23/12/2024

Kháng sinh không ngăn chặn được vi rút gây Covid-19

Kháng sinh không ngăn chặn được vi rút gây Covid-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Kháng kháng sinh là một trong những mối đe doạ lớn nhất đối với sức khoẻ, an ninh lương thực và sự phát triển của toàn cầu.

 

 

Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ở bất kỳ quốc gia nào.

Kháng sinh không ngăn chặn được vi rút gây Covid-19 - ảnh 1
Việc sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh NGỌC DƯƠNG

Tuần lễ “Nhận thức về kháng sinh trên thế giới” được tổ chức từ ngày 18 – 24.11 hằng năm, với mục đích nhắc nhở và nâng cao nhận thức về vấn đề kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu.

Theo WHO, kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng kháng lại tác dụng của thuốc, khiến các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

WHO khuyến cáo, lạm dụng và dùng kháng sinh sai cách ở người, động vật và thực vật là những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.

Ngoài ra, thực hành kê đơn y tế kém và bệnh nhân không tuân thủ điều trị cũng góp phần gia tăng kháng kháng sinh. Ví dụ, thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn, nhưng chúng không thể tiêu diệt các bệnh nhiễm trùng do vi rút như cảm lạnh và cúm.

Hiểu lầm về kháng sinh trong đại dịch

WHO khuyến cáo, việc sử dụng thuốc kháng sinh sai cách trong đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự xuất hiện và lan rộng nhanh chóng của tình trạng kháng thuốc. Covid-19 do vi rút gây ra, không phải do vi khuẩn, và do đó không sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm vi rút, trừ khi cũng có nhiễm khuẩn. Kháng sinh không thể chữa bệnh gây ra do vi rút, vì vậy cũng không thể bảo vệ bạn trước Covid-19.

Theo WHO, thuốc kháng sinh không chữa hoặc ngăn chặn được vi rút, bao gồm cả vi rút gây ra Covid-19. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh không phù hợp làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh, khiến mọi người có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng nhẹ.

Một số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 (vi rút gây ra bệnh Covid-19) đồng thời có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Với đối tượng bệnh nhân này, nhân viên y tế sẽ kê đơn kháng sinh để điều trị nhiễm trùng với bệnh nhân đó.

3 quy tắc sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách: Chỉ dùng thuốc khi được kê đơn; Tuân thủ hướng dẫn về liều lượng và thời gian điều trị; Không chia sẻ hoặc dùng thuốc kháng sinh còn sót lại từ người khác.

Kháng thuốc ngày càng gia tăng ở các bệnh nhiễm ký sinh trùng như sốt rét và nhiễm giun sán. Vì vậy, luôn tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để được chẩn đoán chính xác và được chỉ định phác đồ điều trị hợp lý.

Tiếp cận với nguồn nước an toàn, vệ sinh và rửa tay trong gia đình và cơ sở y tế có thể giảm tới 60% việc sử dụng kháng sinh để điều trị tiêu chảy. Rửa tay giúp ngăn ngừa nhiễm trùng kháng thuốc và giảm chi phí y tế.

(Nguồn: WHO)

“Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra. Để điều trị, bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng vi rút để giảm tải lượng vi rút, ngăn chặn chúng nhân lên, tấn công cơ thể và làm lây nhiễm. Nên điều trị sớm trong 5 ngày đầu, kể từ khi có kết quả dương tính Covid-19. Với các trường hợp bị vi rút tấn công, hệ miễn dịch suy giảm khiến các vi khuẩn bội nhiễm, khi đó, người bệnh sẽ được chỉ định kháng sinh phù hợp”, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm VN, giải thích cụ thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: “Hơn 1 năm qua, với diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 tại Việt Nam, vấn đề hiểu biết, nhận thức của mọi tầng lớp người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh với tiêu chí 5 đúng: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian càng cần thiết được nâng cao. Các đơn vị y tế cần tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý, nhằm góp phần phòng chống kháng thuốc, trong điều trị”.

 

LIÊN CHÂU

TNO