Nhiều địa phương lên kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh
Nhiều địa phương lên kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh
Sau văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 14-10 về việc đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, nhiều địa phương đã lên kế hoạch chuẩn bị.
Theo một nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, nếu vắc xin được phân bổ (đúng loại Bộ Y tế phê duyệt cho trẻ từ 12 – 17 tuổi), dự kiến từ ngày 25-10 TP.HCM sẽ tổ chức tiêm. UBND TP.HCM từng nhiều lần kiến nghị phân bổ vắc xin để tiêm chủng càng sớm càng tốt. Số trẻ 12 – 17 tuổi cần tiêm vắc xin ở TP.HCM khoảng 700.000 em.
Tiêm thận trọng
Việc tiêm chủng dự kiến triển khai tại các điểm tiêm cố định (dành cho trẻ nghỉ học) hoặc tại các điểm trường (trẻ đang học). Với số lượng trẻ cần tiêm ước tính nêu trên, so với năng lực và tốc độ tiêm chủng hiện nay, có thể trong vòng 1 tuần TP.HCM sẽ hoàn thành tiêm phủ vắc xin mũi 1 cho trẻ 12 – 17 tuổi.
“Trẻ nhóm tuổi khá nhạy cảm, do đó cần phải tổ chức tiêm chủng thận trọng, không cần quá nhanh như người lớn. Quy trình tiêm chủng cần phải được chuẩn bị, tập huấn kỹ càng để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình tiêm” – một cán bộ Sở Y tế TP.HCM cho hay.
Theo Bộ Y tế, cũng giống như người lớn, trẻ em khi tiêm vắc xin phải được khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành và chỉ định của loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 12 – 17 tuổi ở các tỉnh thành đối với các loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho lứa tuổi này.
Nên tiêm tại trường hay cộng đồng?
Bà Đặng Thu Huyền – phụ huynh ở quận Bình Tân – đề xuất: “Đặc thù TP.HCM là học sinh sinh sống ở địa bàn này nhưng có khi lại học ở địa bàn khác. Vì vậy, để đảm bảo tất cả học sinh đều được tiêm cùng lúc và quay lại trường cùng ngày thì ngành y tế nên phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh ở trường mà các em đang học. Chính thầy cô giáo sẽ kiểm tra, rà soát danh sách để đảm bảo không có em nào bị sót khi tiêm”.
Tương tự, ban giám hiệu nhiều trường THCS, THPT cũng mong muốn cho học sinh của mình được tiêm vắc xin ngay tại trường. “Trường chúng tôi rộng rãi, thoáng mát. Nếu tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh tại đây thì sẽ rất dễ phân luồng học sinh đi vào, đi ra với quy trình tiêm vắc xin khép kín, đảm bảo quy định phòng chống dịch” – một hiệu trưởng trường THPT ở quận 10 bày tỏ.
Trong khi đó, ông Ngô Vĩnh Trường, hiệu trưởng Trường THCS – THPT Tân Phú, quận Tân Phú, chia sẻ: “Lý tưởng nhất là học sinh được tiêm vắc xin tại địa phương nơi mình đang sinh sống, sau đó mới quay lại TP.HCM đi học. Vì đặc thù của các trường tư là có nhiều học sinh cư trú ở nơi khác. Như trường chúng tôi có hơn 60% học sinh đang cư trú tại các tỉnh thành ngoài TP.HCM”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng trường tư thục thừa nhận rằng nếu học sinh ở các tỉnh thành ngoài TP.HCM được tiêm vắc xin trước khi đi học lại thì quá thuận lợi. “Nhưng điều này rất khó, bởi một số giáo viên của trường chúng tôi ở các tỉnh hiện nay vẫn chưa được tiêm vắc xin. Do đó trẻ 12 – 17 tuổi thì còn lâu lắm mới được tiêm. Việc tiêm vắc xin ngay tại trường học sẽ thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên – nhân viên trong trường cũng có thể hỗ trợ công tác tiêm phòng…” – ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hồng Đức (TP Thủ Đức), đề nghị.
