong lịch sử các tôn giáo, người ta kể nhiều chuyện về việc thần linh giao tiếp với con người, soi sáng và dạy dỗ họ nhiều điều sâu xa, huyền bí. Ta gọi đó là hành động “mạc khải”. Vào thời điểm cuối cùng, Thiên Chúa sai Con Một của mình đến nói trực tiếp với con người để ai tin vào Người Con đó sẽ được cứu độ, được trở thành con cái Thiên Chúa và được sống mãi mãi như Thiên Chúa[1].

Người Con Một đó là Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện trở thành người, mặc lấy thân xác người phàm để đưa bản tính Thiên Chúa vĩnh hằng, hạnh phúc vô tận, quyền năng vô biên, sự sống phi thường vào trong con người hữu hạn, vô thường, đau khổ và chết chóc này. Đó là lý do tại sao người Kitô hữu mừng lễ Chúa Giáng Sinh: vì Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth và ở giữa chúng ta[2].

Người Kitô hữu vẫn cử hành lễ kỷ niệm này. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, gần đây họ lại quá tập trung vào ý nghĩa của Lời Chúa như những chữ viết, được ghi lại trong cuốn Thánh Kinh Cựu-Tân Ước, quá quan tâm đến các nghi lễ, bí tích. Những năm gần đây họ hăng hái học hỏi, suy niệm để “Sống Lời Chúa” bằng cách tổ chức những tuần lễ học hỏi Thánh Kinh, đi tìm những ý nghĩa trừu tượng của những câu chữ viết trong cuốn Thánh Kinh, được giải thích qua một con người hay một thánh nhân nào đó! Các linh mục tu sĩ học khoảng 300-400 về Thánh Kinh trong khi chỉ học khoảng 60-90 tiết học về Đức Giêsu Kitô.

Đường hướng sống này càng làm họ xa rời Đức Giêsu vì không gặp được Người như một Thiên Chúa sống động cụ thể đang hiện diện giữa con người và vạn vật, đang “nói” với con người và lắng nghe con người “nói” với Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần nhắc đến lầm lẫn này khi trưng dẫn câu nói của Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp những lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa, nó là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức… mà là một con người. Đó là Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người…[3].

Khi người tín hữu tin vào Đức Giêsu và kết hợp mật thiết với Người, họ được trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm, trở thành chính Lời Thiên Chúa cho mọi người và vạn vật. Họ nhận được sức mạnh, quyền năng, tình yêu, ân sủng vô tận của Chúa Giêsu chuyển thông cho họ, để từng lời nói của họ có sức sáng tạo của Chúa Cha, sức cứu độ của Chúa Con và sức thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu nói với hai môn đệ được ông Gioan Tẩy Giả sai đến: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22).

Giống như Chúa Giêsu, lời của họ không còn là lời tự nhiên của con người, nhưng trở thành Lời sự sống, Lời sự thật, Lời cứu độ, Lời Tin Mừng như Chúa Giêsu. Lời đó nói ra có thể làm cho bánh cá hoá nhiều, gió yên biển lặng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho cả kẻ chết sống lại, như đã chứng minh trong đời sống của các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu. Họ không còn chỉ nói bằng môi miệng, nhưng bằng toàn thể con người sống động của mình như Đức Giêsu. Như thế loan báo Tin Mừng chính là loan báo Đức Giêsu Kitô. Chỉ có những lời như thế mới có sức tác động vào con người, nhất là những con người trong thời đại hôm nay chỉ tin vào khoa học kỹ thuật, chỉ muốn nắm giữ những gì cụ thể của vật chất để cảm nghiệm bằng giác quan của mình. Nhưng để nói được lời như thế, chúng ta phải làm gì?

3. Nói lời cứu độ

Mẹ Maria và thánh Giuse là hai mẫu gương tuyệt vời nhất có thể dạy cho ta biết phải làm gì.

Trước hết, ta phải mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, phải thở hít được Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh đã thổi trên các môn đệ. Khi đón nhận được Thần Khí là Chúa Thánh Thần, ta biến đổi mình từ con người tầm thường, tội lỗi, ngu dốt trở thành người phi thường, thánh thiện như các môn đệ thời xưa để đi đến đâu, các ngài làm phép lạ đến đó[4], như chúng ta đã bàn đến hôm qua.

Như Mẹ Maria đã mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để Ngôi Lời hình thành trong lòng Mẹ, từ đó Mẹ sinh Chúa Giêsu cho thế giới, chúng ta cũng mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần để quyền năng của Thiên Chúa toả bóng trên ta[5]. Khi đó, Chúa Thánh Thần sẽ đưa thần tính của Thiên Chúa, sự sống kỳ diệu, tình yêu vô tận và quyền năng vô biên của Chúa vào trong con người tầm thường, yếu đuối của ta, ta mới có thể hình thành nên Đức Giêsu trong lòng mình và sinh Người cho thế giới.

