22/01/2025

Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 Tại Giáo xứ Thái Bình, hạt Xóm Mới, TGP Sài Gòn – Chủ đề: Cùng đi trên con đường Giêsu

Chúng ta bắt đầu tuần tĩnh tâm Mùa Vọng theo chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) lần thứ XVI cũng là chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ.

Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021
Tại Giáo xứ Thái Bình, hạt Xóm Mới, TGP Sài Gòn
Từ ngày 13/12 đến 15/12/2021
Do Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn hướng dẫn

 

Chủ đề: Cùng đi trên con đường Giêsu

Bài 1:Hiệp thông trong cuộc lữ hành trần thế

Bài 2: Cùng tham gia vào việc sửa đường

Bài 3: Cùng loan báo Tin Mừng sự thật và sự sống

Ngày 13/12/2021: giới thiệu chủ đề và suy niệm đề tài “Hiệp thông trong cuộc lữ hành trần thế”

1. Giới thiệu đề tài:

Chúng ta bắt đầu tuần tĩnh tâm Mùa Vọng theo chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) lần thứ XVI cũng là chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ.

Vì thế, trong ít phút này, chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về chủ đề để có thể định hướng hoạt động của chúng ta trong niềm tin yêu và hy vọng trọn vẹn vào Chúa.

Ngày 28/1/2021 vừa qua, toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam long trọng làm lễ khai mạc THĐGM XVI ở cấp giáo phận và kéo dài đến tháng 8/2022, sau đó là 7 cấp châu lục và năm 2023 ở cấp toàn thế giới.

Từ Thượng Hội đồng theo tiếng Latinh: Synodus, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp gồm 2 từ: Syn (nghĩa là cùng nhau) – odos (nghĩa là con đường): Cùng đi với nhau trên con đường. ĐTC Phanxicô mời gọi mọi tín hữu cùng tham dự THĐGM lần này, khác với tất cả các THĐGM trước đây là chỉ có các giám mục đại diện tham dự, vì ngài mong muốn từng tín hữu cùng đi chung với nhau trên con đường của Chúa Giêsu Kitô.

Ngày 21/11/2021, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng của TGP TPHCM chúng ta đã gửi Thư Mục vụ Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh 2021 và ngài gợi ý rằng: “Trong thời gian sắp tới, sẽ có những buổi gặp gỡ để tất cả và từng thành phần dân Chúa thực hiện cuộc hiệp hành, nghĩa là cùng nhau cầu nguyện, trao đổi, lắng nghe và phân định dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhằm trả lời cho câu hỏi thiết yếu này: Chúng ta phải làm gì để xây dựng một Hội Thánh hiệp hành, nhờ đó Hội Thánh có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả trong hoàn cảnh hôm nay?”. Ngài mong ước tất cả các linh mục, tu sĩ, giáo xứ, dòng tu, các ban mục vụ, các đoàn thể, các giới và mọi thành phần khác tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho chủ đề THĐGM này.

2. Vạn nẻo đường đời

Thật vậy khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và ban cho họ tinh thần, là Ngài đã chia sẻ cho con người tình yêu, sự sống, hạnh phúc, chân thiện mỹ và mọi ân huệ cao quý. Ngài muốn con người sống mãi mãi với Ngài và với nhau vì tinh thần vượt lên trên mọi giới hạn của vật chất và không bị lệ thuộc vào không gian thời gian, nên đường đời của mọi người là vô tận, vô biên dù họ tin hay không tin Thiên Chúa. Như thế con đường của Chúa là một con đường thẳng tắp, bằng phẳng, để mọi người đều bước đi an toàn và hạnh phúc với muôn ơn lành Chúa ban.

Vì thế, mỗi người chúng ta là một con đường kéo dài vô tận và mở ra tới vô biên vì chúng ta đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và sau cuộc lữ hành trần thế, tất cả đều trở về với Ngài. Như vậy cuộc đời trần thế này chỉ là một đoạn đường rất ngắn so với cả con đường dài vô tận mà Chúa đã ban, khi cho ta làm người.

