23/01/2025

Tiếng nói của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc

Tiếng nói của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm thành lập và liên quan đến đến tiếng nói của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Báo Quan sát viên Roma đã có cuộc phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc.

Liên Hiệp Quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập vào ngày 24/10/1945, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Lúc khởi đầu tổ chức quốc tế này có 50 quốc gia thành viên, và hiện nay có 193 quốc gia tham gia. Toà Thánh không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng có đại diện thường trực tại tổ chức này từ tháng 10 năm 1957.

Liên Hiệp Quốc có sứ mạng duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền và đại diện cho trung tâm dung hợp các sáng kiến quốc gia.

Theo thời gian, khi các cuộc xung đột quốc tế giảm nhiệt thì các cuộc nội chiến gia tăng do các căng thẳng chính trị, kinh tế, sắc tộc và tôn giáo dẫn đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và vi phạm nhân quyền. Liên Hiệp Quốc ngày càng được kêu gọi tìm ra các hình thức và công cụ mới để ứng phó với các cuộc khủng hoảng mới. Tổ chức cũng đã dự tính có một cuộc cải cách để đạt được dân chủ, đại diện, trách nhiệm và minh bạch hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm thành lập và liên quan đến đến tiếng nói của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Báo Quan sát viên Roma đã có cuộc phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc.

Thưa Đức Tổng Giám mục, dịp kỷ niệm hàng năm tôn vinh bề dày lịch sử của các mục tiêu đặt ra vào năm 1945, nhưng trong năm kỷ niệm lần thứ 76 này, Liên Hiệp Quốc cố gắng đạt được những gì?

Tôi nghĩ là rất nhiều, ít nhất là theo nghĩa tránh lặp lại kinh nghiệm của 2 cuộc chiến tranh thế giới, với những tác động ngày càng tàn khốc với nguy cơ tự huỷ diệt bằng vũ khí nguyên tử. Trong nhiều trường hợp, sứ mạng gìn giữ hoà bình của quân Liên Hiệp Quốc đã giúp ngăn chặn những tình huống bi thảm và khôi phục hy vọng cho tương lai. Viện trợ nhân đạo ở các quốc gia đã phát triển mạnh mẽ, mang lại sự cứu trợ cho người dân ở những nơi khó tiếp cận. Các trụ cột của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về hòa bình, nhân quyền, phát triển, tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý, vẫn rất cần thiết, ngay cả khi chúng phải được áp dụng cho một thế giới đang phát triển nhanh chóng ở nhiều khía cạnh mới so với 76 năm trước khi chúng được ký.

Thực tế Liên Hiệp Quốc thường không đáp ứng được hết các kỳ vọng, và tầm nhìn bó hẹp vì lợi ích quốc gia thường không thể phù hợp với đòi hỏi về hoà giải và thoả hiệp. Về phía Toà Thánh, Toà Thánh đã làm cách nào để không ảnh hưởng đến sứ vụ?

Thường có nguy cơ là lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của một số thành viên đi cùng với lịch sử nhân loại và điều này cũng xảy ra đối với Liên Hiệp Quốc. Sự hiện diện của Toà Thánh tại tổ chức quốc tế này là một sự hiện diện mang tính “công giáo”, nghĩa là tính toàn thể cấu thành nên nó. Vì thế, Toà Thánh luôn mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi ưu tiên cho công ích như một tiêu chí phân định trong các chọn lựa liên quan đến toàn thể nhân loại.

Nhiều người nam nữ và trẻ em tiếp tục chết một cách oan uổng do tai ương của đói nghèo và bệnh tật, những người khác bị buộc rời khỏi quê hương do quyền tự do bị từ chối. Theo Đức Tổng Giám mục, tổ chức quốc tế này còn thiếu điều gì để đạt được điều mà Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã định nghĩa là “bước bắt buộc cho một nền văn minh hiện đại và cho nền hoà bình thế giới”?

Theo tôi, trả lời chính xác cho câu hỏi này đó là Thông điệp Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô. Văn kiện kêu gọi mỗi cá nhân và mọi thực tại tập thể đưa ra một quyết định với thái độ nền tảng về tình huynh đệ nhân loại và tình bạn xã hội.

Ngày nay, cơ cấu của Hội đồng Bảo an vẫn phản ánh sự cân bằng sau chiến tranh. Trong nhiều năm qua chúng ta nói đến việc cải cách quản trị của cơ quan này. Liên quan đến điều này, hiện nay chúng ta đã làm được gì?

Khi Hội đồng Bảo an được thành lập, cơ quan này đã phản ánh thực tế về những người chiến thắng trong cuộc xung đột, nhưng nó cũng cho thấy sự thực rằng các quốc gia tham gia Hội đồng này nắm giữ 90% vũ khí và vì thế họ có các phương tiện để gìn giữ hoà bình. Hành trình tái tổ chức cơ quan này đã được thực hiện rất sớm và kết quả là Hội đồng được mở rộng thêm. Trong nhiều năm qua, có nhiều đề xuất cho việc cải cách, nhưng theo tôi tiến trình vẫn còn dài.

Trong những năm gần đây, có nhiều trường hợp, chương trình nghị sự quốc gia được ưu tiên hơn việc tìm kiếm lợi ích chung. Điều này cho thấy những thất bại và sự phân mảnh, làm giảm đầu tư toàn cầu về sự hợp tác phát triển. Theo Đức Tổng Giám mục, làm sao để có thể vượt qua giai đoạn này?