Tuy nhiên, nếu Chúa Giêsu chỉ được sinh ra thôi, thì chưa đủ. Con người toàn diện: không phải chỉ được sinh ra mà còn phải được cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ để biết những kiến thức, để làm việc, để sống với mọi người và để tự khẳng định mình, không phải như là con người mà còn là Con Thiên Chúa. Điều này cần đến thánh Giuse. Ngài là gương mẫu để giúp ta trở thành con người toàn diện khi biết gắn bó với Chúa Thánh Thần.

Năm vừa qua, Năm đặc biệt kính Thánh Cả Giuse, ĐGH Phanxicô, đã gửi một bức thư rất hay, tựa đề là “Với tấm lòng người cha” (Patris Corde) để dạy ta nhiều điều về Thánh Giuse, nhân dịp kỷ niệm 150 năm, ĐGH Piô IX đặt ngài làm Bổn mạng của Hội Thánh.

ĐGH đã giới thiệu Thánh Giuse chính là hình ảnh của mỗi người chúng ta, một người chẳng được ai để ý, xuất thân từ ngôi làng Nazareth nhỏ bé, một người thợ mộc bình thường chứ không phải là một vị giáo sư, một người dân thấp cổ bé miệng chứ không phải vua quan tai to mặt lớn nào. Thế nhưng, người đó vẫn âm thầm kín đáo hiện diện hằng ngày, cầu thay nguyện giúp và hướng dẫn ta khi ta gặp khó khăn. Ngài là một người ẩn mình trong bóng tối, nhưng đã đóng một vai trò lớn lao trong lịch sử cứu độ, mà không ai có thể so sánh được, nhờ kết hợp với Chúa Thánh Thần và dành tất cả cho Thiên Chúa như Mẹ Maria[6].

Ngài dành trọn vẹn tình yêu cho Thiên Chúa cũng như cho con người, bởi vì Thánh Thần chính là tình yêu nối kết con người với Thiên Chúa và nối kết con người với muôn loài. Ít nhà thần học nói về mối tương quan giữa Thánh Giuse và Thánh Thần. Nhưng ta có thể suy luận rằng: Thánh Giuse đã suy nghĩ nhiều về Chúa Thánh Thần khi biết việc hình thành nên thai nhi Giêsu trong lòng Đức Maria qua việc ngài tiếp xúc hằng ngày với Mẹ Maria. Nếu bà Elizabeth chỉ một lần tiếp xúc với Mẹ Maria đã “được đầy Thánh Thần”[7] và cất tiếng nói, thì Thánh Giuse phải đầy Thánh Thần hơn biết bao!

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta rất dễ nói những lời nóng nảy, giận hờn, tục tĩu, chửi thề, nói dối, nói xấu, nói những lời gây nghi kỵ, bất hoà, làm tổn thương người khác. Vì thế, trước khi nói, ta hãy dành một hai giây, hít thật dài hơi và nói thầm: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Chúa cho con”. Nhờ thở như thế, ta có nhiều khí oxy trong máu não và ơn Chúa Thánh Thần giúp ta bình tĩnh lại, làm chủ được lời của mình và biến nó thành lời mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ cho người khác.

Khi bắt đầu thở Thần Khí thường xuyên hơn, ta sẽ thấy con người mình biến đổi dần dần thành Lời sống động của Chúa, nhờ đó có thể làm cho người khác được chữa lành, được giải thoát khỏi ma quỷ. Đó là ơn mà Chúa Giêsu ban cho ta khi Người sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ” (Mc 16,15-18), bởi vì mỗi người chúng ta là hiện thân của Ngôi Lời Sự sống cho thế giới hôm nay.

Vì thế, nhờ gắn bó với Chúa Thánh Thần như Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng ta sẽ thấy mình biến đổi để trở thành Lời cứu độ của Thiên Chúa.

4. Tin Mừng sự thật và sự sống

Khi nói được những lời sống động, hữu hiệu và sắc bén như gươm hai lưỡi như thế thì sứ vụ của Hội Thánh và của từng tín hữu mới mang lại những hiệu quả tốt đẹp về việc truyền giáo, mới có sức tác động vào xã hội hiện nay.

