23/12/2024

Chúa Nhật XXXII TN B-2021: Bất bình đẳng và đa dạng

Hình ảnh của bà goá nghèo bỏ 2 đồng xu nhỏ so với những người giàu bỏ nhiều tiền mời gọi chúng ta dù khác biệt nhau, vẫn có thể đóng góp hết mình cho Thiên Chúa và Ngài thấy rõ những đóng góp của chúng ta để ban thưởng cho ta. Đóng góp đó không tính theo của cải, tiền bạc, tài năng, học thức bên ngoài mà bằng mức độ tình yêu ta dành cho Chúa.

Chúa Nhật XXXII TN B 2021

Bất bình đẳng và đa dạng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay mở ra cho chúng ta thế giới hiện thực với những con người giàu nghèo, no đói, sang hèn, xấu tốt khác nhau. Chính những sự khác biệt này có thể tạo nên những xung đột giữa các cá nhân và chiến tranh giữa các dân tộc. Vậy người tín hữu Công giáo chúng ta sẽ phải hành động như thế nào để tìm được niềm vui và an bình trong thế giới và cho thế giới đó?

1. Hiện thực của đời sống

Trong đời sống cá nhân, chúng ta sống chung với nhiều người giữa cộng đồng xã hội. Nếu so sánh, ta thấy có những sự khác biệt: lớn bé, già trẻ, nam nữ, giàu nghèo, đẹp xấu, hiền ác, khôn dại, sang hèn khác nhau. Nếu không nhận ra các vẻ khác biệt ấy tạo nên sự phong phú đa dạng và vẻ đẹp tuyệt vời của gia đình nhân loại, giống như vườn hoa có muôn loài, muôn sắc, muôn hương; hay như bàn tay có ngón dài ngón ngắn, thì người ta dễ phát sinh những mặc cảm tự tôn hay tự ti. Chúng tạo nên những tình cảm đen tối, phức tạp, dồn nén con người theo chiều hướng tiêu cực và dẫn họ đến những hành động bất chính, bất công.

Những mặc cảm đủ loại về nguồn gốc gia đình sang hèn, về phái tính nam nữ, về ngoại hình đẹp xấu, về nghề nghiệp, thu nhập thấp cao, về duyên phận may rủi, về học thức rộng hẹp, về địa vị và quan hệ xã hội khác biệt thường bắt đầu ngay từ thuở nhỏ và ngày càng lớn lên trong ta. Chúng dẫn đến những tranh chấp, xung đột, loại trừ nhau trong xã hội, nếu không được giải toả bằng những hành động yêu thương, dạy dỗ cẩn thận bởi cha mẹ, thầy cô, bằng những nâng đỡ tích cực của cộng đồng xã hội, nhất là bằng việc tự rèn luyện để vượt lên chính mình của mỗi cá nhân.

Trong đời sống cộng đồng, chúng ta đang sống trong một thế giới đa dạng và bất bình đẳng. Thế giới hiện nay đang có khoảng 200 quốc gia với nguồn nhân lực, kinh tế, văn hoá, chính trị, quân sự lớn nhỏ khác nhau. Mỗi nước lại nằm ở một vị trí khác nhau trên trái đất với tài nguyên thiên nhiên không đồng đều. Đó là sự đa dạng phong phú và cần thiết trong cộng đồng nhân loại, để mọi người có thể giúp đỡ và bổ túc cho nhau trong cuộc lữ hành trần thế, trước khi cùng nhau chia sẻ đời sống vĩnh hằng với Cha Trên Trời. Do đó, các nước phải chia sẻ nguồn lực cho nhau để tất cả cùng hưởng niềm vui và hạnh phúc, vì trái đất là quà tặng của Tạo Hoá cho toàn thể loài người.

Tuy nhiên, khi chối bỏ người Cha Tạo Hoá và không còn đối xử với nhau như anh chị em một nhà, một số người hay một vài dân tộc muốn chiếm riêng cho mình những vùng đất, vùng biển, vùng trời giàu tài nguyên. Vì thế, nhân loại chịu bao cảnh đau thương và bất công do lòng tham, lòng dục của con người.

Ví dụ: dù dân số thế giới hiện nay khoảng 7,8 tỉ người, nhưng với tài nguyên dồi dào cộng thêm cả các ứng dụng khoa học vào nông nghiệp, nhân loại vẫn dư thừa lương thực cho mọi người. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc vẫn cảnh báo cho chúng ta biết có hàng triệu người chết đói và 690 triệu người ăn đói năm 2019 và thêm 130 triệu người trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Các nước vẫn chi hơn 2000 tỉ đô la cho ngân sách quốc phòng để mua vũ khí năm 2020, nhưng nếu dành ra 25 tỉ thôi để lo cho người nghèo thì chẳng còn ai phải ăn đói, mặc rách.

