22/01/2025

Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 Tại Giáo xứ Thái Bình, hạt Xóm Mới, TGP Sài Gòn – Ngày II: Cùng tham gia vào việc sửa đường

Kkhi hoà hợp với Đức Giêsu Kitô, tất cả tín hữu chúng ta làm thành một thân thể nhiệm mầu để cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và sự sống phi thường của Thiên Chúa, cũng như làm thành một con đường Giáo Hội duy nhất để đồng hành với Chúa Giêsu. Nhưng con đường đó còn có những chỗ cong queo, khúc khuỷu, gập ghềnh cần được sửa chữa. Vậy chúng ta phải làm gì?

Bài tĩnh tâm thứ 2, ngày 14/12/2021

Cùng tham gia vào việc sửa đường

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm qua chúng ta đã biết mỗi người là một con đường dài vô tận mở ra muôn hướng khác nhau. Nhưng khi kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta hoà nhập thành một con đường duy nhất, để cùng đi với nhau tiến về nhà Cha Trên Trời.

Hôm nay chúng ta còn biết thêm rằng: khi hoà hợp với Đức Giêsu Kitô, tất cả tín hữu chúng ta làm thành một thân thể nhiệm mầu để cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và sự sống phi thường của Thiên Chúa, cũng như làm thành một con đường Giáo Hội duy nhất để đồng hành với Chúa Giêsu. Nhưng con đường đó còn có những chỗ cong queo, khúc khuỷu, gập ghềnh cần được sửa chữa. Vậy chúng ta phải làm gì? Đó là câu hỏi của dân chúng đặt ra cho ông Gioan (x. Lc 3,10) và cũng là câu hỏi của ta hôm nay. Câu trả lời đơn giản, đó là chúng ta hãy cùng tham gia vào việc sửa lại đường đời của mình và con đường Giáo Hội.

1. Đường đời của tín hữu và con đường của Giáo Hội

Mỗi tín hữu là một phần tử của Giáo Hội, là chi thể trong thân thể của Đức Giêsu Kitô, có chung sự sống của Chúa Giêsu, nên cũng thở cùng một Thần Khí với Người. Chúa Thánh Thần chính là khí thiêng của Trời, được ban cho ta thở và biến đổi ta thành con cái Thiên Chúa như Chúa Giêsu (x. Gl 4,6). Chúa Thánh Thần còn đi xa hơn để quy tụ tất cả những người tin vào Đức Giêsu trở thành một thân thể duy nhất, nhiệm mầu. Dù là Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, giàu hay nghèo, nam hay nữ, học thức hay ít học… tất cả chúng ta trở thành một thân thể trong Đức Giêsu Phục Sinh (x. 1Cr 12,3-13; Ga 3,28). Người đã quy tụ chúng ta khi thổi thần khí của Người trên chúng ta: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20,22-23).

Thánh Thần ấy sẽ làm cho chúng ta nên thánh như Thiên Chúa là Đấng thánh. Thánh Thần ấy sẽ biến đổi chúng ta thành thần linh như Thiên Chúa là thần linh, để chúng ta có khả năng vô biên, vô tận như Chúa Giêsu. Quyền tha tội là quyền của riêng Thiên Chúa, thế mà chúng ta có khả năng ấy. Chúng ta có thể làm được những phép lạ, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, giúp mọi người cảm nghiệm được ơn cứu độ, bình an, hạnh phúc.

Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ thực hiện được công trình quy tụ và hợp nhất này nếu mỗi Kitô hữu chúng ta gặp được Đức Giêsu Phục Sinh và đón nhận được làn khí kỳ diệu của Người thổi trên chúng ta. Chỉ thần khí ấy mới có thể biến đổi dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu, như khí oxy ta hít vào buồng phổi để chuyển hoá dòng máu đen tự nhiên của mình. Vậy ta đã thở hít thần khí hợp nhất ấy như thế nào?

Có thở hít được linh khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, trở thành chi thể sống động của Người. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. 2Cr 12,37.12.13). Có thở được Thần Khí ấy ta mới phát huy sự sống kỳ diệu, tràn đầy sự thật, niềm vui, bình an của Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô. Đó là “sứ mệnh phối hợp của Chúa Con và Chúa Chúa Thánh Thần” (x.GLHTCG, số 689-690, 727), đồng thời cũng là sứ mệnh của Hội Thánh “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” mà chúng ta sẽ bàn đến vào ngày mai (x. GLHTCG, số 730).

