Phát hiện chế độ ăn làm chậm sự phát triển của ung thư
Phát hiện chế độ ăn làm chậm sự phát triển của ung thư
Những gì chúng ta ăn vào có thể tác động đến ung thư. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện chế độ ăn giúp làm chậm sự phát triển của khối u ung thư.
Trong thí nghiệm trên những con chuột bị ung thư tuyến tụy, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã phân tích tác động của chế độ ăn đến sự phát triển của tế bào ung thư. Hai chế độ ăn này là hạn chế calo và ketogenic, theo SciTech Daily.
Lipid rất cần thiết để tế bào ung thư hình thành màng tế bào nên thiếu lipid sẽ làm giảm sự phát triển của chúng SHUTTERSTOCK |
Hạn chế calo là chế độ ăn cắt giảm từ 25% đến 50% lượng calo nạp vào, tránh xa các món có nhiều tinh bột, đường và chất béo. Trong khi đó, chế độ ăn ketogenic là nạp nhiều chất béo, ăn vừa đủ protein và ít tinh bột.
Tế bào ung thư tiêu thụ rất nhiều đường glucose. Cả chế độ ăn hạn chế calo và ketogenic đều tránh tinh bột và đường. Vì vậy, một số giả thuyết cho rằng 2 cách ăn này có thể làm chậm sự phát triển của khối u ung thư.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học phát hiện chế độ ăn hạn chế calo có tác dụng làm chậm sự phát triển của khối u nhiều hơn đáng kể so với ketogenic. Do đó, họ nghi ngờ đường glucose không đóng vai trò chính giúp khối u phải triển chậm lại.
Sự khác biệt chính là ở nồng độ lipid. Với những con chuột ung thư tuyến tụy, hạn chế calo làm lipid trong máu giảm, từ đó làm khối u phát triển chậm lại. Trong khi đó, những con ăn theo chế độ ketogenic thì lipid trong máu lại tăng.
Lipid rất cần thiết để tế bào ung thư hình thành màng tế bào. Do đó, các nhà khoa học tin rằng thiếu thiếu lipid đã làm giảm sự phát triển của chúng, theo SciTech Daily.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định những phát hiện này không có nghĩa là khuyến khích bệnh nhân ung thư phải ăn kiêng và hạn chế calo. Thay vào đó, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi kết hợp với một số loại thuốc có thể cải thiện kết quả điều trị.
“Có nhiều bằng chứng cho thấy cách ăn uống có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của bệnh ung thư nhưng đó không phải là cách trị. Mỗi bệnh nhân ung thư muốn thay đổi chế độ ăn thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ”, tiến sĩ Matthew Vander Heiden, một trong những tác giả của nghiên cứu, giải thích.
NGỌC QUÝ
TNO