22/01/2025

Virus sẽ còn biến đổi đến khi thế giới được miễn dịch

Virus sẽ còn biến đổi đến khi thế giới được miễn dịch

Omicron có thể chưa phải là biến thể cuối cùng của virus SARS-CoV-2 cho đến khi cả thế giới được miễn dịch, điều chúng ta sẽ còn chờ đợi rất lâu với sự phân bổ vắc xin hiện nay.

 

Virus sẽ còn biến đổi đến khi thế giới được miễn dịch - Ảnh 1.

Người dân đi lại trên đường phố London, Anh, ngày 28-11 sau khi nước này siết các quy định về chống dịch, bao gồm việc đeo khẩu trang – Ảnh: REUTERS

“Né tránh miễn dịch là điều virus làm rất tốt. Nếu vẫn còn nhiều người dân dễ bị tổn thương, chúng ta sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn như trước đây”, Hãng tin Bloomberg dẫn lời giáo sư virus học Ian Mackay, thuộc Đại học Queensland, Úc, nhận định.

Trong khi các nước giàu đang tự mãn với tỉ lệ tiêm ngừa cao, virus đã cho thấy khả năng phá vỡ những hàng rào phòng thủ mà thế giới đã dựng nên để ngăn dịch bệnh. Với Omicron, dù chưa thể xác định được biến thể này có nguy hiểm hơn hay không, các nhà khoa học cho rằng lượng đột biến cao bất thường của biến thể này có thể giúp nó lây nhanh hơn và né tránh được miễn dịch.

Hiện tại, nhóm các nền kinh tế mới nổi đang là nơi xuất hiện nhiều đột biến mới, chẳng hạn biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, biến thể Gamma xuất hiện đầu tiên ở Brazil, trong khi biến thể Beta và Omicron là tại Nam Phi. Chỉ có biến thể Alpha được ghi nhận đầu tiên ở Anh.

Không phải ngẫu nhiên khi mà các nền kinh tế trên đều có tỉ lệ tiêm ngừa thấp. Trong khi những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Hàn Quốc và Canada có thể tự hào rằng 3/4 dân số nước mình đã được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ, vẫn còn tới 110 trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ theo thống kê của Bloomberg có chưa tới 50% dân số đã tiêm đủ liều vắc xin.

Trong số đó, 64 quốc gia thậm chí có tỉ lệ tiêm phòng chưa đạt 25%, bao gồm Nam Phi. Ấn Độ mới chỉ có 31% dân số đã tiêm đủ liều, còn Nga là 37%. Trong số 37 quốc gia với tỉ lệ tiêm đầy đủ chưa đến 10% có tới 32 quốc gia thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.

Hiện tại, mới chỉ có hơn một nửa dân số thế giới đã tiêm 1 liều vắc xin ngừa COVID-19, đồng nghĩa vẫn còn hơn 3,4 tỉ người chưa tiêm. Những người chưa được bảo vệ có thể trở thành “những phòng thí nghiệm” để virus tạo ra các biến thể mới trong quá trình tiến hóa.

G7 họp khẩn về Omicron

Các bộ trưởng y tế nhóm G7 họp khẩn vào ngày 29-11 về biến thể Omicron trong lúc Anh và các nước châu Âu siết các biện pháp chống dịch. “Chúng tôi biết rằng bây giờ chúng tôi phải chạy đua với thời gian”, lãnh đạo Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay vẫn nói rằng chưa có đủ dữ liệu để xác định Omicron có nguy hiểm hơn Delta hay không.

TRẦN PHƯƠNG
TTO