24/12/2024

ĐTC Phanxicô tiếp kiến các nhà giáo dục của các tôn giáo

ĐTC Phanxicô tiếp kiến các nhà giáo dục của các tôn giáo

Sáng thứ Ba 05/10, trong buổi tiếp kiến các nhà giáo dục của các tôn giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, và mời gọi mọi người cùng nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân mảnh và đối lập, và xây dựng lại các tương quan vì một nhân loại huynh đệ hơn.

Ngày 05/10 là Ngày Nhà giáo Thế giới do UNESCO thành lập, vì vậy trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi và biết ơn đối với tất cả các giáo viên, và sự quan tâm của ngài đối với nền giáo dục.

Đức Thánh Cha nhắc lại cách đây 2 năm, 12/9/2019, ngài đã kêu gọi tất cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cùng “đối thoại về cách chúng ta đang xây dựng tương lai của hành tinh và sự cần thiết phải đầu tư tài năng cho mọi người, bởi vì mỗi sự thay đổi đều cần một con đường giáo dục để trưởng thành về tình liên đới phổ quát mới và một xã hội chào đón hơn”.

Đức Thánh Cha nói: “Vì mục đích này, tôi đã thúc đẩy sáng kiến Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, để tái cam kết và để các thế hệ trẻ canh tân sự say mê vì một nền giáo dục cởi mở và hoà nhập hơn, có khả năng lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết nhau. Tôi mời tất cả cùng nhau nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân mảnh và đối lập, và xây dựng lại các tương quan vì một nhân loại huynh đệ hơn.”

Đức Thánh Cha đưa ra các nguyên tắc cơ bản để thực hiện được điều này: Trước hết là phải “biết mình”, và sau đó là “biết anh em mình”, “biết thụ tạo” và “biết Đấng Siêu Việt”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng, tôn giáo luôn có mối quan hệ chặt chẽ với giáo dục. Trong quá khứ, cũng như ngày nay, với sự khôn ngoan và nhân bản của các truyền thống tôn giáo, tất cả đều muốn khích lệ hoạt động canh tân giáo dục có thể làm cho tình huynh đệ phổ quát phát triển trên thế giới. Ngài liệt kê một loạt sự khác biệt trong quá khứ và ngày nay liên quan đến sự khác biệt giữa các tôn giáo, đó là:

Trước đây, nếu sự khác biệt làm cho các tôn giáo đối kháng nhau, thì ngày nay trái lại, điều này làm nên sự phong phú trên con đường đến với Thượng Đế và để giáo dục các thế hệ mới chung sống hoà bình trong sự tôn trọng nhau. Do đó, trong giáo dục không bao giờ dùng danh Thiên Chúa để biện minh cho bạo lực và thù hận đối với các truyền thống tôn giáo.

Nếu trước đây, nhân danh tôn giáo, các nhóm thiểu số bị phân biệt đối xử, còn ngày nay, các tôn giáo muốn trở thành những người bảo vệ bản sắc và nhân phẩm của mỗi người, dạy thế hệ trẻ đón nhận tất cả không phân biệt.

Nếu trước đây, quyền của phụ nữ và trẻ vị thành niên và những người yếu thế không được tôn trọng, thì ngày nay chúng ta cam kết bảo vệ họ và dạy cho thế hệ mới trở thành tiếng nói cho những ai không có tiếng nói. Vì vậy, giáo dục thúc dục chúng ta từ chối và tố cáo mọi sự vi phạm đến thể chất và đạo đức của mỗi người.

Nếu trước đây, chúng ta dung thứ cho việc khai thác và cướp phá ngôi nhà chung, thì ngày nay ý thức vai trò là người bảo vệ thụ tạo được Thiên Chúa trao phó, chúng ta muốn trở thành tiếng nói cho thiên nhiên, kêu gọi cho sự sống còn của môi trường và đào tạo thế hệ mới có một lối sống điều độ và bền vững sinh thái hơn.

Đức Thánh Cha kết luận: “Hôm nay, chúng ta muốn tuyên bố rằng các truyền thống tôn giáo của chúng ta, vốn luôn là những người nắm giữ vai chính trong giáo dục từ hoạt động xoá mù chữ cho đến bậc đại học, luôn củng cố sứ vụ giáo dục toàn diện mỗi người: cái đầu, đôi tay, con tim và linh hồn, nghĩa là tất cả vẻ đẹp của nó.” (CSR_6714_2021)

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-tiep-giao-duc-ton-giao.html