Đấy là hiện thực của thế giới chúng ta. Vậy chúng ta sẽ hành động như thế nào?

2. Chúng ta hành động như thế nào?

Trước hết chúng ta cần nhận thức rằng: sự bất bình đẳng giữa các cá nhân hay giữa các quốc gia là một thực tế cần phải có để tạo nên sự đa dạng, nhưng không phải mọi bất bình đẳng đều bất công. Có nhiều bất bình đẳng tự nhiên mà không bất công. Ví dụ như tất cả chúng ta đều sinh ra bởi những cha mẹ có những yếu tố di truyền khác nhau, có những tài năng khác nhau, vào những thời điểm trong những vùng miền khác nhau, với những hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội khác nhau. Do đó sự bất bình đẳng là điều không thể tránh được.

Nếu nhìn dưới khía cạnh tích cực, thì đó là sự đa dạng của đời sống. Thiên Chúa Tạo Hoá cho mỗi người chúng ta vẻ độc đáo không ai có được, từ đó mỗi người cùng nhận một sứ mệnh không giống bất kỳ ai. Mỗi người chúng ta được mời gọi phát huy tất cả tài năng, ân sủng Chúa ban để hoàn thành sứ mệnh ở trần thế, trước khi trở về sum họp để cùng hưởng hạnh phúc với Cha Trên Trời và với anh chị em mình.

Bất bình đẳng chỉ trở thành bất công khi nó là kết quả của những hành vi giả dối, lừa bịp, ác độc để bóc lột người khác, như Đức Giêsu trách cứ những ông kinh sư giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 12,38-44). Một dân tộc gồm những con người chịu khó học hành, làm việc, biết cần kiệm liêm chính, thì đương nhiên giàu có hơn dân tộc chỉ biết lười biếng, hưởng thụ, ăn chơi. Từng cá nhân cũng giống như thế. Cá nhân không thể nhân danh sự bất bình đẳng của mình hay của người khác để đòi sự công bằng, đòi người khác phải san sẻ của cải tiền bạc cho mình. Họ chỉ có thể nhân danh công lý để đòi được đối xử bình đẳng mà thôi.

Tiếp theo, để giải quyết những bất bình đẳng giữa con người, chúng ta phải hoá giải được các mặc cảm tự ti, tự tôn dẫn đến ghen ghét, loại trừ, thù hận trong chính mình. Ta cần nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, nhận ra mình độc đáo với sứ mệnh đặc biệt, có khả năng vô tận để phát huy và nhận ra mọi người mọi vật là anh chị em con cùng một Cha Trên Trời, như bà goá nghèo trong Bài đọc I (x. 1V 17,10-16).

Dù sắp chết đói, bà vẫn không than trách thân phận khốn cùng của mình, và sẵn sàng chia sẻ miếng bánh cuối cùng cho người khác. Vì thế, bà cảm nhận được quyền năng và tình yêu của người Cha Tạo Hoá: “Hũ bột không vơi, bình dầu không cạn”.

Để giải quyết những bất bình đẳng giữa các quốc gia, Giáo hội Công giáo giới thiệu Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải.

Nguyên tắc này dựa trên sự kiện Thiên Chúa tạo ra mọi thứ hiện hữu và trao ban trái đất cho những con người đầu tiên, để họ thống trị trái đất bằng lao động của mình và tận hưởng thành quả công việc họ làm (x. St 1,28-29).

Nguyên tắc này là nền tảng của trật tự đạo đức xã hội và được diễn giải như sau: “Thiên Chúa đã tiền định cho trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng đều là cho mọi người và mọi dân tộc, ngõ hầu mọi thụ tạo đều được chia sẻ một cách tương xứng cho hết mọi người dựa vào công lý và công lý này được điều tiết bởi bác ái” (x. TLHTXHCG, số 171; Gaudium et Spes, số 69).

Hình ảnh của bà goá nghèo bỏ 2 đồng xu nhỏ so với những người giàu bỏ nhiều tiền mời gọi chúng ta dù khác biệt nhau, vẫn có thể đóng góp hết mình cho Thiên Chúa và Ngài thấy rõ những đóng góp của chúng ta để ban thưởng cho ta. Đóng góp đó không tính theo của cải, tiền bạc, tài năng, học thức bên ngoài mà bằng mức độ tình yêu ta dành cho Chúa.

C:\Users\tingu\Downloads\2021\Ba goa ngheo.jpg

Lời kết

Như thế chúng ta sẽ trở thành những con người mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho mọi người như chính Chúa Giêsu, vị thượng tế đã tự hiến chính mình để xoá bỏ tội lỗi muôn người (x. Dt 9,24-28). Amen.

HKK