Tôi nghĩ rằng trong đại dịch chúng ta đã có một bài học lớn về điều này. Theo một cách thức mới và trên quy mô toàn cầu, chúng ta hiểu rằng thách đố toàn cầu chỉ có thể ứng phó một cách hiệu quả theo cách toàn cầu. Điều tương tự cũng áp dụng cho vấn đề môi trường, đang rất nhạy cảm và có nhiều đòi hỏi, như Đức Thánh Cha đã nhắc đến trong Thông điệp Laudato Si’: mọi người, mọi cấp độ phải đều phải dấn thân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chắc chắn đại dịch là một thách đố đã buộc Liên Hiệp Quốc phải có một cách tiếp cận mới khi thêm một chủ đề mới vào chương trình nghị sự. Liên Hiệp Quốc đã thực hiện điều này như thế nào?

Không thiếu những ý tưởng, nhưng từ ý tưởng đến thực hành đòi hỏi suy tư, phân định và quyết định hiệu lực. Đây là một tiến trình cần thời gian và sự tham gia của mọi thành viên. Kết quả đạt được nhờ bởi sự sẵn sàng của mỗi thành viên trong việc thực hiện con đường của riêng mình nhưng trong sự hoà hợp với các thành viên khác. Không có giải pháp nào có thể thành công từ trên cao nếu không có sự tham gia và đóng góp của tất cả.

Có phải điều này cũng áp dụng cho cuộc khủng hoảng khí hậu?

Về vấn đề này, hiện nay có nhiều kỳ vọng đối với Hội nghị COP26 ở Glasgow, cả trên bình diện các quốc gia thành viên, và cả từ dư luận, nhờ sự nhạy cảm gia tăng liên quan đến sự cần thiết phát triển bền vững và bảo đảm cuộc sống của các thế hệ mới.

Hoà bình và hợp tác giữa các dân tộc, bảo vệ nhân quyền, công lý quốc tế, tất cả các hoạt động và mục tiêu này đã được thực hiện cũng nhờ sự tham gia vào đời sống cộng đồng quốc tế của Phái đoàn Toà Thánh. Vậy những thách đố tiếp theo sẽ là gì?

Sau Hội nghị vào tháng 11 về khí hậu, vào đầu năm mới 2022 sẽ có Hội nghị xem xét lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, sau đó sẽ là cuộc họp đầu tiên của các Quốc gia Thành viên sau khi Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực vào tháng 01/2021, mà Toà Thánh đã ký và phê chuẩn đầu tiên. Có nhiều việc phải làm: tầm quan trọng và những rủi ro của thế giới kỹ thuật số; duy trì không gian không có vũ khí; khai thác đại dương; đa dạng sinh học, và nhiều điều khác nữa, nhưng trên hết là  “một hệ sinh thái toàn diện” không quên chiều kích con người và phẩm giá của mỗi người, điều vẫn là trung tâm của mọi cam kết một sự phục vụ thực sự cho cuộc sống của toàn thể gia đình nhân loại và của hành tinh.

Ngày 25/9/2015, trong cuộc họp với các nhân viên Liên Hiệp Quốc tại New York, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mọi người chăm sóc, tôn trọng nhau để thể hiện lý tưởng của một tổ chức của một gia đình nhân loại liên kết, sống hoà thuận, hoạt động không chỉ vì hoà bình nhưng trong hoà bình; hoạt động không chỉ vì công lý, nhưng trong tinh thần công lý. Lời mời của Đức Thánh Cha đã được đón nhận như thế nào?

Tôi nghĩ tất cả những người làm việc tại Liên Hiệp Quốc đều nhận thức rằng họ không chỉ đại diện cho “lợi ích” và “chính sách” quốc gia, nhưng còn là tiếng nói của toàn thể nhân loại, và theo nghĩa này, trong các tương quan giữa mọi người, ở vị trí và có các vấn đề khác nhau, không chỉ thể hiện sự tôn trọng, nhưng còn là tình thân ái. Tất cả đều ý thức họ đang ở một nơi đặc biệt, trong đó, tiếng nói của toàn thế giới quy tụ theo một cách độc nhất và được cả thế giới ủng hộ.

Vai trò Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh đối với Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã thay đổi như thế nào trong những năm qua?

Trong khi các nguyên tắc nền tảng và thái độ được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI bày tỏ và giải thích rõ ràng trong bài diễn văn đầu tiên trước Đại Hội đồng vào ngày 4/10/1965 vẫn luôn có giá trị, mỗi Giáo hoàng đã đưa ra những ưu tiên và cam kết gắn liền với hành trình của Giáo hội lữ hành theo thời gian, nhưng cũng phù hợp với đặc điểm riêng và sự nhạy cảm trong những thời điểm lịch sử khác nhau được đánh dấu bởi những biến cố không lường trước của thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung, tôi có thể nói rằng trong những năm gần đây, sự hiện diện trong lĩnh vực được gọi là “đa phương” cũng đã phát triển đáng kể trong chính sách ngoại giao của Vatican với sự cam kết lớn hơn bao giờ hết về nhân sự và gia tăng khối lượng công việc.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-10/tieng-noi-toa-thanh-lien-hiep-quoc.html