24/12/2024

Trồng rừng dưới… đáy biển

Trồng rừng dưới… đáy biển

Một cánh rừng san hô lung linh được những người trẻ tái tạo từ hoang tàn dưới đáy biển Phú Quốc.

 

Trồng rừng dưới... đáy biển - Ảnh 1.

Nguyễn Thụy Vũ dọn rác ở công viên san hô Phú Quốc – Ảnh: TIẾN TRÌNH

Hè 2019, một nhóm bạn trẻ ra Phú Quốc để gặp Nguyễn Văn Tiến – anh chàng thợ lặn nước sâu đã giải nghệ nhiều năm. Tiến được biết đến như người nắm giữ chìa khóa cánh cửa bước vào thế giới bí mật dưới đáy biển Phú Quốc.

Cuộc hội ngộ của những người yêu biển

Hàng loạt bí mật tọa độ nơi những con tàu cổ chìm dưới đáy biển hàng trăm năm, thế giới của loài cá mập tí hon, những hang động san hô kỳ ẩn… được anh Tiến tâm huyết giữ gìn.

Trong chuyến lặn biển hôm ấy, Tiến đã đưa những người bạn từ xa xuống một cánh rừng san hô nằm giữa hai hòn đảo ngoài khơi An Thới. Khung cảnh khiến những người từng lặn lão luyện dưới đáy biển cũng phải trầm trồ. “Em bị choáng luôn! Rừng san hô ở đây đẹp tuyệt vời” – Nguyễn Thụy Vũ (29 tuổi) nhớ lại lần đầu tiên tìm xuống đáy biển cùng Tiến.

Vũ tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Singapore. Sau một lần tham gia dự án tác động của rác thải nhựa lên môi trường biển, anh đã “rẽ hướng” đam mê dưới đáy biển. Sau khi nhận bằng lặn quốc tế, anh chàng quyết định gắn bó với công việc “ăn cơm trên bờ, làm việc dưới nước”.

Vũ nói anh tiếp cận với đáy biển, với những cánh rừng san hô ở những vùng ven biển Việt Nam không chỉ để thỏa mãn đam mê mà còn cảm thấy có trách nhiệm với những nơi mình qua.

“Một khu rừng trên cạn bị cháy thì người ta biết, người ta truy trách nhiệm. Nhưng rừng dưới đáy biển nhiều nơi bị chết, bị xóa sổ dường như ít được quan tâm hơn” – Vũ nói nhiều quốc gia đã dành hàng chục triệu đôla mỗi năm để bảo vệ rừng san hô. Bởi một sự thật rằng những cánh rừng san hô quá quan trọng với sự sống của đại dương và sự sống của chúng ta.

Sau lần xuống đáy biển cùng Tiến, Vũ đã nán lại Phú Quốc. Nhiều tháng sau đó, anh chàng gốc Lâm Đồng lại đeo bình hơi dọc ngang khắp đáy biển của đảo ngọc.

Những quần thể san hô hải quỳ, san hô não, san hô nấm, gạc nai, liễu hồng, xương rồng biển… được điểm xuyết bởi những bầy cá nemo, cá mó, ngọc nữ, ghẹ, tôm tích… lung linh như bức tranh hữu tình. Thế nhưng, xen kẽ những háo hức của người mê biển lại là nỗi buồn len lỏi.

Vũ kể những lần xuống đáy biển, anh phát hiện nhiều cánh rừng san hô bắt đầu có hiện tượng tẩy trắng. Đó là khi những khóm san hô biến sắc hình quang, ngã sang màu tím, xanh neon… đẹp lung linh. Nhưng đó lại là tín hiệu buồn.

“Giống như cô gái có đôi má ửng hồng do bị… cảm sốt. Nếu không kịp thời cấp cứu sẽ ngã bệnh”. Với san hô, sau những ngày đẹp phát tiết ấy, chúng sẽ chuyển sang màu trắng trong và chết trơ xương. Nếu không kịp thời cấp cứu, rừng san hô sẽ lụi tàn.

Lịch sử san hô dưới đáy biển Phú Quốc đã có nhiều đợt chết trắng. Có năm san hô ở đây chết gần 80%. Đã có dự án trồng khôi phục rừng san hô nhưng hiệu quả thực sự vẫn là dấu hỏi. Các nhà quản lý cho rằng san hô ở Phú Quốc bị chết hàng loạt là hiện tượng nước biển ấm lên, vượt quá nhiệt độ sinh trưởng của chúng.

“Hằng năm từ tháng 1 đến tháng 3, nước dưới đáy biển Phú Quốc có thể lên từ 28-30 độ C. Trong khi san hô chỉ có thể sinh sống ở điều kiện nước không quá 24 độ C. Vì Phú Quốc nằm gần đường xích đạo nên nhiệt độ ấm lên và gây chết san hô cũng là một trong những lý do” – Vũ chia sẻ.

Ngoài ra, hiện trạng môi trường đáy biển Phú Quốc vẫn diễn ra nhiều bất lợi như nước đục, tốc độ dòng chảy nhanh, mưa axit, ô nhiễm đại dương, thậm chí đến… kem chống nắng cũng tác động tiêu cực lên sinh vật dưới đáy biển.

Là người “tay ngang” nhưng Vũ sớm nổi tiếng với giải pháp dùng rong biển làm giảm nhiệt độ nước để cứu san hô ở Nha Trang. Khi đến Phú Quốc, anh lại “thấy công chuyện” với những cánh rừng san hô ở đảo ngọc.

