26/12/2024

Cuộc đua năng lực tấn công vệ tinh ngày càng gay cấn

Cuộc đua năng lực tấn công vệ tinh ngày càng gay cấn

Cuộc chạy đua vũ trang trong không gian ngày càng nóng do các vệ tinh có vai trò ngày càng quan trọng về liên lạc, do thám, định vị trong quân sự hiện đại.

 

 

Cuộc đua năng lực tấn công vệ tinh ngày càng gay cấn - ảnh 1
Hình ảnh mô phỏng các mảnh vỡ trong không gian trên trái đất AFP 

Việc Nga phóng tên lửa phá hủy một vệ tinh không còn sử dụng trên quỹ đạo dẫn đến nhiều ý kiến tranh cãi với Mỹ, đồng thời khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian.

Quân đội Nga xác nhận đã bắn tên lửa phá hủy một vệ tinh không còn sử dụng trên quỹ đạo, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng vụ nổ tạo nên đám mây rác đe dọa Trạm Không gian Quốc tế (ISS).

Quân đội Nga cho biết vào ngày 15.11 đã phóng thử thành công tên lửa phá hủy vệ tinh giám sát vô tuyến Tselina-D trên quỹ đạo trái đất, theo Sputnik. Tselina-D đã được phóng vào năm 1982.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Anthony Blinken chỉ trích thử nghiệm của Nga là liều lĩnh và mang tính phá hủy, khi dùng một tên lửa chống vệ tinh nhắm trực tiếp vào một trong những vệ tinh của họ.

Ông Blinken còn nói rằng cuộc thử nghiệm đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể truy vết được và sẽ có thể tạo ra hàng trăm ngàn mảnh vỡ nhỏ hơn trên quỹ đạo. Trong khi đó, phía Nga khẳng định rằng Mỹ biết rõ những mảnh vỡ đó không gây nguy hiểm cho các vệ tinh khác.

Hủy diệt vệ tinh

Việc quân sự hóa không gian được cho là đã tiến hành từ lâu, song song với cuộc chạy đua thám hiểm không gian. Theo AFP, ngay khi vệ tinh Sputnik được phóng lên quỹ đạo vào năm 1957, Nga và Mỹ đều bắt đầu nghiên cứu các phương thức vũ trang và bảo vệ các vệ tinh.

Ban đầu, lo ngại lớn nhất là vũ khí hạt nhân trong không gian. Vào năm 1967, các nước ký kết Hiệp ước Không gian, cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo.

Kể từ đó, Nga, Mỹ, Trung Quốc và thậm chí Ấn Độ được cho là đã xem xét những cách chiến đấu trong không gian mà không vi phạm hiệp ước.

Sự cạnh tranh ngày nay tập trung vào việc hủy diệt các vệ tinh của đối phương, vốn đóng vai trò ngày càng quan trọng về liên lạc, do thám, định vị trong quân sự hiện đại.

Vào năm 1970, Nga thử nghiệm thành công vệ tinh mang chất nổ có thể hủy diệt vệ tinh khác trên quỹ đạo.

Đến năm 1983, Mỹ đáp lại khi Tổng thống Ronald Reagan công bố Sáng kiến phòng vệ chiến lược, chương trình về các tên lửa chống tên lửa, vệ tinh phát tia laser hoặc vi sóng, nhằm giúp Mỹ đạt ưu thế quân sự.

Sau thử nghiệm vài lần, Nga đã thành công bắn vệ tinh vào ngày 15.11, khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên.Nhiều công nghệ không khả thi, nhưng Lầu Năm Góc từng dùng một tên lửa để hủy diệt một vệ tinh hỏng vào năm 1985. Kể từ đó, các bên đã tìm cách thể hiện khả năng tương tự.

Theo chuyên gia Isabelle Sourbes-Verger tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, thử nghiệm trên thể hiện rằng “nếu cần thiết đối phó không cân xứng, Nga sẽ không cho phép Mỹ là là bên duy nhất kiểm soát không gian”.

Đeo bám, vô hiệu hóa

Các nước được cho là đang bí mật tăng cường năng lực quân sự trong không gian. Với tính lưỡng dụng của công nghệ, năng lực này rất khó xác định.

Tuy nhiên, vào năm 2019 khi Lầu Năm Góc thành lập Lực lượng Không gian, tiềm năng của Nga và Trung Quốc được cho là đã qua mặt Mỹ.

“Duy trì sự vượt trội của Mỹ ở môi trường đó giờ đây là sứ mệnh của Lực lượng Không gian Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Mark Esper cho biết.

Cuộc đua xuất phát từ ý tưởng diệt vệ tinh bằng tên lửa, hoặc tìm cách gây thiệt hại bằng tia laser hoặc vũ khí vi ba cường độ cao.

Cả Nga lẫn Trung Quốc đều đã phát triển những vệ tinh “đeo bám trong không gian” với khả năng can thiệp vật lý đối với vệ tinh khác, theo chuyên gia độc lập Brian Chow từng làm việc 25 tại tổ chức Rand Corp (Mỹ).

Theo ông, với các cánh tay rô bốt, các vệ tinh đó có thể bám theo vệ tinh đối phương và di chuyển nó đi nơi khác, hoặc bẻ một ăng ten khiến vệ tinh đó trở nên vô dụng.Mỹ và Trung Quốc được cho là đều có các chương trình tuyệt mật về các phi thuyền nhỏ, có thể tái sử dụng và có thể tiêu diệt các vệ tinh của đối phương. Các nước còn đang phát triển vũ khí trên mặt đất dùng để gây nhiễu các tín hiệu vệ tinh, hoặc dùng năng lượng để gây thiệt hại.

Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ vào năm 2019 cho rằng Trung Quốc có 5 căn cứ có các tia laser mặt đất có thể dùng để vô hiệu hóa các vệ tinh của đối phương. “Mọi vệ tinh bay qua phía trên Trung Quốc đều có thể bị tấn công”, theo ông Chow.

 

KHÁNH AN

TNO