6 chìa khóa để tìm sự bình yên trong tâm hồn | ELLE Man

Nhiều người không hiểu được điều đó. Họ nghĩ rằng mình chỉ có thân xác vật chất do cha mẹ, ông bà, tổ tiên sinh ra, nên chỉ biết ơn những người ấy nếu đường đời của họ bằng phẳng, an bình. Còn nếu đường đời của họ đầy biến động, gian nan, nghèo khó, họ oán trách cha mẹ đã sinh thành ra mình, họ thù hận tổ tiên đã gây khổ nhục cho mình.

Thật ra ông bà cha mẹ chỉ là những phương tiện Chúa dùng để đưa mỗi người chúng ta vào con đường của Chúa, vì họ không thể ban cho ta sự sống, tình yêu, hạnh phúc, tự do và muôn ân huệ tinh thần là những giá trị tồn tại mãi mãi. Cho đến hôm nay, dù với bao nhiêu máy móc tinh vi hiện đại, các nhà khoa học vẫn không thể xác định được tình yêu, sự sống, tư tưởng, hạnh phúc ở đâu trong thân xác con người. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng không phải là những người ban cho ta những giá trị đó. Vậy nếu chúng là các ân huệ của Chúa thì chúng ta phải biết tạ ơn Ngài và sử dụng chúng theo ý hướng cao đẹp của Ngài chứ không phải theo tính ích kỷ, thấp hèn của ta.

Tuy nhiên khi ban cho con người tinh thần tự do, Ngài để cho con người tự quyết định đi hay không đi trên con đường của Chúa, yêu hay không yêu theo tiếng lương tâm ngay chính của mình. Con người, qua tội nguyên tổ Adam – Eva, cũng như qua tội lỗi của mỗi người, đã lạm dụng tự do của mình. Họ chiều theo những tham vọng và dục vọng, chạy theo những cám dỗ của quỷ dữ, tà ma, mà làm cho đường đời của họ, nhất là đoạn đường ở trần thế, trở nên cong queo, khúc khuỷu, gập ghềnh.

Nhiều người thay vì đi trên đường ngay, nẻo chính lại thích tìm đường gian, nẻo tà khiến gây khổ cho chính mình và làm hại người khác. Nhiều người lại thích rẽ phải, rẽ trái, thậm chí không còn muốn bước đi, để tìm một quán nhậu, 1 phòng trọ, 1 khu giải trí vui chơi theo sở thích riêng tư, để rồi thấy mình bế tắc trong cuộc đời như đi vào ngõ cụt hay thân tàn ma dại do những nghiện ngập thấp hèn. Vì thế không ít người cho đời là bể khổ và đường đời của họ chẳng đáng quan tâm.

Hôm nay Chúa đang mời gọi ta nhìn lại đường đời của mình dưới ánh sáng tình yêu của Chúa Giêsu là mặt trời công chính và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để xem tình trạng nó thế nào và sửa chữa nó ra sao theo vị kỹ sư tài ba là Chúa Giêsu. Người vừa là Thiên Chúa quyền năng có thể sửa đổi mọi sự, vừa chính là con đường dẫn tới sự thật toàn diện và sự sống diệu kỳ để ta dõi bước theo Người như Người xác định với chúng ta: “Chính Thấy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

3. Con đường Giêsu

Khi con người cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sống vĩnh hằng, là tình yêu vô tận, là hạnh phúc vô cùng, là chân thiện mỹ vô biên, giống như vòi nước không còn nối được vào nguồn nước, thì con người đương nhiên không thể sống mãi, tốt đẹp mãi mãi. Con người cảm nhận được nỗi bất hạnh và sinh-lão-bệnh-tử là thân phận đương nhiên của mình.

Tuy nhiên, vì bản chất Thiên Chúa là tình yêu và tốt lành vô cùng, Ngài yêu thương mọi loài Ngài tạo dựng, nên ngay sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Con Một là Ngôi Lời Thiên Chúa để cứu độ muôn loài. Đấng đó là đã tự nguyện trở thành con người, mang lấy thể xác vật chất như mọi người, sinh vào một không gian và thời gian xác định, để trở thành Đức Giêsu Kitô, người Nazareth. Người đã sống, đã làm việc, đã rao giảng Tin Mừng, đã chữa lành bệnh nhân, đã làm cho kẻ chết hồi sinh, đã tình nguyện chịu chết trên cây thập giá và đã sống lại để làm thành một con đường cụ thể nối từ trời xuống đất và đưa mọi loài từ đất lên trời. Như thế Đức Giêsu Kitô chính là con đường cụ thể của Thiên Chúa để nhờ Người ta có thể đến được với Thiên Chúa và hiệp thông với Thiên Chúa.

