19/11/2024

Các nước đã ngưng đốt rác như thế nào?

Các nước đã ngưng đốt rác như thế nào?

Thay vì đốt hay chôn lấp rác, nhiều nước đang chuyển sang các biện pháp xử lý rác thải hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn như tái chế và thậm chí là không tạo ra rác thải.

 

 

Các nước đã ngưng đốt rác như thế nào? - ảnh 1
Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotlant từ ngày 31.10 đến ngày 12.11  AFP

Vừa qua, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra cam kết cắt giảm khí nhà kính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26) đang diễn ra ở Glasgow, Scotland. Với các cam kết trên, rác thải là một trong những lĩnh vực các nước cần chú ý. Theo chuyên gia David Wilson của Đại học Hoàng gia London (Anh), quản lý rác thải và tài nguyên đúng cách sẽ giúp giảm đáng kể khí thải nhà kính, từ đó góp phần chống lại biến đổi khí hậu.

Mặt trái của việc đốt rác

Hiện tại, các cách xử lý rác thải phổ biến nhất là chôn lấp, đốt rác và ủ hóa sinh học. Trong đó, đốt rác là biện pháp tốn kém, độc hại nhất để xử lý rác và còn để lại khí thải, tro độc cùng nước thải.

Gần đây, các doanh nghiệp xử lý rác xem nhà máy biến rác thành năng lượng (WTE) là biện pháp mới để quản lý rác thải vì khả năng “đốt rác phát điện”. Tuy nhiên, theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, WTE có rất nhiều hạn chế.

Các nước đã ngưng đốt rác như thế nào? - ảnh 2
Công nhân phân loại rác tại bãi rác Bantar Gebang gần Jakarta, Indonesia vào tháng 8  REUTERS

Đầu tiên, rác thải ở các nước đang phát triển có độ ẩm và hàm lượng hữu cơ cao. Do đó, năng lượng tạo ra từ các loại rác thải này rất thấp. Nhà máy WTE cần vốn đầu tư lớn và chi phí vận hành trung bình cao hơn nhiều so với các phương pháp xử lý chất thải khác. Bên cạnh đó, WTE để lại các tác động xấu về môi trường và sức khỏe khi thải ra dioxin, furan, chì, thủy ngân cùng nhiều chất độc khác. Quan trọng nhất là các nhà máy WTE gây ra sự phụ thuộc vào rác thải, khiến một số quốc gia phải nhập khẩu rác để duy trì hoạt động của nhà máy.

Nhận thấy các ảnh hưởng tiêu cực của WTE, các quốc gia đang tìm những biện pháp xử lý rác thải khác hiệu quả hơn mà không gây thiệt hại đến môi trường và sức khỏe.

Thụy Điển

Phương pháp quản lý rác hiệu quả nhất là không tạo ra rác thải (zero waste), kế đến là giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng. Trên thế giới, Thụy Điển là một trong những quốc gia tái chế rác thải hiệu quả nhất.

Số liệu của Hiệp hội Quản lý Rác thải Thụy Điển cho thấy nước này xử lý gần 5 triệu tấn rác thải sinh hoạt vào năm 2020. Trong số đó, 37% rác thải được tái chế và chưa đến 1% rác được đưa đi chôn lấp. Thụy Điển giảm rác thải hiệu quả đến mức nước này phải nhập khẩu rác để các nhà máy WTE có thể tiếp tục hoạt động.

Các nước đã ngưng đốt rác như thế nào? - ảnh 3
Bên trong một nhà máy WTE ở Thụy Điển  CHỤP MÀN HÌNH THE NEW YORK TIMES

Để đạt được kết quả này, Thụy Điển đã thực hiện các chính sách môi trường từ rất sớm. Luật Thụy Điển quy định mỗi chính quyền địa phương, nhà sản xuất, hộ gia đình và doanh nghiệp đều có trách nhiệm cụ thể trong việc xử lý rác thải. Bên cạnh các loại thuế và lệnh cấm, Thụy Điển còn có hệ thống thu gom, phân loại rác kết nối với từng khu dân cư và gần 600 trung tâm phân loại rác trên cả nước.

Đan Mạch

Đan Mạch, một trong những nước thải ra lượng rác lớn nhất ở châu Âu, đã xây dựng khoảng 23 nhà máy đốt rác, theo Politico. Các nhà máy WTE này cung cấp 5% điện năng và 20% nhiệt năng cho Đan Mạch.

Tuy nhiên, các nhà máy WTE trên cũng dần rơi vào tình trạng “thiếu rác” như ở Thụy Điển, khiến Đan Mạch phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn rác từ Anh và Đức mỗi năm. Điều này không phù hợp với mục tiêu giảm 70% khí thải nhà kính trong thập kỷ tới mà Copenhagen đặt ra năm 2020.

Vì vậy, các nghị sĩ Đan Mạch đã thông qua luật tái cấu trúc hệ thống quản lý rác thải ở nước này. Theo đó, Đan Mạch sẽ giảm 30% công suất đốt rác trong thập kỷ tới bằng việc đóng cửa 7 nhà máy WTE. Nước này cũng lập hệ thống tái chế rác thải để phân loại 10 loại rác khác nhau.

Slovenia

Slovenia cũng là quốc gia có những biện pháp xử lý rác hiệu quả. Nước này có 9 đô thị, một khách sạn, nhiều cửa hàng và sự kiện không rác thải. Năm 2014, thành phố Ljubljana của Slovenia trở thành thủ đô không rác thải đầu tiên ở châu Âu.

Những năm 2000, tất cả rác ở Ljubljana đều được đưa đến bãi chôn lấp và người dân thủ đô Slovenia chỉ tái chế khoảng 16 kg rác/năm, theo The Guardian. Tuy nhiên, đến năm 2019, Ljubljana tái chế 68% rác thải và lượng rác được đưa đến bãi chôn lấp ở thành phố này giảm đến 80%.

Các nước đã ngưng đốt rác như thế nào? - ảnh 4
Nhà máy xử lý rác sinh học ở thủ đô Ljubljana của Slovenia  CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Những con số ấn tượng trên là kết quả của chiến lược không rác thải được thực hiện từ năm 2002, khi Ljubljana bắt đầu thu gom giấy, thủy tinh và bao bì trong các thùng chứa ven đường. Từ năm 2006, thành phố thu gom rác thải hữu cơ tại từng nhà. Và đến năm 2013, mỗi hộ gia đình ở thủ đô Slovenia đều có thùng riêng để đựng rác tái chế. Thành phố cũng giảm tần suất thu gom rác thông thường để buộc người dân phân loại rác hiệu quả hơn.

 

NHƯ TRẦN

TNO