Chúa Nhật XXXI TN B 2021: Điều răn hàng đầu

Trong dòng đời của một con người cũng như của một dân tộc, như dân Do Thái, có những giai đoạn đầy thử thách, khiến người ta khócó thể cảm nghiệm được Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất để hết lòng tôn thờ Ngài và càng khó hơn nữa để yêu Ngài. Đức Giêsu hôm nay còn nói cho ta biết điều răn hàng đầu của tất cả đời ta là “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và phải yêu người thân cận như chính mình”. Vậy chúng ta thử hỏi lại lòng mình xem đã yêu Chúa, yêu người như thế nào trong cơn đại dịch Covid này?

Chúa Nhật XXXI TN B 2021

Điều răn hàng đầu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong dòng đời của một con người cũng như của một dân tộc, như dân Do Thái, có những giai đoạn đầy thử thách, khiến người ta khócó thể cảm nghiệm được Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất để hết lòng tôn thờ Ngài và càng khó hơn nữa để yêu Ngài. Đức Giêsu hôm nay còn nói cho ta biết điều răn hàng đầu của tất cả đời ta là “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và phải yêu người thân cận như chính mình”. Vậy chúng ta thử hỏi lại lòng mình xem đã yêu Chúa, yêu người như thế nào trong cơn đại dịch Covid này?

1. Thử thách cho lòng tin và tình yêu

Cuộc đời của mỗi người chúng ta là một con đường dài vô tận, mà những đoạn đường lại gồm nhiều chỗ sáng tối, khúc khuỷ hay bằng phẳng khác nhau, nhất là những đoạn đời đen tối với tật bệnh, khốn khổ, khó nghèo, thất bại. Chúng là những thử thách cho lòng tin và tình yêu của ta đối với Chúa và tha nhân.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết những lời an ủi rất sâu xa để gửi linh mục Mai Lão Bạng, đang bị Pháp cầm tù vì tham gia Quang Phục Hội trong phong trào Đông Du rằng:

Trời toan đại dụng nên rèn chí,

Chúa giúp thành công tất có hồi

Nếu phải đường đời bằng phẳng cả

Anh hùng hào kiệt có hơn ai. (Chúa muốn dùng ta cho những việc lớn lao nên gửi thử thách để rèn luyện ta).

Dân tộc Do Thái, sau khi kết ước với Thiên Chúa trên núi Sinai cũng đã trải qua nhiều thử thách trong hoang địa, vì những dân tộc chung quanh mạnh mẽ hơn, luật lệ của họ dễ dãi hơn, thần tượng họ lại cụ thể hơn. Nhiều lần dân Do Thái đã bỏ Chúa, bỏ tuân giữ các điều răn của Ngài, nên dân tộc bị suy đồi, nô lệ, khốn khổ.

Vì thế, Bài đọc I (x. Đnl 6,2-6) nhắc nhở cho dân Do Thái bổn phận quen thuộc là phải kính sợ Thiên Chúa vì Ngài là Đấng uy nghiêm và thưởng phạt công minh. Ngài là Đức Chúa duy nhất, nên không được tôn thờ bất cứ thần tượng nào khác. Điểm thứ hai mà dân Do Thái phải làm là “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết dạ, hết sức anh em”, vì Ngài là một Thiên Chúa muốn thiết lập mối tương quan thân tình, chứ không phải trên sự sợ hãi. Đây là một điều răn hoàn toàn mới mẻ về một tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa và thể hiện ra bên ngoài bằng tất cả tấm lòng và toàn bộ khả năng.

2. Cơn dịch bệnh là một thử thách cho lòng tin và tình yêu

Nhìn lại 2 năm bị dịch bệnh Covid-19 tàn phá thế giới với gần 250 triệu người nhiễm bệnh và hơn 5 triệu người chết, tính cho đến hôm qua 30/10/2021, chúng ta thử hỏi mình đã cảm nghiệm được gì về một Thiên Chúa duy nhất để tin tưởng và yêu mến Ngài. Thế giới chỉ có thể sống an vui và hạnh phúc nếu nhận ra Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Nhưng hiện nay người ta lại chối bỏ Ngài để chạy theo rất nhiều thần linh khác.

Thần linh đầu tiên là khoa học: vì các nhà khoa học nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng con virus Corona này với những nghiên cứu khoa học tiên tiến để tìm ra các loại vaccine. Dù tiêm đủ hai lần, người ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh và chết. Do đó, hiện nay người ta lập kế hoạch tiêm tăng cường mũi 3. Nhưng con virus này lại có những biến thể mới và các nhà khoa học cảm thấy mệt mỏi bất lực trước thử thách lớn lao của dịch bệnh. Nhiều người đã cảm thấy rằng vị thần khoa học này chỉ là ngẫu tượng, nó không phải là chủ của sự sống, hạnh phúc, an lành. Nó chỉ là một tên đầy tớ tốt để phục vụ con người, nhưng lại là ông chủ xấu nếu con người tôn thờ nó.