Hình như chúng ta chưa thấy rõ được kết quả về mặt truyền giáo của GHVN[8]. Nếu so sánh một vài số thống kê gần đây, chúng ta còn nhận ra sự sút giảm tỉ lệ dân số Công giáo. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam thực hiện ngày 1/4/2009, Công giáo có 5,6 triệu người, chiếm 6,61% trên tổng số dân 85,8 triệu người. Trong kết quả của Tổng Điều tra ngày 1/4/2019, Công giáo chỉ có 5,9 triệu người, chiếm 6,1% trong tổng số dân 96,2 triệu. Như thế là sau 10 năm, số người Công giáo không tăng theo sự phát triển tự nhiên. Điều này chứng tỏ việc truyền giáo ở Việt Nam chưa hiệu quả[9] trong thời kỳ từ 1885 đến nay. Lúc đó người Công giáo chiếm tới 8% dân số sau khi cả 100.000 người bị giết hại từ năm 1848-1885.

GHCG toàn cầu đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) thế giới vào tháng 10/2012 tại Rôma với đề tài “Tân Phúc Âm Hoá để thông truyền đức tin” và nhắc nhở tín hữu rằng: tình trạng xã hội, văn hoá của thế giới đã thay đổi sâu xa nhưng người Công giáo chưa thay đổi cách thức truyền đạo, nên không đạt kết quả. THĐGM phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và chúng ta gặp thấy các nguyên nhân ấy ở GHCGVN. Giáo Hội cũng đề ra giải pháp Tân Phúc Âm hoá, nghĩa là mỗi tín hữu phải trở thành Lời Sống động là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trở thành hiện thân của Đức Giêsu Kitô, thì mới mong đạt được kết quả như thời các Thánh Tông đồ xưa[10].

Trở thành hiện thân của Đức Giêsu Kitô là người tín hữu phải gặp được và kết hợp mật thiết với Đức Kitô để Người chuyển thông cho họ tình yêu quảng đại, sự thật toàn diện, sự sống dồi dào, cái đẹp trọn vẹn, quyền năng vô biên và ân huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần, rồi từ đó họ mới có thể chia sẻ cho người khác. Xã hội Việt Nam đang rất cần những giá trị đó để có thể đứng vững và phát triển, nhưng hình như tín hữu Công giáo VN chưa quan tâm đến việc hội nhập văn hoá này.

Đời sống tín hữu, giống như thời kỳ mở đầu, sẽ tràn đầy những hành động tích cực, niềm vui, hạnh phúc, bình an và cả sự sung túc vật chất nhờ tình yêu trong sáng, quảng đại dành cho Chúa và cho mọi người, mọi vật trong thế giới. Hàng hoá, nông sản, thuỷ hải sản của người Công giáo làm ra hay bán ra là phải an toàn, tốt đẹp, bổ dưỡng, khiến ai cũng muốn giao hảo với người Công giáo, như tổ tiên ta đã làm được trước đây. Chúng ta phải hành động như anh chị em Công giáo Hàn Quốc đang thực hiện được ở đất nước của họ, khiến tỉ lệ người Công giáo trong vòng 65 năm (1949-2015) tăng từ 1% lên đến 10,5% [11] và người Kitô giáo lên tới 31%.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI xác định: “Làm một Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, mà người này mang đến cho cuộc sống của ta một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát[12]. Con người đó là Chúa Giêsu.

Lời kết

Tuần tĩnh tâm này chỉ mới giới thiệu với anh chị em một vài điểm khi chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu và anh chị em mình trên con đường sự thật và sự sống. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp để khai thác đề tài của HĐGMVN trong năm 2022. Cầu chúc anh chị em luôn an mạnh, dồi dào ơn Chúa Thánh Thần để có thể đưa Chúa Giêsu vào thế giới và giới thiệu Người cho mọi người chúng ta gặp gỡ trong xã hội hôm nay.

  1. x. Dt 1,1-2.
  2. x. Ga 1,14.
  3. x. Bản Đề cương Thượng Hội đồng Giám mục 2012: Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin, số 11.
  4. x. Mc 16,15-20.
  5. x. Mt 1, 35.
  6. x. Tông Thư ĐGH Phanxicô “ Với tấm lòng người cha”, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 312, tr.48-73.
  7. x. Mt 1,41.
  8. x. GHCGVN Niên Giám 2016, Chương 21, GHVN trong tình hiệp thông.
  9. x. Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số, Kết quả toàn bộ, NXB Thống Kê, Hà Nội, 2010, tr.281; Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Bài Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra Dân số 2019, ngày 19/12/2019.
  10. x. GHCGVN Niên Giám 2016, Chương 13, Công cuộc Tân PAH ở Việt Nam.
  11. x. Our Sunday Visitor’s, Catholic Almanac 2015, tr.316; Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.280.
  12. x. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình yêu), ngày 25/12/2005, số 1.