2. Tình trạng con đường của Giáo Hội

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường quan tâm đến ăn, ít chú ý đến uống và hầu như chẳng để ý đến thở. Chúng ta biết rằng mỗi ngày ta chỉ cần 1,5 ký lương thực, 3-4 lít nước và hơn 10.000 lít không khí. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Trong kinh nghiệm tiếp xúc với hơn 10.000 bệnh nhân trong 20 năm qua, tôi thấy 95% thở không đủ khi đo hơi thở cho họ. Ít các bác sĩ quan tâm đến lượng khí thở của bệnh nhân và quên rằng thiếu khí trong máu và thiếu máu trong não là 2 nguyên nhân hàng đầu của đa số các bệnh tật trong con người.

Nhưng hầu như người ta chẳng biết rằng tinh thần cũng cần phải thở một loại khí thiêng thì mới có thể phát huy những nguồn lực và mọi khả năng của tinh thần. Nhiều người mắc các bệnh tinh thần như buồn chán, trầm cảm, hoang tưởng, học hành kém cỏi, tâm địa gian ác cũng là do họ thở không đủ khí thiêng. Nếu hiểu được tầm quan trọng của khí trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên như thế, người ta mới sống khoẻ mạnh, xinh đẹp, thông minh, tài giỏi vì thở dồi dào được khí sạch của trái đất và trở thành kỳ diệu, phi thường, siêu việt vì thở được khí thiêng của Trời cao.

.Chúng ta phải thú nhận rằng: nhiều tín hữu Công giáo chưa ý thức được tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần và chưa thở được thần khí. Trong một vài thế kỷ đầu, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ và môn đệ khiến họ hăng say rao giảng Tin Mừng và phát huy các ân sủng kỳ diệu của Ngài. Nhưng sau đó, Giáo hội Công giáo rơi vào tình trạng quên lãng sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần và đánh mất bí quyết thở thần khí do các tông đồ truyền lại. Họ rất thụ động trong việc thở khí thiêng. Thần khí mà họ nhận được khi chịu bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức chỉ lưu lại rất ít, giúp họ sống yếu ớt thoi thóp, chứ không phải dồi dào sung mãn với đủ loại ơn đoàn sủng, hiện sủng, đặc sủng của Thánh Thần như các ơn nói tiên tri, phục vụ, chữa bệnh, trừ tà, thông thạo các ngôn ngữ, khoa học…

Các tín hữu dần dần xa rời Đức Kitô nên cũng xa rời những con người cụ thể sống quanh họ, mà tập trung vào các hình thức nghi lễ phụng tự bên ngoài. Giáo Hội tập trung nguồn lực vào việc tổ chức và điều hành các giáo phận, giáo xứ, xây dựng những thánh đường nguy nga, những cơ sở tôn giáo bề thế, những phong trào, hội đoàn đủ loại, nhưng ít quan tâm đến những người nghèo đói, rách rưới, tật bệnh, bị gạt ra ngoài lề xã hội quanh mình. Người tín hữu dồn tất cả cho vinh quang Thiên Chúa nhưng lại bỏ quên con người, nhất là các người trẻ. Vì thế, nhiều người hiện nay bỏ tôn giáo vì muốn đòi lại những gì của con người mà các thần linh đã cướp mất.

Người trẻ xa rời tôn giáo vì nhiều lý do, nhất là họ thấy tôn giáo không có ý nghĩa gì với đời sống thực dụng của mình. Những lời kinh, nghi lễ chẳng đem lại một lợi ích thiết thực nào, trái lại còn gây khó chịu, phiền toái. Nếu dành số thời gian đọc kinh, dự lễ đó để học hành, làm việc, giải trí,… họ đã thu nhận được một chút gì. Những bài giảng không dọn cẩn thận của các linh mục, thiếu những lý chứng khoa học, hoặc thái độ vô cảm, chuộng hình thức của các giáo sĩ, tu sĩ cũng khiến cho giới trẻ xa lánh các lễ nghi tôn giáo. Những tai tiếng về tình dục, tài chính, những thái độ tự cao cho mình là hiểu mọi vấn đề, những cách đối xử thiếu tôn trọng với người cao tuổi, người nghèo khổ của những người đại diện cho tôn giáo càng làm cho người trẻ xa tránh tôn giáo (x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Đức Kitô hằng sống (Christus Vivit), số 40).