Thần linh thứ hai là quyền lực chính trị: người ta nghĩ rằng chính quyền với đầy đủ nhân sự, vật tư sẽ có nhiều biện pháp để dập dịch, tổ chức cách phòng chống để “mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Người ta phải “chống dịch như chống giặc”. Dân tộc Trung Quốc còn hãnh diện hơn với những cuộc xét nghiệm thần tốc cả triệu người trong một ngày. Nhiều nước cũng học kinh nghiệm để xét nghiệm, giãn cách xã hội. Nhưng cuối cùng thì hết cách giãn!

Tất cả những biện pháp đó chỉ gợi ý cho ta hiểu rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mới là chủ sự sống và mới làm cho người ta sống. Chỉ Thiên Chúa duy nhất mới là nguồn của hạnh phúc và bình an để ta hoàn toàn tin tưởng vào Ngài. Chúng tôi đã cảm nghiệm được điều này giữa cơn dịch bệnh ở Sài Gòn trong mấy tháng nóng bỏng vừa qua, khi mà khắp các đường phố quanh nhà bị ngăn chặn theo lệnh chính quyền “ai ở đâu thì ở yên đó”. Bị nhiễm F0, nhưng gọi xe cấp cứu không được, gọi bệnh viện không nơi nào nhận, nhưng tin vào Chúa để sống và Ngài đã cứu chúng tôi.

Thần linh thứ ba là tiền của vật chất: người ta tin mình có thần tài hộ mệnh có thể mua được những vaccine và những loại thuốc đặc trị virus này. Nhưng khi nằm trần trụi trong phòng hồi sức cấp cứu, người ta mới nhận ra vị thần tài này không mua được sự sống, không mua được bình an, sức khoẻ, tình yêu hay bất cứ một giá trị tích cực nào. Nó chỉ là tên đầy tớ để ta sử dụng. Không ít người cơ hội đã tìm lợi lộc trong cơn dịch bệnh để bán các thiết bị y tế, thuốc men cao giá gấp nhiều lần. Nhưng khi nhiễm bệnh và đưa vào phòng cấp cứu, họ không thở được bằng chính máy thở mình bán cho bệnh viện. Một liều thuốc Astemra của Công ty Roche giá chỉ có 7,5 triệu đồng, nhưng người ta đội giá tới 600 triệu đồng. Một bộ test nhanh giá chỉ có 35.000 đồng, nhưng người ta tính tới vài trăm ngàn đồng và đã dùng tới hơn 20 triệu bộ test. Vị thần tài này đúng là ông chủ làm cho bao người dân khốn khổ, đói nghèo!

3. Cơn dịch bệnh là dịp bày tỏ lòng tin và tình yêu

Tuy nhiên, chính trong cơn dịch bệnh chúng ta lại có dịp để thực tập lòng tin và tình yêu. Đức Giêsu, nhân câu hỏi của các vị kinh sư, đã tóm gọn rất nhiều điều luật trong Do Thái giáo thành điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Người còn đi xa hơn cả Moise để giúp cho ta hiểu rằng: không phải chỉ tin yêu Chúa “hết lòng, hết sức” như Bài đọc I yêu cầu, mà còn phải “hết linh hồn, hết trí khôn” (Mc 12,30), nghĩa là với tất cả con người.

Hơn nữa, Đức Giêsu xem đòi buộc “yêu người thân cận như chính mình” là điều răn thứ hai, nhưng không phải là điều răn thứ yếu mà là điều răn gắn bó với điều răn thứ nhất vì Thiên Chúa là nguồn tình yêu, người ta không thể yêu người khác nếu không gắn bó với Thiên Chúa. Rồi một khi đã biết yêu Chúa bằng trọn vẹn con người mình, thì họ cũng biết yêu người thân cận như chính mình. Khi yêu như thế, họ mới cảm nghiệm được Thiên Chúa duy nhất đó thật sự là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, nguồn chân thiện mỹ và nguồn của mọi giá trị mà con người muốn tìm kiếm trong cuộc đời mình, nhất là trên những đoạn đường đời đầy thử thách gian truân. Tình yêu đó sẽ giúp cho người ta vượt qua tất cả những lễ toàn thiêu và hy lễ, mà nhiều người cứ ân hận là mình không được dự các thánh lễ và phụng vụ trong cơn dịch bệnh này. Lúc đó người ta mới cảm nhận được Nước Trời, nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và an bình ở ngay trong đời sống hằng ngày của mình.

Lời kết

Như thế, Đức Giêsu đã dạy chúng ta điều răn hàng đầu trong đời sống để ta thể hiện được Nước Trời cho chính mình và cho mọi người, mọi vật quanh ta. Amen.

HKK