Trồng rừng dưới... đáy biển - Ảnh 2.

San hô được trồng dưới đáy biển Hòn Thơm (Phú Quốc) – Ảnh: T.TRÌNH

Công viên san hô

Để mọi người thấy san hô Phú Quốc đẹp thế nào, Vũ và cộng sự đã bắt tay xây dựng một công viên san hô dưới đáy biển Hòn Thơm, phía nam đảo Phú Quốc.

Ý tưởng gây dựng rừng san hô cho mọi người cùng xuống chiêm ngưỡng đã được thực hiện đầy quyết tâm. Nhiều công đoạn từ việc tái tạo, nhân giống, đem san hô ở vùng lân cận về trồng trong khu công viên… đã nhanh chóng được triển khai.

Đó là khoảng thời gian họ ăn cơm trên bờ, làm việc dưới đáy biển: gây dựng vườn ươm dưới đáy sâu, tái tạo san hô từ chính các đá san hô trước đó đã bị hóa thạch, cho đến bảo vệ san hô trước sự đe dọa của các loài ốc ăn san hô. Chỉ trong 65 ngày, một công viên lung linh dưới đáy biển Hòn Thơm đã được hình thành.

Giống như những cánh rừng trên cạn, rừng san hô còn là sự cộng sinh của các quần thể động, thực vật khác. Vũ nói anh đã giải mã được loài cá nào ưa sống trong quần thể san hô nào, để có một bản phối hợp lý cho một quần thể dưới đáy biển.

“Nếu mình chú ý kỹ, mỗi loài động vật dưới đáy biển có vai trò giống như trên cạn. Ví dụ dưới biển cũng có loài ong biển chuyên đi phát tán trứng san hô, vì san hô là động vật sinh sản hữu tính. Hay tôm “y tá”, cá “bác sĩ” chuyên đi khám bệnh, trị bệnh…

Chúng phối hợp nhịp nhàng trong một vòng tròn sinh trưởng và lệ thuộc lẫn nhau cũng giống như xã hội trên mặt nước. Chúng cần được duy trì trật tự cũng như tránh những tiêu cực tác động lên chuỗi phản ứng của xã hội đó.

Chị Trần Thị Đản, quản lý khu EcoBeach Hòn Thơm, nói tạo nên một công viên san hô dưới đáy biển là một chuyện, để duy trì và bảo vệ trước các tác động xấu là việc làm hằng ngày. Như những ngày này luôn có thợ lặn phải túc trực để làm vệ sinh, tránh để cát phủ làm chết san hô rất vất vả.

“Mình tổ chức cho khách lặn xuống để chiêm ngưỡng nét đẹp của rừng san hô. Để họ biết cách giữ gìn, bảo vệ sự sống dưới đáy biển cũng như hiểu rằng con người là tác nhân gây nên những tiêu cực lên sự sống dưới đáy biển. Mỗi khóm san hô được trồng, mỗi người được đưa xuống đáy biển chiêm ngưỡng và biết yêu thương, bảo vệ sự sống dưới sâu cũng là thông điệp của những người gây dựng nên khu rừng ” – chị Đản tâm sự.

Nhắc chuyện trồng rừng dưới đáy biển, Vũ nói anh chưa dừng lại khu rừng san hô ở Hòn Thơm. Anh tiếp tục tái tạo những cánh rừng dưới đáy biển, xây dựng một vùng sinh thái cho nhiều khu vực ven đảo Phú Quốc.

Hôm gặp lại Tiến, Vũ nói anh muốn mời anh chàng “thổ địa dưới đáy biển” cùng bắt tay xây dựng một “trung tâm san hô” dưới vùng biển thuận lợi ở Phú Quốc. Bất giác, Tiến tiết lộ anh đang giữ tọa độ của một khu hang động tuyệt đẹp dưới đáy biển, nơi san hô và các loài thủy tộc vẫn tạm thời bình yên trước những tác động của con người.

Nếu yêu rừng trên bờ, xin cũng yêu rừng dưới đáy đại dương.

Đáy biển cũng… toàn cầu hóa

“Đôi khi những hành động nhỏ của những người từ các quốc gia khác cũng tác động đến sinh vật dưới đáy biển Phú Quốc” – các thợ lặn nói rằng theo mỗi mùa gió, người ta lại thấy nhiều rác thải in những dòng chữ nước ngoài phủ đầy lên những cánh rừng san hô dưới đáy biển.

“Không phải xã hội trên bờ mới có câu chuyện toàn cầu hóa, mà ở dưới đáy biển cũng có những câu chuyện cả hai mặt như thế” – Vũ nói tin rằng anh và các cộng sự sẽ không đơn độc với việc tạo nên những cánh rừng dưới đáy sâu…

“Nhiều người chỉ quan tâm đến các cánh rừng trên mặt đất mà không biết rằng rừng dưới đáy biển cũng có vai trò tối quan trọng với sự sống trên hành tinh” – Vũ nói tuy san hô chỉ chiếm 1% diện tích dưới đáy biển nhưng lại tác động lên 75% sinh vật biển và quyết định 25% sự sống các loài cá biển. Ở đâu san hô điêu tàn, ở đó nhiều loài sinh vật biển cũng suy vong.

TIẾN TRÌNH
TTO