Sau bao thế kỷ chìm đắm trong những huyền thoại của các dân tộc và tôn giáo, con người đặt niềm tin vào khoa học. Những thành tựu của khoa học và công nghệ đã thay đổi nhận thức của con người về vạn vật, về chính mình và về cả Thiên Chúa. Nhiều người trẻ tin rằng khoa học có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn của con người. Nhiều người trẻ bị lầm lạc bởi các giả thuyết khoa học như thuyết Big Bang và thuyết tiến hoá của Darwin vì cho rằng vũ trụ vạn vật và con người do ngẫu nhiên mà có chứ không phải là do Chúa tạo dựng. Họ sống buông thả cho tham vọng và dục vọng theo thuyết hiện sinh vô thần vì cho đời sống hiện tại là phi lý và cố gắng đến mấy thì cũng phải chết.

Tuy nhiên, Giáo Hội lại không có những linh mục, tu sĩ đủ tài đức để giải đáp cho họ những thắc mắc, những tín hữu đủ hiểu biết để giới thiệu những giá trị cao đẹp của nền văn hoá Công giáo như tình yêu, sự thật, sự sống, tự do, công bằng, và những chứng nhân anh dũng để sống những giá trị đó như cha ông chúng ta thời các Thánh Tử vì đạo trước đây.

Đấy là vài nét phác hoạ về con đường của Hội Thánh.

3. Còn đường đời của ta như thế nào?

Con người chúng ta, ai cũng muốn đường đời của mình bằng phẳng, ổn định. Ai cũng muốn vui vẻ, mạnh khoẻ, bình an, thành công, hạnh phúc. Người tín hữu nào cũng muốn Hội Thánh được bình an, phát triển. Nhưng hoàn cảnh xã hội biến chuyển, lòng người thay đổi khôn lường khiến đường đời trở nên khúc khuỷ, gập ghềnh, nhiều khi làm ta quỵ ngã. Nhưng đó lại là những cơ hội để ta rèn luyện ý chí và tài năng, cho ta cùng hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu độ thế giới.

Trong thực tế, có người sức khoẻ yếu kém, học hành dang dở, gia đình bất hạnh, thất bại trong cuộc đời, không phải do ngoại cảnh, nhưng vì chính họ không chịu thay đổi, sửa chữa đường đời của mình. Nhiều em học sinh muốn thành công, học giỏi như bạn bè nhưng lại không biết cách tổ chức giờ học, ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ, tối về lén chơi game online hay xem phim ảnh đồi truỵ, ma quái tới khuya, thì làm sao đủ sức học hành!

Có những người trẻ, ngoài việc học ở trường, suốt ngày ôm chiếc điện thoại hay máy tính, theo dõi tin tức về các cầu thủ bóng đá, ca sĩ, nghệ sĩ mình ưa thích xem họ đang đi đâu, làm gì, mặc bộ quần áo nào… Các bạn đó phung phí biết bao thời giờ và tài năng Chúa ban vào những chuyện nhảm nhí, vui chơi, mà không biết sử dụng để thu nhận kiến thức hữu ích và làm những công việc thật sự mang lại hạnh phúc cho mình cũng như cho người khác.

Có những bậc phụ huynh mong muốn gia đình mình hạnh phúc, con cái biết thương yêu nhau, hy sinh cho nhau, nhưng lại không dạy dỗ con cái bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Đi làm về là nhiều người chúi mũi vào quân bài hay những trận bóng đá, những phim ảnh trên truyền hình, bỏ mặc người thân hầu hạ cơm nước, giặt giũ. Không ít gia đình buôn bán thì lại bày những hàng giả, hàng độc hại rồi dạy cả con cái cách gian dối với người mua. Không thiếu các tín hữu giàu có nhưng không dạy con cái mưu cầu hạnh phúc bằng cách giúp đỡ những người túng thiếu, bất hạnh quanh mình, mà lại còn dối lòng xua đuổi họ, nói rằng trong cơn dịch bệnh mình cũng khốn khổ như mọi người.

