11/01/2025

Thứ Ba, 21.09.2021
Chúa không chấp quá khứ

“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại.” Câu tục ngữ này phần nào diễn tả được tinh thần của ngày lễ hôm nay. Tông đồ Matthêu vốn là người thu thuế, đã biết  ăn năn từ bỏ mọi sự mà trở về với Chúa.

Thánh Mátthêu, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng – Lễ kính

Ep 4,1-7.11-13 • Tv 18A,2-3.4-5ab (Đ. x. c.5a) • Mt 9,9-13

Lời Chúa
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Mát-thêu

9 Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chúa không chấp quá khứ

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. (Mt 9,13)

“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại.” Câu tục ngữ này phần nào diễn tả được tinh thần của ngày lễ hôm nay. Tông đồ Matthêu vốn là người thu thuế, đã biết  ăn năn từ bỏ mọi sự mà trở về với Chúa. Đối với người Do Thái, người làm nghề thu thuế có thể giàu về vật chất, nhưng đáng bị khinh bỉ về mặt tinh thần, vì được xem là “nối giáo cho giặc” hay “cõng rắn cắn gà nhà”, nên người ta thường tránh né họ.

Thế nhưng Đức Giêsu đã đi ngang qua cuộc đời của Matthêu. Người đã gọi ông làm môn đệ, dù biết ông vốn là người bị gạt ra lề, mang tiếng là tội lỗi trong dân. Chúa không đánh giá con người qua dáng vẻ hay nghề nghiệp bên ngoài mà dựa vào tâm hồn bên trong; không soi quá khứ tội lỗi mà mở về tương lai lành thánh. Những người như vậy mới cảm nhận rõ tình yêu và lòng thương xót của Chúa, để rồi sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng đó cho mọi người.

Về phía Matthêu, quyết định “theo” Chúa là chấp nhận từ bỏ nghề nghiệp đang có với nhiều lợi ích vật chất. Dẫu vậy, ông vẫn liều quyết định “theo”. Đức Giêsu gọi ông theo mà không kèm theo một lời hứa sẽ “được gì” hay “làm gì” thế mới nói là ông “liều”. Tuy nhiên, cái liều của ông có căn cứ. Ông tin Chúa, tin vào quyền năng Chúa, tin vào cùng đích của con đường theo Chúa.

“Theo Chúa Giêsu” là một định nghĩa căn bản nhất về ơn gọi làm môn đệ. Trước là theo trên con đường địa lý, nhưng quan trọng hơn là theo trên con đường tinh thần, con đường Tin Mừng, con đường Giêsu. Để tiến bước trên hành trình theo thầy Giêsu, các môn đệ được đòi hỏi từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ, nghề nghiệp và cả những tương quan trần thế và thay đổi tận căn về lối sống của mình để thanh thoát dấn thân phục vụ.

Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, làm sao để chọn một con đường phù hợp, chọn một lối đi dẫn về đích. Giữa cuộc sống có muôn vàn tiếng mời gọi, làm sao chọn được một ơn gọi đúng và dấn thân vì chọn lựa đó. Tất cả đều khởi xướng từ Thiên Chúa và Đức Giêsu, còn người môn đệ chỉ đáp lại bằng sự từ bỏ và dấn thân. Quả thật, được gọi làm môn đệ Đức Giêsu hoặc trở nên Kitô hữu đã là vinh dự cao cả, nhưng chọn để sống vinh dự đó cũng là một ân huệ mà các môn đệ và mọi Kitô hữu phải trả giá bằng những hy sinh và từ bỏ nhiều thứ, ngay cả bản thân mình, mới đạt được.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM – Sống Lời Chúa

Lạy Chúa Giêsu, được mời gọi “theo” để làm môn đệ Chúa là một ân huệ lớn lao. Xin cho chúng con biết từ bỏ những gì cản trở nơi bản thân để sẵn sàng bước theo Chúa trong hành trình sống đạo với niềm tín thác.