Vắc xin chống Omicron, hiểu sao về công bố của các hãng dược?
Vắc xin chống Omicron, hiểu sao về công bố của các hãng dược?
Tuần trước, Pfizer-BioNTech công bố báo cáo nói 2 mũi vắc xin mRNA sinh ra lượng kháng thể trung hoà thấp trước Omicron, có nghĩa biến thể này sẽ dễ lây hơn.
Họ khẳng định tiêm mũi 3 sẽ cung cấp bảo vệ (trước Omicron) tương đương với các biến thể trước.
Nhưng có một thông tin khác ít gây chú ý hơn: 2 mũi vắc xin vẫn bảo vệ tốt trước bệnh nặng, có nghĩa nếu một làn sóng Omicron xuất hiện ở các nước có tỉ lệ tiêm ngừa cao, nhiều khả năng hệ thống y tế sẽ không bị quá tải, theo Đài CBC của Canada.
Tranh cãi tiêm mũi 3 đối phó Omicron
Liên doanh dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) công bố dữ liệu thí nghiệm khẳng định tiêm đủ 3 liều vắc xin COVID-19 do họ sản xuất “vô hiệu hóa Omicron một cách hiệu quả”. Tin này càng châm thêm dầu vào cuộc đua mở rộng tiêm liều thứ 3 của các nước giàu.
Tuy nhiên, trên thực tế liều vắc xin tăng cường hiện nay chủ yếu để đối phó với chủng Delta vốn có độc lực cao và đang hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu.
“Mọi người chú ý nhiều đến số ca nhiễm và khả năng ngăn chặn nhiễm bệnh của vắc xin, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là ngăn triệu chứng nặng. Khi bạn nghe ‘kháng thể trung hòa giảm 40 lần’, điều đó không có nghĩa vắc xin giảm hiệu quả 40 lần – tôi sẽ bị sốc nếu nó mang ý nghĩa đó” – bác sĩ Amesh Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Johns Hopkins, giải thích thêm về báo cáo của Pfizer.
Kháng thể trung hòa là những kháng thể vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong các phản ứng miễn dịch.
Từ Tây Ban Nha, chuyên gia Federico Martinón – cố vấn vắc xin cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – giải thích rằng thông thường lượng kháng thể trung hòa là chỉ dấu tốt dự báo khả năng lây của virus, nhưng đây không phải là toàn bộ phản ứng miễn dịch của cơ thể kháng lại bệnh.
“Miễn dịch sinh ra do vắc xin và nhiễm bệnh tự nhiên sâu hơn nhiều chỉ số kháng thể. Miễn dịch tế bào là một hàng rào khác giúp chống lại bệnh nặng nếu COVID xâm nhập các cơ quan. Đây là lý do tại sao hai làn sóng COVID gần đây ở Tây Ban Nha có số ca nhập viện và tử vong giảm mạnh dù ca nhiễm cao” – ông giải thích.
Theo Đài CBC Canada, dữ liệu mới từ Canada và các nước củng cố thêm khả năng lây truyền nhanh và tránh né một phần miễn dịch vắc xin của Omicron, nhưng quan sát ban đầu cho thấy 2 liều vắc xin vẫn bảo vệ tốt trước nguy cơ nhập viện và tử vong.
Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y khoa của tổng thống Mỹ, có nhận định tương tự trên trang tin y tế STAT: “Tôi không chắc chúng ta sẽ cần tiêm thêm một mũi vắc xin chuyên trị Omicron. Bởi vì nếu nhìn vào khả năng bảo vệ trước biến chủng, nó liên quan đến mức độ và độ rộng của khả năng miễn dịch mà bất cứ loại vắc xin nào có thể mang lại”.
Lây mạnh ở Âu – Mỹ nhưng chưa lo ngại
Theo báo Washington Post, các quan chức y tế và nhà khoa học châu Âu dự báo biến thể Omicron sẽ sớm chiếm ưu thế ở châu Âu (so với Delta). Một số nước như Đan Mạch, Scotland và Anh ghi nhận Omicron đang lây với tốc độ nhanh.
“Chúng tôi dự báo nó sẽ thay thế Delta trong vài ngày tới, chứ không phải vài tuần” – bà Nicola Sturgeon, bộ trưởng thứ nhất Scotland, cho hay.
Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh thì dự báo Omicron sẽ chiếm ưu thế vào giữa tháng 12, riêng Đan Mạch dự báo vào “cuối tuần này”. Những diễn biến tiếp theo ở các quốc gia này có thể cung cấp manh mối cho phần còn lại của thế giới về những gì xảy ra khi Omicron thay thế Delta (nếu có).
Theo Đài Sky News, ngày11-12 Cơ n An ninh y tế Vương quốc Anh báo cáo ghi nhận thêm 633 ca COVID-19 nhiễm Omicron, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ khi lần đầu phát hiện, nâng tổng số ca lên 1.898. Đáng chú ý là chưa có ca nào phải nhập viện hoặc tử vong, có nghĩa hệ thống y tế chưa phải chịu áp lực từ nhóm người nhiễm Omicron.
Ở Mỹ, tình hình cũng gần như tương tự. Theo báo cáo ngày 10-12 của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), trong số 43 ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở 22 tiểu bang của Mỹ đầu tháng 12, chỉ duy nhất một người cần nhập viện trong 2 ngày, chưa có báo cáo tử vong liên quan biến thể này.
CDC cũng thận trọng cho rằng một số trường hợp mắc bệnh có thể cần vài ngày hoặc vài tuần trước khi triệu chứng nặng xuất hiện, nhưng cơ bản ở người đã tiêm vắc xin hoặc đã từng nhiễm bệnh nhiều khả năng triệu chứng sẽ nhẹ.
Cũng trong ngày 10-12, Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) công bố mô hình dữ liệu mới dự báo dịch sẽ tăng cấp trong những tuần lễ hội cuối năm, nhưng chủ yếu vẫn là do Delta gây ra. Tỉnh bang Ontario xác nhận Omicron hiện chiếm 10% tổng số ca nhiễm, có thể sớm chiếm ưu thế nhưng chưa rõ tác động ra sao.
Các triệu chứng thường gặp của Omicron
Báo cáo của CDC Mỹ liệt kê các triệu chứng thường gặp nhất ở người nhiễm Omicron là ho, mệt mỏi, nghẹt mũi và chảy nước mũi.
Những triệu chứng này trùng khớp với các báo cáo sớm từ Nam Phi – nơi Omicron đang chiếm đến 75% số ca COVID và phần lớn dân số (75%) chưa tiêm ngừa đầy đủ.
“Mức độ bệnh trông không quá nghiêm trọng, đây là tin tốt. Có điều nhóm dân số nhiễm bệnh hiện tại chủ yếu là trẻ, vốn có nhiều cơ may bệnh nhẹ. Mối quan ngại lớn nhất thật ra là nhóm dân số chưa tiêm ngừa” – ông Bill Hanage, nhà dịch tễ học thuộc ĐH Harvard, nhận xét về biến thể Omicron.