Bước ngoặt cho cắt giảm khí thải toàn cầu
Bước ngoặt cho cắt giảm khí thải toàn cầu
Diễn ra từ 31.10 – 12.11, Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sẽ là cuộc đàm phán quan trọng giữa nhiều nước đối với thoả thuận cắt giảm khí thải.
Hôm nay (31.10), một trong các hội nghị thượng đỉnh ngoại giao quan trọng nhất lịch sử bắt đầu diễn ra tại TP.Glasgow (Anh). Dự kiến hội nghị COP26 có sự tham gia của đại diện đến từ hơn 190 quốc gia, bao gồm các nguyên thủ thế giới và hàng chục ngàn nhà thương thuyết. Hội nghị lần này cũng đánh dấu sự quay lại của Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo thế giới hiện đối mặt áp lực nặng nề trong việc lên kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trước đó, hơn 100 quốc gia đang phát triển, đại diện hơn 50% dân số thế giới, đã đưa ra yêu sách gồm 5 điểm cần thực hiện nếu muốn Hội nghị COP26 thành công và khôi phục niềm tin trên bàn đàm phán.
Nhà máy nhiệt điện ở Cologne, Đức REUTERS |
Kế hoạch gây thất vọng của Trung Quốc
Để có thể ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới cần cắt giảm gần một nửa lượng phát thải CO2 trong 8 năm kế tiếp và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Nếu muốn đạt được mục tiêu trên, Mỹ và Trung Quốc cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa so với kế hoạch hiện tại, theo giới quan sát.
Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới, chiếm 27% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dựa theo kế hoạch được nước này trình lên LHQ trước thềm COP26, chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục đà phát thải hiện tại cho đến khi đạt mức cao nhất trước năm 2030, theo Reuters. Đến năm 2060, Trung Quốc mới chuyển sang trung hòa carbon. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh vào năm 2030 cam kết giảm 65% mật độ carbon trong mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế (GDP) so với với năm 2005.
Tuy nhiên, do kế hoạch được thiết lập dựa trên mật độ carbon trong mỗi đơn vị GDP, điều này có nghĩa là Bắc Kinh cho phép lượng phát thải tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng kinh tế.
Tín hiệu từ Mỹ
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và phái đoàn Mỹ đang chờ tin tức tốt lành từ Đồi Capitol. Trước khi rời Mỹ ngày 29.10 (giờ Việt Nam), ông Biden kịp thời công bố thỏa thuận mới liên quan gói chi tiêu cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội trị giá 1.750 tỉ USD. Trong số này, 555 tỉ USD sẽ chi cho các mục tiêu về khí hậu và năng lượng xanh. Tại buổi họp báo, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định nếu được thông qua, đây là “khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”, và “cho phép thay đổi hoàn toàn nước Mỹ”.
Động thái trên cho thấy Tổng thống Biden đang gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong nỗ lực lấy lại vai trò dẫn đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo tờ The Guardian, kết hợp các mệnh lệnh hành pháp khác có thể được áp dụng trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden, dự thảo trên cho phép Mỹ cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2005. Hiện ông Biden và đoàn Mỹ mong đợi quốc hội nước này nhanh chóng hành động và thông qua dự thảo chi ngân sách nếu muốn được lợi thế trên bàn đàm phán ở COP26.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh dự COP26 và thăm chính thức Pháp
Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson, rạng sáng nay (31.10), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) và thăm, làm việc tại Vương quốc Anh, từ ngày 31.10 – 3.11.
Hội nghị COP26 sẽ diễn ra tại TP.Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, từ ngày 31.10 – 12.11, trong đó Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư mời nguyên thủ quốc gia và thủ tướng các nước dự hội nghị Thượng đỉnh khí hậu, diễn ra trong 2 ngày 1 và 2.11.
Tiếp đó, nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3 – 5.11.
Chí Hiếu
THUỴ MIÊN
TNO