Nobel văn chương 2021: Abdulrazak Gurnah có tư duy khoa học và kỹ thuật văn chương
Nobel văn chương 2021: Abdulrazak Gurnah có tư duy khoa học và kỹ thuật văn chương
Ngôn ngữ mẹ đẻ của ông Gurnah là tiếng Swahili, nhưng ông đã chọn tiếng Anh để viết văn. Dù vậy, theo giới chuyên môn, văn chương của ông vẫn có dấu ấn của ba ngôn ngữ là tiếng Swahili, tiếng Ả Rập và tiếng Đức.
Abdulrazak Gurnah: Tư duy khoa học và kỹ thuật văn chương
Nhắc đến Abdulrazak Gurnah, người ta nghĩ ngay đến chân dung một nhà văn hậu thuộc địa, vốn phê phán cả Conrad (Abdulrazak Gurnah viết lại cuốn Heart of Darkness – tạm dịch: Giữa lòng tăm tối của Conrad) lẫn Ngogi wa Thiong’o và Chinua Achebe (trong cuốn Essays on African Writing – tạm dịch: Luận về văn chương châu Phi).
Sức cộng hưởng của một bên là bản tính khoa học và hiểu biết của một giáo sư (ông Abdulrazak Gurnah là giáo sư danh dự tại Đại học Kent nổi tiếng của Anh), với bên kia là tư chất nhà văn với đầy ắp kỹ thuật và lịch sử văn chương đã gây ấn tượng mạnh và thuyết phục hội đồng Nobel văn chương của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Trong cuốn Gravel Heart (tạm dịch: Trái tim sỏi đá) viết năm 2017, Abdulrazak Gurnah sử dụng hình thức tự sự phân mảnh để kể một câu chuyện tan vỡ, ở đó người đọc phải tự gắn kết các phần để tìm ra ý nghĩa cho riêng mình.
Rất nhiều kỹ thuật văn chương được sử dụng ở trình độ cao như thời gian đứng yên, đa góc nhìn trần thuật, lỗ hổng tự sự, kỹ thuật trí nhớ và khai thác sự im lặng.
Với hơn 10 tiểu thuyết trong sự nghiệp, Abdulrazak Gurnah chống lại sự đơn giản hóa mối quan hệ giữa châu Âu và châu Phi dựa trên những khuôn mẫu vốn ăn sâu trong tiềm thức, phê phán chủ nghĩa quốc gia đã gây ra chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng (như trong By The Sea, 2001) và tạo ra những nhân vật bị nuốt chửng bởi những chấn thương và im lặng (như trong Paradise – tạm dịch: Thiên đường) viết năm 1994 và Desertion (tạm dịch: Ruồng bỏ) viết năm 2005.
Abdulrazak Gurnah còn là tác giả của nhiều tiểu luận về Naipaul, Rushdie, Wicomb. Trong đó nổi bật là cuốn A Companion to Salman Rushdie (tạm dịch: Bạn đồng hành của Salman Rushdie) do Nhà xuất bản Cambridge University Press ấn hành năm 2007.
Abdulrazak Gurnah đã được chọn vào danh sách chung khảo rút gọn của những giải thưởng rất lớn như Man Booker và Whitbread.
Nobel vốn không bị chi phối bởi những diễn biến thời sự
Trong buổi công bố giải Nobel, một phóng viên đã đặt câu hỏi với hội đồng xét giải rằng: Cuộc khủng hoảng người tị nạn trên biển Địa Trung Hải trong những năm qua đã tác động tới quyết định trao giải Nobel văn chương năm nay của họ không?
Ông Anders Olsson – chủ tịch Ủy ban Nobel văn chương – đã nói là “không”, bởi theo ông, giải thưởng Nobel vốn không bị chi phối bởi những diễn biến thời sự, mặc dù mỗi người đều luôn chịu sự tác động của những diễn biến ấy.
Và ông Olsson một lần nữa gửi đi thông điệp giải thưởng đã trao vì những giá trị lâu dài đã được kiểm chứng qua thời gian trong tác phẩm của Gurnah.
Ngôn ngữ mẹ đẻ của ông Gurnah là tiếng Swahili, nhưng ông đã chọn tiếng Anh để viết văn. Dù vậy, theo giới chuyên môn, văn chương của ông vẫn có dấu ấn của ba ngôn ngữ là tiếng Swahili, tiếng Ả Rập và tiếng Đức.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với trang web Africainwords đầu năm nay, ông Gurnah chia sẻ về một cuốn sách gần đây của ông có tựa đề Afterlives.
Khi đó ông nói ông đang cố gắng tìm cách thể hiện thật rõ ràng về việc con người đã bị chiến tranh và chủ nghĩa thực dân tác động rồi nhào nặn như thế nào, nhưng họ đã không bị những điều đó làm biến đổi nhân cách ra sao.
“Xung quanh tôi là những người đã trực tiếp trải qua những điều này và sẽ nói về chúng – ông nói – Những câu chuyện ấy đã nằm trong tôi từ rất lâu rồi và tôi cần thời gian để tổ chức chúng thành câu chuyện”.
Gần 20 năm, châu Phi lại có 1 nhà văn đoạt Nobel văn chương
Theo báo New York Times, ông Gurnah là người châu Phi đầu tiên trong gần 20 năm qua giành giải Nobel văn chương, giải thưởng văn chương được cho là danh giá nhất thế giới.
Cho tới nay, ông Gurnah là người châu Phi thứ 5 đoạt giải Nobel văn chương. Trước ông là các nhà văn Wole Soyinka của Nigeria năm 1986, Naguib Mahfouz của Ai Cập năm 1988, và hai nhà văn Nam Phi là Nadine Gordimer năm 1991, John Maxwell Coetzee năm 2003.