Vì thế, khi người Do Thái hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”. Ông Gioan trả lời cho họ rằng: “Ai có hai áo thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy. Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định. Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người. Hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3,10-14).

Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu đường đời của mình hoà nhập thành một với con đường sự thật và sự sống là chính Chúa Giêsu, thì việc sửa chữa đường đời không chỉ là việc tuân giữ các điều răn. Việc sửa chữa này liên quan đến con đường của Giáo Hội vì làm cho người khác đạo thấy Giáo Hội thật sự tốt đẹp mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Vì thế, việc sửa đường phải là một cuộc tham gia của mọi thành phần dân Chúa vào con đường Hội Thánh, để tất cả cùng đi chung với nhau. Do đó, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI mời gọi chúng ta tham gia vào công trình này. Và đó cũng là lời mời gọi của Đức Giêsu: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21; x. Mc 10,17-22; Lc 18,18-23). Đấy là con đường mà cả Giáo Hội cùng đi theo Chúa Giêsu.

4. Tham gia vào Hội Thánh hiệp hành

Tham gia là góp phần của mình vào một hoạt động, một tổ chức nào đó như tham gia cách mạng, tham gia hội nghị. Ở đây là chúng ta tham gia vào công cuộc xây dựng Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô, làm sao cho Hội Thánh đó toát lên niềm vui, bình an, tốt đẹp, hạnh phúc như lời thánh Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giêsu Kitô” (x. Pl 4,4-7).

Chúng ta không vui, có phải là vì chúng ta đang lo lắng, sợ hãi trong cơn đại dịch Covid-19 này, khiến chúng ta đóng kín cửa nhà, không muốn đón tiếp một ai, không dám làm một việc gì cho xứng đáng với tình yêu và quyền năng của Chúa? Chúng ta không vui có phải vì chúng ta đóng kín cửa lòng không muốn giúp đỡ một ai, không muốn chia sẻ vật gì cho người khác, nhất là cho những người nghèo khổ, tật bệnh quanh ta?

Vì thế, thánh tông đồ mới khuyên ta: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin, tạ ơn mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà, rộng rãi. Chúa đã gần đến rồi”.

Quả thật, khi chúng ta hiểu đường đời của mình và đường đời Hội Thánh hoà nhập thành một với con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu, thì tất cả chúng ta phải tham gia vào việc sửa đường và tham gia vào sinh hoạt của Hội Thánh mỗi ngày.

Mỗi ngày, từng cá nhân chúng ta có thể có những hành động tham lam, ích kỷ, chiều theo những tham vọng, dục vọng làm cho đường đời của mình bị hư hỏng, cong queo, chúng ta phải cùng giúp nhau sửa lại. Mỗi ngày, gia đình cũng như các cộng đồng trong hội đoàn, giáo xứ, giáo phận có thể có những hành động sai lầm, gây nên gương mù, gương xấu làm tổn thương Hội Thánh, làm xấu đi gương mặt thánh thiện của Chúa Giêsu. Chúng ta phải cùng giúp nhau sửa đổi vì chúng ta cùng liên đới trách nhiệm và đồng hành trên một con đường. Vì thế, việc tham gia này không phải chỉ kéo dài trong vài ngày, vài tháng, nhưng kéo dài trong suốt cuộc đời.

Rồi nhờ soi chiếu vào con đường sự thật của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy những chỗ hư hỏng của đời mình và đời người để giúp nhau sửa đổi. Và nhờ những ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho, chúng ta sẽ làm cho con đường của Chúa trong đời mình và Hội Thánh trở thành bằng phẳng, tốt đẹp, đón mừng Chúa đến trong mùa Giáng Sinh này như Gioan Tẩy Giả loan báo: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16).

Lời kết

Xin Chúa chúc lành cho các hoạt động tham gia của chúng ta vào việc sửa lại đường đời để phát triển và thăng tiến Hội Thánh ở giáo xứ và tổng giáo phận này. Amen.

HKK