Phụ huynh, học sinh mong mỏi
Tại Hà Nội, ngày 15-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo cho biết vẫn chưa có phương án cụ thể cho việc tiêm vắc xin cho học sinh thời gian tới. Trong văn bản gửi các trường ngày 15-10, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội hướng dẫn các trường chủ động phối hợp với cơ quan y tế để hoàn thành tiêm vắc xin cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và có phương án tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vắc xin của cơ quan y tế.
Cùng với mong mỏi cho học sinh trở lại trường học, nhiều phụ huynh và thầy cô giáo tại Hà Nội đều hy vọng chương trình tiêm vắc xin cho học sinh sớm được triển khai. “Dù dạy học trực tuyến có tốt thì học sinh vẫn cần được sớm đến trường để gặp thầy cô, bạn bè, phát triển hoàn thiện các kỹ năng khác ngoài kiến thức môn học. Tiêm vắc xin cho học sinh là một giải pháp cần ưu tiên trước mắt” – chị Thu Hương, phụ huynh có con học Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), bày tỏ.
“Kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh các cấp và phương thức tổ chức tiêm cần được phổ biến cụ thể rộng rãi để phụ huynh và các nhà trường nắm được. Việc này sẽ khiến phụ huynh yên tâm hơn cho dù có thể 1-2 tháng nữa mới tới lượt con mình được tiêm. Các nhà trường cũng có thể chủ động có kế hoạch cho những khối lớp có 100% học sinh được tiêm trở lại trường sớm, những lớp khác tiếp tục học trực tuyến” – anh Trường Nguyên, một phụ huynh có con học Trường THPT Cầu Giấy, nói.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa – cho biết trong khảo sát mới đây của trường về tâm lý học sinh trong thời gian học trực tuyến, có 54% số học sinh của trường cho biết các em cảm thấy “chịu nhiều áp lực, căng thẳng”, có 36% cho biết “bình thường” và chỉ 10% cho biết có thái độ tích cực hào hứng học tập.
Điều này cũng cho thấy “mặt trái” của việc kéo dài dạy học trực tuyến là khó tránh khỏi những tác động tiêu cực vào tâm lý học sinh. Giáo viên cũng đang phải căng mình, xoay xở các cách để dạy trực tuyến. Vì thế, nói mong muốn thôi có lẽ chưa thể hiện được hết khao khát được trở lại trường của cả thầy và trò.
“Giải pháp tiêm vắc xin cho học sinh hiện nay kết hợp với các biện pháp phòng dịch khác của nhà trường có lẽ là hướng đi có thể yên tâm nhất” – cô Nhiếp cho biết.
Các tổ dân cư đang khảo sát số lượng học sinh
Cũng tại Hà Nội, nhiều phụ huynh trao đổi trên các group riêng cho biết các tổ dân cư đang khảo sát lấy thông tin về đối tượng học sinh trong diện sẽ được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, đa số phụ huynh ở các nhóm trao đổi trực tuyến lại có mong muốn con được tiêm theo đơn vị trường học.
Nhiều nước đã tiêm cho trẻ em
* Đúng vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, Singapore bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên 12 – 18 tuổi. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vắc xin cho thanh thiếu niên trước khi hoàn thành việc tiêm chủng cho người lớn.
Theo thông tin trên trang web của Chính phủ Singapore, người dưới 18 tuổi cần có sự đồng ý của cha mẹ/người giám hộ để đặt lịch hẹn tiêm vắc xin. Khi đi tiêm phải mang theo giấy tờ chứng minh có sự đồng ý để xác minh.
* Campuchia tiêm vắc xin cho thanh thiếu niên 12 – 17 tuổi từ ngày 1-8, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk. Campuchia thậm chí đã đi xa hơn khi bắt đầu tiêm cho trẻ 6 – 12 tuổi từ ngày 17-9 bằng vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Với trẻ trên 12 tuổi và người lớn, Campuchia dùng vắc xin Sinovac, Sinopharm (cũng do Trung Quốc sản xuất) và vắc xin AstraZeneca (Anh).
* Thái Lan bắt đầu tiêm cho người trên 12 tuổi vào ngày 4-10, bắt đầu từ 29 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm thủ đô Bangkok. Khoảng 88% học sinh từ 12 – 18 tuổi ở Bangkok đã đăng ký tiêm chủng. Trên toàn quốc, có 3,6 triệu trong số 5 triệu học sinh đủ điều kiện đã đăng ký tiêm. Theo Hãng tin Reuters, Thái Lan sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho học sinh.