2018_11_22_jux8z40o458

Từ nay, việc theo đạo, tin đạo, giữ đạo, sống đạo không còn phải là việc cử hành những nghi lễ phụng tự, đọc những lời kinh hay tuân giữ các khoản luật lệ do Giáo Hội đặt ra như các tôn giáo khác, nhưng là đi theo Đức Giêsu vì Người chính là đạo, là con đường, đồng thời phải yêu thương như Đức Giêsu và gắn bó mật thiết với Đức Giêsu để Người chuyển thông cho ta sự sống kỳ diệu vĩnh hằng của Thiên Chúa. “Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (x. 1Ga 2,6).

4. Hiệp thông trong cuộc lữ hành trần thế

Lời mời gọi sửa lại đường đời được gửi đến từng người chúng ta trong tuần tĩnh tâm để giúp ta tìm lại niềm vui, hạnh phúc, sự sống, tình yêu, mà có thể chúng ta đã đánh mất khi đi vào ngõ cụt của các hệ tư tưởng sai lầm hoặc chiều theo những tham vọng, dục vọng cá nhân. Sửa lại đường đời là chúng ta sẽ tìm lại được sự hiệp thông với Chúa và với nhau.

Hiệp thông với Chúa chính là ta được nối kết lại với Ngài là nguồn của tình yêu và sự sống, của hạnh phúc và niềm vui, của chân thiện mỹ và mọi ân huệ để phát huy trong cuộc lữ hành trần thế đầy cam go và thử thách này. Đoạn đường đời này khó đi vì chúng ta được mời gọi cùng bước theo Chúa Giêsu để cứu độ mình và cứu độ thế giới. Hiệp thông với nhau vì khi ta nối kết được với Chúa rồi, ta mới có đủ những nguồn lực và ân huệ mà chia sẻ cho mọi người, nhất là cho những anh chị em khốn khổ, nghèo đói, bệnh tật quanh ta để dìu họ bước đi trong những đoạn đường khó khăn thử thách.

Đây cũng chính là mục tiêu của năm 2022 khi Giáo Hội giới thiệu chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI: “Hội Thánh hiệp hành với 3 đặc tính là Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ”.

Sự hiệp thông là việc các Kitô hữu sống trong tương quan mật thiết với Chúa Kitô và với nhau (1Ga 1,3-7; 1Cr 1,9). Sự hiệp thông này phát xuất và được đặt nền tảng trên sự hiệp thông thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Khi chúng ta biết rằng mình chính là con đường của Chúa và để con đường mình thật sự dẫn đến hạnh phúc vô biên, thì mọi người phải hoà nhập đường đời mình với Chúa Giêsu. Thật vậy chỉ có Đức Giêsu mới thật sự là con đường mà Chúa Cha sai đến để dẫn đưa toàn thể nhân loại và vũ trụ trở về với mình, khi Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện trở thành con người mang lấy thân xác vật chất và linh hồn của con người để dạy ta đi như thế nào trong cuộc đời trần thế. Người đã nói nhiều lần: “Anh em hãy theo tôi”.

HavenLight.jpg

Vì thế, khi hiệp thông với Chúa Giêsu và sống theo lời dạy của Người, ta sẽ sửa được đường đời của mình theo đúng ý của Chúa Cha và sẽ thấy được những chỗ quanh co, gập ghềnh, thiếu sót của đời mình nhờ các ân sủng tác động của Chúa Thánh Thần. Lúc đó, ta mới “được nên tinh tuyền trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (1Pl 1,10) vào đoạn cuối của đường đời.

Lời kết

Trong ngày đầu tiên tìm hiểu sự hiệp thông khi cùng đồng hành trên con đường của Chúa, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, tham dự thánh lễ, đón nhận các bí tích, nhất là cùng góp ý bàn luận để sửa lại những chỗ thiếu sót của nhau trong đời sống cá nhân cũng như gia đình, giáo xứ. Đó là những công việc cần làm để tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục lần thứ XVI tại giáo xứ chúng ta.

HKK