Khai quật đền mặt trời của pharaoh Ai Cập đã mất tích hàng ngàn năm
Khai quật đền mặt trời của pharaoh Ai Cập đã mất tích hàng ngàn năm
Trong một phát hiện quan trọng nhất suốt 50 năm tại Ai Cập, các nhà khảo cổ học đã tìm được 1 trong 4 đền thờ mặt trời mất tích từ nhiều ngàn năm qua tại nước này.
Địa điểm từng xuất hiện 2 đền thần mặt trời CHỤP TỪ THE TELEGRAPH |
Theo các nhà khảo cổ học, có khoảng 6 đền mặt trời được các đời pharaoh xây dựng trong giai đoạn triều đại thứ năm, bên cạnh các kim tự tháp.
Nếu kim tự tháp là nơi an nghỉ cuối cùng và đảm bảo pharaoh được nâng lên vị trí thần linh sau khi chết, các pharaoh hy vọng đền mặt trời bảo chứng cho họ trở thành thần trong lúc còn sống, theo tờ The Telegraph hôm 13.11.
Trong khi các chuyên gia cho rằng có đến 6 đền mặt trời được xây, đến nay chỉ có hai đền được tìm thấy.
Tiến sĩ Massimiliano Nuzzolo, trợ lý giáo sư ngành Ai Cập học của Viện Hàn Lâm Khoa học Warsaw (Ba Lan), đã dành cả đời để tìm kiếm những tàn tích đền mặt trời còn lại.
Mỗi đền mặt trời bao gồm một khoảng sân lớn, một tháp cao, tương tự kim tự tháp, được đặt song song với trục đông-tây của mặt trời. Thiết kế này cho phép vào ngày hạ chí, mặt trời mọc lên và chiếu ánh sáng xuyên qua lối vào của đền thờ, phủ ánh sáng lên tháp vào lúc rạng đông. Đến chiều tối, mặt trời lặn ở phía đối diện chính xác của ngôi đền.
Tiến sĩ Nuzzolo tập trung nghiên cứu một ngôi đền ở Abu Goab được xây dựng dưới thời pharaoh Nyuserre, người trị vì Ai Cập khoảng 30 năm vào thế kỷ 25 trước công nguyên.
Trong quá trình cẩn thận khai quật những phần còn sót lại của tàn tích này, ông phát hiện một cấu trúc nền cổ hơn, làm từ gạch bùn, nằm bên dưới. Điều này cho thấy có một công trình xây dựng khác trước khi đền thần mặt trời của pharaoh Nyuserre được xây.
Sau khi thu thập xong các chứng cứ và hoàn tất các mảnh ghép hình, nhóm của ông xác định công trình cổ hơn cũng là một đền mặt trời. Đây là ngôi đền thứ ba tìm được và là đền mặt trời đầu tiên được phát hiện sau nửa thế kỷ.
HẠO NHIÊN
TNO