MINH KHÔI
Vĩnh Long: Tiêm ở nhiều nơi
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – cho biết tỉnh đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 12 – 17 tuổi. Dự kiến có khoảng 96.000 trẻ trong độ tuổi này. Tỉnh sẽ tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).
Thời gian tiêm sẽ thực hiện tùy theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương trên tinh thần tiêm sớm nhất có thể để đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường học trực tiếp.
C.HẠNH
An Giang: Tuổi lớn tiêm trước
Bà Trần Thị Ngọc Diễm – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang – cho biết sở đã có báo cáo xin chủ trương UBND tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho gần 57.000 học sinh cấp III toàn tỉnh. Ông Trần Quang Hiền – giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – nói: “Toàn tỉnh có trên 300.000 trẻ trong nhóm tuổi 12 – 17. Tỉnh sẽ tổ chức tiêm vắc xin trước đối với lứa tuổi lớn, sau đó đến lứa nhỏ hơn”.
BỬU ĐẤU
Đồng Tháp: Ưu tiên trẻ lớp 9 và 12
Theo ông Đoàn Tấn Bửu – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có trên 147.000 trẻ 12 – 17 tuổi. Đồng Tháp đang có kế hoạch tiêm chủng ưu tiên cho 2 nhóm lứa tuổi 15 (lớp 9) và 17 tuổi (lớp 12) với tổng số trên 37.000 em. Hiện nay đã làm kế hoạch chờ hướng dẫn liều lượng, quy trình cụ thể đối với tiêm vắc xin cho trẻ em.
“Việc ưu tiên tiêm cho nhóm học sinh lớn hơn, để các em tập trung đến trường học tập và chuẩn bị thi cuối cấp, thi tốt nghiệp. Sau đó sẽ tiêm mở rộng ra cộng đồng cho các em. Đồng Tháp cũng sẽ chọn tiêm theo chiến dịch tại các điểm trường” – ông Bửu nói thêm.
BỬU ĐẤU
Khánh Hòa: Lên danh sách trẻ cần tiêm
Chiều 15-10, lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho biết vừa tiếp nhận văn bản về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em 12 – 17 tuổi của Bộ Y tế. Sở đang chờ phân bổ vắc xin phù hợp với độ tuổi này, đồng thời lên kế hoạch tiêm, địa điểm tiêm và phải được sự thống nhất của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh tật tỉnh.
Cũng theo Sở Y tế Khánh Hòa, trẻ 12 – 17 tuổi là học sinh tương ứng với lớp 7 đến lớp 12. Việc triển khai tiêm sẽ góp phần đảm bảo an toàn trong quá trình học tập của học sinh. Việc tổ chức tiêm chủng phải thận trọng, cần phải được chuẩn bị, tập huấn kỹ càng tất cả các khâu để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình tiêm.
Sở Y tế cũng sẽ làm việc với Sở Lao động – thương binh và xã hội, Sở GD-ĐT lên danh sách trẻ cần tiêm, thảo luận, bàn kế hoạch cụ thể.
MINH CHIẾN
Cần Thơ: 17-10 thống kê xong số trẻ
UBND TP Cần Thơ yêu cầu thống kê số trẻ em 3 – 11 tuổi, 12 – 15 tuổi và 16 – 17 tuổi. Sau khi các địa phương gửi báo cáo (chậm nhất ngày 17-10), Sở Y tế sẽ tổng hợp và gửi báo cáo Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi.
Theo thống kê, Cần Thơ có khoảng 102.000 học sinh cấp THCS và THPT, trên 98.000 học sinh tiểu học.
THÁI LŨY
Sóc Trăng: Không để sót học sinh
Sở Y tế thống kê có 120.000 em từ 3 – 18 tuổi, tỉnh đã đăng ký và gửi danh sách này lên Bộ Y tế. Khi nào có vắc xin, bộ hướng dẫn cụ thể, tỉnh sẽ triển khai tiêm.
Ông Châu Tuấn Hồng – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng – cho biết sở đã yêu cầu phòng giáo dục các địa phương lập danh sách học sinh các cấp học, không để sót học sinh. Khi nào triển khai, có ngay danh sách sẵn để dễ dàng hơn trong thực hiện.
K.TÂM