23/12/2024

Biến thể Delta đã tới lúc tự huỷ diệt?

Biến thể Delta đã tới lúc tự huỷ diệt?

Thời gian vừa qua, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo về khả năng lây truyền nhanh chóng của biến thể Delta so với các biến thể khác.

 

 

Giữa tháng 9, Mỹ ghi nhận con số kỷ lục: hơn 127.000 ca nhiễm biến thể Delta. Kể từ đó, các ca nhiễm đã giảm dần nhưng vẫn còn đáng ngại.

Trong khi Mỹ vẫn đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, số ca ở Nhật Bản lại giảm nhanh chóng tới mức khó hiểu, khiến các chuyên gia tin rằng biến thể Delta gần như tuyệt chủng ở quốc gia này. Dựa trên những gì quan sát được, họ cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ một trong những khả năng bẩm sinh của vi rút là đột biến.

Biến thể Delta đã tới lúc tự hủy diệt? - ảnh 1
Biến thể Delta có thể tự tuyệt chủng SHUTTERSTOCK

Hồi tháng 8, biến thể Delta hoành hành khắp Nhật Bản, gây ra 23.000 ca nhiễm/ngày. Ba tháng sau, Nhật Bản chỉ còn 140 ca/ngày. Tokyo – nơi từng là tâm dịch có ngày chỉ ghi nhận 16 ca mới.

Trong số các giả thuyết xung quanh sự suy giảm thần kỳ này, có ý kiến ​​cho rằng biến thể Delta đã tới lúc tự hủy diệt.

Theo trang tin Medical Daily, một trong những đặc điểm chung của vi rút là khả năng đột biến hoặc tiến hóa. Trong quá trình tái tạo, gien của vi rút có thể mắc “lỗi sao chép” khiến cấu trúc tổng thể của vi rút cũng thay đổi. Những đột biến này rất khác nhau, trong đó một số chủng dễ lây truyền hơn và nguy hiểm hơn. Nhưng cũng có trường hợp đột biến trở thành “ngõ cụt của quá trình tiến hóa”, như cách các chuyên gia nhìn nhận trường hợp ở Nhật.

Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Di truyền học Quốc gia (Nhật Bản) trong lúc xem xét enzym sửa lỗi nsp14 của biến thể Delta đã phát hiện ra rằng một số thay đổi gien đã khiến vi rút ngưng tiến hóa. Họ nhận thấy rằng tại một thời điểm nhất định, biến thể Delta vừa phải “lo” sửa lỗi, vừa tiếp tục tự tái tạo. Cứ liên tục như thế, quá trình này dẫn tới “sự tự tuyệt chủng”. Nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên trước phát hiện này.

Tiến sĩ Simon Clarke – Trưởng Bộ phận Kỹ thuật y sinh và Khoa học y sinh của Đại học Reading (Anh), cũng đồng quan điểm. “Vi rút đã tích lũy quá nhiều đột biến, do đó không thể tái tạo. Khi ta nhiễm loại vi rút này, nó không nhân bản mà sẽ tự chết đi”, ông chia sẻ. Tuy vậy trường hợp này rất hiếm.

Trong trường hợp ở Nhật Bản, các chuyên gia tin rằng ngoài lý thuyết tự tuyệt chủng, một lý do chính khiến các ca nhiễm giảm mạnh là tỷ lệ tiêm chủng cao. Tính đến nay, 75% người Nhật đã tiêm đủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19.

 

UYÊN LÊ

TNO